Nghị định 41/2024 của Chính phủ vừa ban hành đã sửa đổi quy định liên quan đến quản lý xe hợp đồng vận chuyển hành khách. Theo nghị định, đơn vị kinh doanh vận tải hành khách theo hợp đồng sẽ bị thu hồi giấy phép kinh doanh trong các trường hợp:
Không kinh doanh vận tải toàn bộ loại hình ghi trên giấy phép kinh doanh trong thời hạn từ 6 tháng trở lên, kể từ ngày được cấp giấy phép hoặc ngừng kinh doanh vận tải toàn bộ các loại hình ghi trên giấy phép trong thời gian 6 tháng liên tục trở lên;
Không chấp hành quyết định thanh tra, kiểm tra việc chấp hành các quy định về kinh doanh, điều kiện kinh doanh vận tải bằng ô tô của cơ quan có thẩm quyền;
Ngoài ra, trong thời gian 1 tháng, có từ 30% trở lên số phương tiện của đơn vị bị xử lý vi phạm thu hồi, bị tước phù hiệu, biển hiệu cũng sẽ bị thu hồi giấy phép kinh doanh.
Theo Bộ GTVT, quy định trên nhằm nâng cao hiệu lực của công tác quản lý Nhà nước trong hoạt động kinh doanh vận tải, tránh tình trạng đơn vị kinh doanh vận tải lấy lý do, chây ì, không nộp lại phù hiệu, biển hiệu mà vẫn sử dụng phương tiện để kinh doanh vận tải trái quy định. Từ đó, tăng trách nhiệm của doanh nghiệp trong chấp hành quyết định thu hồi phù hiệu, biển hiệu phương tiện.
Đồng thời, tăng trách nhiệm trong quản lý lái xe, phương tiện đảm bảo không vi phạm quy định về hoạt động kinh doanh vận tải, vi phạm luật giao thông đường bộ vì có thể dẫn đến bị thu hồi phù hiệu, biển hiệu, khó khăn trong việc cấp mới, cấp lại phù hiệu, biển hiệu; thậm chí có thể bị thu hồi giấy phép kinh doanh không thời hạn.
Trao đổi với PV VietNamNet về nội dung này, ông Đỗ Văn Bằng, Chủ tịch Hiệp hội vận tải Hà Nội băn khoăn với quy định thu hồi giấy phép kinh doanh đối với doanh nghiệp có hơn 30% số xe hoạt động bị tước phù hiệu.
Bởi trong vận tải hành khách, chỉ những xe do công ty, tổ chức và các hợp tác xã mới được thực hiện vận tải hành khách theo tuyến cố định.
Còn những xe của các hộ cá thể, hoặc cá nhân đăng ký hoạt động kinh doanh vận tải thì chỉ được chở khách theo hợp đồng. Số lượng xe của họ có rất ít, chỉ vài 3 chiếc.
“Theo nghị định có hiệu lực thi hành từ 1/6 tới đây, với những hộ kinh doanh vận tải cá thể chỉ có 1, 2 hoặc 3 xe mà chỉ trong tháng, 1 xe bị tước phù hiệu đồng nghĩa với việc thu hồi giấy phép kinh doanh luôn của hộ đó. Những xe còn lại cũng đắp chiếu, coi như cả hộ kinh doanh nghỉ luôn”, ông Bằng lo ngại.
Ông Bằng nhấn mạnh, doanh nghiệp có 100 xe thì để 33 xe vi phạm phải tước phù hiệu là rất khó. Nhưng vài ba xe, thậm chí có hộ cá thể chỉ có 1 xe thì nguy cơ bị tước giấy phép kinh doanh là khá lớn.
“30% của 100 xe khác với 30% của 3 xe. Trong khi chủ trương của Nhà nước khuyến khích sự tham gia của các hộ kinh doanh nhỏ và vừa. Do đó, tôi cho rằng cơ quan quản lý cần cân nhắc, xem xét tạo điều kiện cho các hộ kinh doanh tránh trường hợp họ có thể bị phá sản lập tức”, ông Bằng nói.
Không phải gửi danh sách hành khách về Sở GTVT trước hành trình
Ngoài nội dung mới trên, Nghị định 41/2024 cũng quy định: Đơn vị kinh doanh vận tải hành khách theo hợp đồng lưu trữ hợp đồng vận chuyển kèm danh sách hành khách tối thiểu 3 năm.
Quy định cũ yêu cầu phải gửi trước danh sách hành khách về Sở GTVT nơi đăng ký kinh doanh trước khi xe khởi hành.
Ông Phan Bá Mạnh, Giám đốc Công ty công nghệ An Vui cũng cho rằng, nếu thực hiện việc gửi hợp đồng vào email của Sở GTVT như hiện nay, không khác nào dùng cung tên bắn máy bay, bởi hầu hết cán bộ ở các sở không đủ sức để kiểm tra tất cả email. Chỉ trong thời gian ngắn, email rất có thể đầy và không nhận thêm được nữa.
Do đó, quy định gửi hợp đồng, danh sách hành khách về các Sở GTVT không còn khả thi. Trong khi đó, hiện Cục Đường bộ Việt Nam cũng chưa xây dựng xong phần mềm tiếp nhận, quản lý hợp đồng vận chuyển của các xe vận tải trên toàn quốc.
Tuy nhiên, với quy định mới tại Nghị định 41/2023, doanh nghiệp vận tải có trách nhiệm lưu trữ hợp đồng, danh sách hành khách và xuất trình khi lực lượng chức năng kiểm tra phương tiện trên đường cũng như phục vụ quá trình cơ quan quản lý thực hiện kiểm tra, thanh tra tại đơn vị.
Theo N.Huyền (VietNamNet)