Thả vì…thích thể hiện
Trên dọc các tuyến đường từ nông thôn đến thành thị, không khó để bắt gặp những chiếc xe máy chạy vèo vèo trong tư thế “không điều khiển”. Nguyên nhân là do chủ nhân của chiếc xe đang thoải mái thả hai tay dưới cái nhìn ngạc nhiên, ái ngại lẫn “khâm phục” của người đi đường.
Thú chơi này phổ biến ở người trẻ có xu hướng thích ăn chơi và thể hiện mình. Khi trực tiếp chứng kiến, đa phần người dân đều “ rợn tóc gáy” vì sự mong manh, coi thường sinh mạng của chính người điều khiển giao thông.
Biết rõ sự nguy hiểm có thể xảy đến bất cứ lúc nào song vì phút “ yêng hùng”, nhiều người đã để “cảm xúc thăng hoa” lấn át nỗi lo sợ “ tử thần”. Theo chia sẻ của H.N (Bình Dương), thả hai tay khi đi xe giống trò chơi cảm giác mạnh, thực hiện thành công mang lại những giây phút thích thú tuyệt đỉnh.
Thêm vào đó, ánh mắt của mọi người xung quanh nhìn vào trầm trồ khiến người đi lâng lâng, tự cho phép mình cái quyền là người hùng, đồng thời thể hiện được “đẳng cấp” và “ kĩ xảo” của một “ Xmen đích thực”.
T.K ( TP.HCM) cho biết thêm, thả hai tay là cách chơi trội, làm mình nổi bật giữa đám đông. Dân chơi, giang hồ thường dùng cách này để khuếch trương thanh thế, tỏ vẻ đàn anh. Một điều đáng lo ngại khi đi kèm với trò chơi là kiểu phóng nhanh, vượt ẩu, lạng lách.
Hiện, thú chơi “quái đản” không chỉ thu hút “đấng mày râu” mà đã lan sang cả giới nữ. Suốt một thời gian dài, cư dân mạng bình luận sôi nổi về hình ảnh hai cô gái vừa đi xe máy, vừa thả hai tay tạo dáng trước máy ảnh. Hành động “xốc nổi” của thiếu nữ đã bị chỉ trích nặng, một số người thông cảm cho rằng đây chỉ là phút nghịch dại của cô gái.
Trên thực tế, nhiều “nữ quái” không sử dụng trò này là công cụ để chứng tỏ đẳng cấp của dân chơi thứ thiệt với khả năng chịu chơi hết mình. Sau mỗi màn thả tay nóng bỏng sẽ xuất hiện tiếng la hét thích thú gây huyên náo đường phố.
Chưa dừng lại ở thú đi xe buông hai tay, nhiều thanh niên đã và đang phát triển “sự nghiệp” thể hiện mình bằng những tư thế “ kinh dị, ngược đời”: bốc đầu xe; đi xe bằng một bánh; điều khiển xe bằng chân, bằng lưng, thậm chí là bằng…mông. Không những thế, họ còn kết hợp các hình thức trên với việc nghe điện thoại.
Hiểm họa khôn lường
Theo quán tính, người thả tay vẫn có thể điều khiển chiếc xe theo ý mình bằng trọng lượng cơ thể, tuy nhiên sự điều khiển này chỉ ở mức hời hợt và tương đối. Tay không đặt ở vị trí cầm lái đã làm mất đi tính chủ động khi gặp phải tình huống bất ngờ, theo đó khả năng phản xạ giảm, xử lí thiếu chính xác.
Những sự cố thường gặp khi tham gia giao thông như ổ gà, khúc cua hay nguy hiểm hơn là cú va chạm với phương tiện lưu thông khác…đều có thể đe dọa sự an toàn của “khổ chủ”. Đi trên chiếc xe thả hai tay, ngay chính “quái xế” cũng không thoát khỏi tình trạng chênh vênh, khó kiểm soát.
Điển hình trong thao tác phanh, với công dụng kiềm hãm tốc độ, phanh là bộ phận giải quyết rắc rối trong giao thông hiệu quả. Tuy nhiên, trong trường hợp này, phải mất một khoảng thời gian ngắn, người đi mới có thể chạm vào phanh. Lúc này, công tác khắc phục sự cố sẽ trở nên khó khăn khi hành động trậm trễ, không hợp lí.
Lường trước tất cả hậu quả và rủi ro song vẫn cố tình lao vào, nhiều người đã phải trả giá đắt. Nhẹ thì xây xước ngoài da nhưng đau lòng nhất khi phải trả bằng cả tính mạng.
“Quái xế” với màn trình diễn “ bốc đầu” (ảnh cắt từ clip). |
Mất lái, Minh ngã nhào về phía trước, chân tiếp xúc với mặt đường và bị kéo lê, mặt mũi trầy xước. Khi tỉnh dậy, Minh đã bị cưa một chân vì vết thương quá nặng, không thể tiến hành ghép.
Minh nghẹn ngào: “ Chỉ một phút nông nổi mà hỏng hết một đời. Ân hận khi không thể báo hiếu mà phải để bố, mẹ già chăm sóc”.
Hình ảnh xe không cầm lái đã trở thành nỗi ám ảnh của nhiều người. Mất thăng bằng, không kiểm soát tay lái, những chiếc xe này có thể gặp sự cố hoặc “ đâm sầm” vào bất cứ thứ gì trên lộ trình, gây nguy hiểm cho chính bản thân người điều khiển và những người tham gia giao thông khác.