Thu phí ôtô vào trung tâm: Dân đóng thêm tiền, kẹt xe có giảm?

20/12/2016 16:44:00

Nhiều chủ ôtô than hiện đã phải chịu quá nhiều phí, nếu ra vào thường xuyên tại khu trung tâm bị thu thêm phí ôtô là vô lý. Hơn nữa, ôtô cũng không phải là nguyên nhân chính gây kẹt xe.

Nhiều chủ ôtô than hiện đã phải chịu quá nhiều phí, nếu ra vào thường xuyên tại khu trung tâm bị thu thêm phí ôtô là vô lý. Hơn nữa, ôtô cũng không phải là nguyên nhân chính gây kẹt xe.
 
Thu phí ôtô vào khu trung tâm liệu có giúp giảm bớt kẹt xe cho TP.HCM - Ảnh: Thuận Thắng

Sở Giao thông vận tải TP.HCM vừa đề xuất dự án thu phí vào trung tâm TP nhằm hạn chế kẹt xe vì hạ tầng giao thông đã quá tải sau 4 năm dừng triển khai dự án này vì chờ góp ý của Ủy Ban Mặt Trận Tổ Quốc Việt Nam TP.HCM.

Chung quanh đề xuất thu phí trên, có nhiều luồng ý kiến khác nhau.

Ôtô nặng phí, có giúp giảm kẹt xe?

Trao đổi với PV, nhiều chủ xe ôtô tỏ ra không đồng ý với việc thu phí ôtô trên các tuyến đường trọng điểm.

Anh Bùi Việt Huân - cư ngụ ở Nguyễn Thị Minh Khai (Q.1) có xe ôtô nói việc thu phí ôtô vào các đường trung tâm TP chắc chắn sẽ khiến nhiều người hoang mang.

Trên thực tế, ôtô không hẳn là nguyên nhân dẫn đến kẹt xe mà có rất nhiều nguyên nhân khác: ý thức người dân, hạ tầng giao thông, quy hoạch phát triển… Cho nên, Sở GTVT  tổ chức thu phí ôtô mà không quan tâm tới giải pháp lâu dài thì tình trạng kẹt xe vẫn sẽ tiếp tục diễn ra.

Tương tự, anh Phạm Tuấn Tú - một chủ xe ngụ đường 3-2, Q.10 than thở: “Hàng năm, chủ xe đã phải lo đủ thứ chi phí bảo trì định kì, đóng bảo hiểm, gửi xe… rất tốn kém. Trong khi xe máy ra vào TP thì không mất chi phí gì, còn ôtô đã phải nộp phí tại các trạm thu phí.

Giờ đây, chủ xe lại phải đóng thêm phí vào trung tâm TP nữa, chắc nhiều người phải chuyển sang đi xe máy cho đỡ mất công lại tiết kiệm được chi phí.

Video giao thông hỗn loạn ở TP.HCM - Thực hiện: Thuận Thắng

Ông Nguyễn Phước Nguyên - một chủ xe trên đường Đinh Tiên Hoàng (Q.1) cũng cho biết do tính chất công việc nên một ngày ông buộc phải ra vào khu vực trung tâm TP nhiều lần.

“Nếu vậy mỗi lần ra vào, tôi đều phải đóng phí hay sao?" - Ông Nguyên băn khoăn.

Ngược lại, ông Nguyễn Phú Cường - một người dân sống trên đường Xô Viết Nghệ Tĩnh (Q.1) ủng hộ: "Ôtô cồng kềnh chiếm diện tích mặt đường rất nhiều. Nếu chạy ẩu va quẹt là lập tức gây ùn tắc giao thông. Nếu thu phí như vậy sẽ giúp giảm bớt ôtô, cho đường thông thoáng".

Theo ông Phạm Minh Sương - phó tổng giám đốc phụ trách Khối vận hành Tập đoàn Mai Linh, nếu triển khai thu phí thì chắc chắn ít nhiều cũng ảnh hưởng đến hoạt động kinh doanh của các doanh nghiệp taxi.

Bởi vì việc thu phí sẽ dẫn đến làm tăng giá thành vận tải và tăng chi phí đi lại của người dân. Hiện nay mạng lưới xe buýt chưa thực sự thuận tiện thì taxi đóng vai trò rất lớn trong việc phục vụ nhu cầu đi lại của người dân đặc biệt là trong giờ cao điểm. 

"Chúng tôi đề xuất thành phố xem xét nếu có thu phí thì chỉ thu phí ôtô cá nhân và không thu phí đối với 2 loại hình xe buýt và taxi. Như vậy, chính sách của TP vừa không làm gia tăng chi phí đi lại cho người dân vừa không ảnh hưởng đến công việc kinh doanh của doanh nghiệp taxi truyền thống đồng thời hạn chế phần nào sự phát triển phương tiện cá nhân và khuyến khích người dân sử dụng ngày càng nhiều hơn loại hình vận tải công cộng" , ông Sương nói.

Thu phí ôtô vào trung tâm: Dân đóng thêm tiền, kẹt xe có giảm?
Sơ đồ vành đai thu phí khi ôtô đi vào khu vực trung tâm TP.HCM - Đồ họa: Tấn Đạt

Phải tính thêm cách khác

Về đề án thu phí này, ông Trần Quang Thắng - Viện trưởng Viện Kinh tế quản lý TP.HCM nói: "Thu phí ôtô vào trung tâm TP cũng là một trong các giải pháp giảm ùn tắc trong thời điểm hiện nay".

Theo ông Thắng, khi thu phí sẽ có không ít người đi ôtô cân nhắc chuyển sang đi các tuyến đường khác để không phải tốn phí vào các đường này.

Cần nhìn nhận, đối với những người giàu có, phí ôtô không đáng bao nhiêu, nhưng với những người thu nhập tầm trung họ sẽ cân nhắc việc ra vào trung tâm TP.

Từ đó, sẽ giúp giảm hẳn một lượng lớn ôtô lưu thông dày đặc trên một số tuyến đường như Lý Chính Thắng, Hai Bà Trưng… và sẽ giảm bớt tình trạng kẹt xe tại những tuyến đường trung tâm mà ôtô thường xuyên qua lạị.

Tất nhiên, khi thu phí, người dân sẽ rất khó chấp nhận vì tự dưng phải đóng thêm một số tiền phí như vậy. Thế nhưng, người dân phải công nhận rằng đây là phương án giảm ùn tắc hiệu quả nhất hiện tại mà TP có thể thực hiện.

Tuy nhiên, biện pháp trên cũng chỉ là giải pháp tạm thời, TP.HCM phải có chính sách mở rộng cơ sở hạ tầng đường xá, hạn chế nhập xe, phát triển giao thông công cộng.

Với tốc độ phát triển như hiện nay, muốn phát triển giao thông theo kịp và chống ùn tắc trong một tương lai xa, TP cần tích cực nghiên cứu phát triển các đô thị vệ tinh ở các huyện ngoại thành. 

Còn theo PGS.TS Nguyễn Lê Ninh - Ủy viên UBMT Tổ Quốc TP - thành viên Hội đồng tư vấn về khoa học kỹ thuật công nghệ MTTQ TP.HCM, đường xá được xây dựng bằng tiền thuế của nhân dân bỏ ra.

Do vậy, đề xuất thu phí ôtô như thế là chưa hợp lý, chắc chắn người dân không đồng tình. Chưa kể đến việc quá trình thực hiện thu phí không có luật lệ rõ ràng, minh bạch dễ dàng dẫn đến các tiêu cực khác.

Trước khi đưa vào thực hiện một dự án giao thông nào đó, Sở GTVT nên có khảo sát ý kiến của người dân, các chuyên gia trong lĩnh vực để xác định dự án đó có khả thi hay không rồi mới thực hiện, tránh lãng phí tiền bạc, công sức mà hiệu quả không cao.

"Chúng ta cũng cần có biện pháp cập nhật liên tục nhật ký của lượng ôtô ra vào TP để từ đó xác định lộ trình xe và điều chỉnh lộ trình giảm ùn tắc.

Ngoài ra, TP nên tập trung nghiên cứu các giải pháp lâu dài, hợp lý hơn như mở rộng hạ tầng, phát triển hệ thống xe buýt hiện đại, tiện lợi để thu hút hành khách chuyển qua đi xe buýt".

Theo Ngọc Ấn - Thu Dung (Tuổi Trẻ)

Nổi bật