Chiều 7/11, ông Phạm Bá Quyển - Hiệu trưởng Trường THCS Tân Hưng Đông (xã Tân Hưng Đông, huyện Cái Nước, Cà Mau) ký quyết định số 05 về việc thu hồi và hủy bỏ quyết định định 03/QĐ- THCS THĐ ngày 27/10.
Lý do thu hồi là do qui trình thủ tục kỷ luật có một số nội dung chưa đảm bảo theo Nghị định 27/NĐ- CP ngày 6/4/2012 của Chính phủ qui định về việc xử lý kỷ luật viên chức và trách nhiệm bồi thường, hoàn trả viên chức.
Gần hai tuần trước, chính ông Quyển ký quyết định số 03 về việc buộc thôi việc bà Hoàng Thị Hoài Thanh (42 tuổi). Hai lý do trường sa thải nữ giáo viên môn sinh học này là không chấp hành sự phân công của hiệu trưởng và nghỉ việc không lý do từ ngày 6/9 đến 18/10.
Khi đó, ông Quyển nói rằng quyết định của ông là đúng vì Khoản 5, Điều 13, Nghị định 27/2012 của Chính phủ quy định về xử lý, kỷ luật viên chức có nội dung buộc thôi việc viên chức tự ý nghỉ việc từ 7 ngày làm việc trở lên trong một tháng hoặc từ 20 ngày làm việc trở lên trong một năm mà không có lý do chính đáng.
Khoản 2 của Điều 14 của Nghị định này quy định việc kỷ luật viên chức không giữ chức vụ quản lý thuộc thẩm quyền của người đứng đầu đơn vị quản lý viên chức.
"Áp dụng những quy định trên thì tôi ký quyết định buộc thôi việc cô Thanh là không sai", ông Quyển nói với phóng viên khi vừa trao quyết định thôi việc cho cô Thanh.
Quá bức xúc, cô Thanh làm đơn khiếu nại. Thông tin sau đó đến lãnh đạo UBND tỉnh Cà Mau và nơi đây đã chỉ đạo ngành giáo dục kết hợp với cơ quan chức năng huyện Cái Nước vào cuộc thẩm tra.
Trò chuyện với phóng viên, cô Thanh cho biết, cô vào ngành giáo dục năm 1994, dạy học tại Trường Tiểu học Cái Nước đến 1997, rồi đi học cao đẳng. Năm học 1990-2000, cô Thanh dạy tại Trường cấp 2-3 Bán công Cái Nước và sau đó chuyển đến Trường THCS Tân Hưng Đông.
"Trong 18 năm giảng dạy tại THCS Tân Hưng Đông, tôi bị luân chuyển đi 3 trường trong vòng 4 năm. Năm 2007-2018, do không đồng ý làm nhân viên thư viện nên tôi bị chuyển qua THCS Võ Thị Sáu.
Ngày 22/8, tôi có quyết định về lại THCS Tân Hưng Đông nhưng hiệu trưởng lại phân công làm nhân viên thư viện", cô Thanh nói về lý do bỏ việc để khiếu nại lên cấp trên và không được chấp thuận.
"Lý do tôi không muốn làm nhân viên thư viện vì lĩnh vực này không đúng với chức chức danh, chuyên môn mà tôi được đào tạo", nữ giáo viên chia sẻ.
Việc giáo viên được đào tạo đúng chuyên ngành như cô Thanh nhưng không được phân công đứng lớp mà làm kế toán, thư viện đang tồn tại ở các tỉnh đồng bằng sông Cửu Long.
Tại huyện Vĩnh Thuận (Kiên Giang), cô giáo Trương Tuyết Nhi, giáo viên trường tiểu học Thị Trấn 1 (huyện Vĩnh Thuận, tỉnh Kiên Giang) đã không được chi trả các chế độ trong hợp đồng làm việc không xác định thời hạn suốt gần 1 năm qua. Lý do cô Nhi là giáo viên nhưng được phân công làm công việc văn phòng.
Theo Gia Hân (Soha/Trí Thức Trẻ)