Ngày 15/1, tại Hội nghị lần thứ 12 Đảng bộ TP Hà Nội, nhiều đại biểu đã nêu ý kiến xung quanh vấn đề tinh giản biên chế, sáp nhập bộ máy.
Ông Vũ Cao Minh, Bí thư quận Thanh Xuân cho hay, việc thực hiện các chính sách nêu trên rất khó do tác động đến tâm lý tư tưởng cán bộ, công chức, viên chức.
Bên cạnh đó, theo ông Minh, cơ chế khuyến khích người nghỉ hưu sớm, tuyển dụng người tài để bổ sung cho bộ máy chưa đủ sức thuyết phục. "Khi quận Thanh Xuân tổ chức biểu dương học sinh giỏi, trong đó có thủ khoa, tôi và Chủ tịch UBND quận ra mời về làm việc, nhưng họ chỉ nói cảm ơn”, ông Minh kể lại.
Ông Minh cũng nêu thực trạng "cán bộ làm hợp đồng của phòng, ban tại quận và phường lại làm tốt hơn cán bộ trong biên chế". Bí thư quận Thanh Xuân cho rằng, có thể do động lực làm việc của người trong biên chế không cao vì họ nghĩ "đã là công chức rồi cứ yên tâm là vào không có ra".
Tạm dừng tuyển dụng viên chức giáo dục
Giám đốc Sở Giáo dục Đào tạo Hà Nội Chử Xuân Dũng thông tin, thực hiện nghị quyết về tinh giản biên chế, sắp xếp bộ máy, số phòng ban của Sở đã giảm từ 13 xuống 9; việc bổ nhiệm cán bộ quản lý, số lượng cán bộ quản lý các phòng ban đúng quy định...
Ông Dũng cũng cho hay, theo rà soát của Sở Giáo dục và Sở Nội vụ, hiện toàn thành phố thiếu gần 10.000 giáo viên và nhân viên (trong đó có hơn 9.100 giáo viên và trên 600 nhân viên).
"Các quận huyện tha thiết đề nghị UBND TP cho phép tuyển dụng lượng giáo viên, nhân viên còn thiếu giúp các nhà trường ổn định, thực hiện tốt công việc, tránh việc ký hợp đồng lao động không đảm bảo dẫn đến sai sót; nếu thống nhất không tuyển dụng mới, thành phố cũng có chỉ đạo sâu hơn để tránh tâm lý tư tưởng trong các nhà trường", ông Dũng nói.
Phó bí thư Thành uỷ Ngô Thị Thanh Hằng cho biết, Thường trực Thành uỷ có chủ trương tạm dừng thi tuyển viên chức đối với giáo viên.
Theo bà Hằng, biên chế đội ngũ giáo viên sẽ phải thực hiện theo chủ trương của Trung ương về tăng cường đổi mới quản lý nhà nước, quản lý tài chính với các đơn vị sự nghiệp, chủ yếu là lĩnh vực y tế và giáo dục; chuyển dần sang hướng phân cấp và tăng quyền cho các đơn vị tự chủ từng phần, tiến tới tự chủ toàn phần.
Nhiều năm nay, Hà Nội áp dụng hình thức xét tuyển vào công chức đối với thủ khoa đại học trong nước, bằng giỏi, xuất sắc ở nước ngoài. Năm 2016 có 25 thủ khoa được tuyển thẳng vào công chức; năm 2015, có 40 trường hợp được xem xét tuyển dụng vào công chức không qua thi tuyển; năm 2014, số người thuộc diện đặc cách là 41.
Theo Võ Hải (VnExpress.net)