Liên quan đến vụ việc bé trai V.Q.K. (SN 2009), học sinh lớp 5 tại trường T.Q.T., quận 3, TP.HCM nghi bị mẹ kế bạo hành, ngày 25/9, chị N.T.H.Y., SN 1983, ngụ quận Cầu Giấy, TP. Hà Nội, mẹ ruột cháu K. liên hệ với PV báo Người Đưa Tin để cung cấp một số thông tin mới liên quan đến vụ việc.
Bé K. bị những vết thương bầm tím trên người mà trước đó chị Y. đã phát hiện chụp ảnh lại (hình ảnh do chị Y. cung cấp).
Chị Y. cho biết, hiện cháu K đã được đưa đến bệnh viện khám giám định thương tích.
Chị Y. tâm sự, chị đang rất buồn, khổ tâm và lo lắng về việc con trai mình bị bạo hành. Từ khi nghe tin con trai bị bạo hành, ngày 21/9 chị bay từ Hà Nội vào TP.HCM để thăm con.
Tuy nhiên, đến thời điểm này chị Y. chỉ mới được gặp con trai 1 lần tại cơ quan điều tra. Sau đó, cháu K. lại được bố cháu là anh V.N.Q. dẫn về nhà.
Chị Y. cũng biết để giành lại quyền chăm sóc con sẽ vất vả, gian nan và tốn kém, nhưng vì con trai chị phải cố gắng theo đuổi vụ việc cho tới cùng. Hiện, chị đang phải thuê khách sạn ở dài ngày.
Theo chị Y., sự việc cháu K. bị bạo hành, được chị phát hiện từ tháng 3/2018, khi trong một lần chị ghé thăm con trai và mua quần áo mới cho bé K..
Trong lúc thay quần áo cho cháu, chị phát hiện những vết bầm tím trên người bé K.. Khi chị hỏi anh Q. thì anh này cho biết, mình đánh cháu vì cháu học không học, không chịu làm bài tập.
Chi Y. cho hay, chị và chồng cũ là anh V.N.Q. ly hôn vào năm 2011 và Tòa tuyên chị được quyền nuôi dưỡng cháu K.. Tuy nhiên, khi bé K. 8 tuổi, một lần bé vào miền Nam thăm bố, từ đó cho đến nay bé ở lại sống cùng bố là anh Q. và mẹ kế.
Khi phát hiện bé K. bị đánh, chị N. đã yêu cầu đưa bé về Hà Nội, nhưng anh Q. không ý và còn đe dọa.
Nói về quyền được nuôi dưỡng và thăm hỏi, liên lạc với con trai. Chị Y. cho biết rất khó khăn để chị được gặp cháu, kể từ khi cháu vào ở với bố.
Bởi anh Q. luôn tìm cách từ chối để chị được gặp con với nhiều lý do. Kể từ khi bé K. vào ở với bố, chị và bà ngoại cháu chỉ được một vài lần gặp mặt cháu, còn những người khác thì không.
Dịp Tết Nguyên Đán 2018, chị và gia đình bên ngoại muốn đón cháu đi chơi vài ngày. Tuy nhiên, anh Q. không cho phép.
Bức xúc về vấn đề này, trong tháng 6/2019, chị Y. đã nộp đơn mời văn phòng luật sư Đồng Đội (TP.Hà Nội) để được tư vấn, hỗ trợ pháp luật về vấn đề vấn đề nuôi con sau khi ly hôn.
Về việc này, văn phòng luật sư Đồng Đội đã 2 lần gửi công văn đến công ty CP Vận tải sản phẩm khí quốc tế - Gas Shipping, nơi mà anh Q. đang làm việc.
Bởi ngoài là nhân viên phòng khai thác, anh Q. còn là một đảng viên thuộc sự quản lý của chi bộ Đảng ủy công ty này.
Nội dung công văn trình bày, năm 2009 chị Y. và anh Q. kết hôn với nhau và có một con chung với nhau là cháu K.. Đến năm 2011, chị Y. và anh Q. ly hôn và chị Y. được quyền nuôi dưỡng cháu K, anh Q. có trách nhiệm cấp dưỡng cho cháu.
Năm 2017, anh Q. đón con vào TP.HCM nuôi dưỡng và đi học tại trường T.Q.T., quận 3, TP.HCM. Hiện anh Q. và chị Y. đều có gia đình riêng.
Theo quy định tại Điều 81, 82, 83 - luật Hôn nhân và gia đình, thì việc trông nom, chăm sóc, nuôi dưỡng, giáo dục con sau ly hôn là quyền và nghĩa vụ của cả bố, mẹ, người thân bên nội, bên ngoại mà không ai được cản trở.
Tuy nhiên anh Q. và gia đình đã không hợp tác, không tạo điều kiện cho chị Y. và gia đình thực hiện các quyền trên. Việc này đã vi phạm luật Hôn nhân và gia đình.
Nghiêm trọng hơn là vi phạm Điều 24 – Quy định xử lý kỷ luật đảng viên vi phạm số 102/QĐ – TW.
Sau 2 lần gửi công văn vào ngày 24/6/2019 và 6/8/2019 đến công ty nơi anh Q. đang làm việc. Đến nay, văn phòng luật sư Đồng Đội và chị Y. vẫn chưa nhận được sự hồi đáp nào từ phía công ty anh Q.
Liên quan đến việc trên, ngày 25/9, PV đến công ty nơi anh Q. làm việc để liên hệ xác minh. Tuy nhiên, đại diện công ty này cho biết; “Hiện, lãnh đạo đang đi vắng, không ai có thẩm quyền trả lời việc này”.
Liên quan đến việc thực hiện quyền chăm sóc nuôi dưỡng bé K. và việc cháu bị bạo hành, luật Trần Thị Ngọc Nữ, Chi Hội trưởng chi hội Luật sư - hội Bảo vệ quyền trẻ em TP.HCM, luật sư bảo vệ cho bé K. cho biết: “Cần phải áp dụng ngay luật Bảo vệ trẻ em theo Nghị Định 56/2017/NĐ-CP, Điều 32 quy định việc tạm thời cách ly trẻ em khỏi cha, mẹ, người chăm sóc trẻ em và áp dụng biện pháp chăm sóc thay thế.
Tuy nhiên, đến thời điểm này không hiểu sao các cơ quan chức năng vẫn không cách ly cháu K.”.
Về vấn đề này, theo chị Y., cơ quan Công an báo với chị vụ việc đã được chuyển sang Viện kiểm sát quận 11 điều tra. Kết quả giám định phải sau 1 tháng mới có. Việc cách ly cháu không thuộc thầm quyền của công an mà thuộc bên Tư pháp.
Như báo Người Đưa Tin đã đưa, ngày 18/9, giáo viên của cháu K. là cô giáo T. phát hiện cơ thể học sinh mình có nhiều vết thương bầm tím. Khi được hỏi thì em K. và một số học sinh khác nói em bị mẹ kế đánh.
Cô T. báo tin này tới Tổng đài Bảo vệ quyền trẻ em 111. Sau đó, nhân viên Tổng đài 111 đã gửi tin nhắn thông tin này đến cho hội Bảo vệ quyền trẻ em TP.HCM.
Sau khi nhận được thông tin, Chi Hội trưởng Chi hội Luật sư - hội Bảo vệ trẻ em TP.HCM là luật sư Trần Thị Ngọc Nữ đã phản ánh lại sự việc với UBND phường, Công an phường 15, quận 11.
Báo Người Đưa Tin sẽ tiếp tục cập nhật.
NGHỊ ĐỊNH Số: 56/2017/NĐ-CP
QUY ĐỊNH CHI TIẾT MỘT SỐ ĐIỀU CỦA LUẬT TRẺ EM
1. Việc tạm thời cách ly trẻ em khỏi cha, mẹ, người chăm sóc trẻ em và áp dụng biện pháp chăm sóc thay thế theo quy định tại điểm b và điểm c khoản 2 Điều 50 Luật trẻ emđược thực hiện đối với trường hợp trẻ em bị xâm hại, có nguy cơ bị bạo lực, bóc lột, bỏ rơi bởi cha, mẹ, người chăm sóc trẻ em; trẻ em bị xâm hại nhưng cha, mẹ, người chăm sóc trẻ em từ chối thực hiện kế hoạch hỗ trợ, can thiệp hoặc trẻ em bị xâm hại có nguy cơ tiếp tục bị xâm hại bởi cha, mẹ, người chăm sóc trẻ em.
2. Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp xã nơi trẻ em cư trú hoặc nơi xảy ra trường hợp quy định tại khoản 1 Điều này có thẩm quyền ra quyết định tạm thời cách ly trẻ em khỏi cha, mẹ, người chăm sóc trẻ em theo Mẫu số 07 tại Phụ lục ban hành kèm theo Nghị định này và bố trí nơi tạm trú an toàn theo quy định tại điểm b khoản 2 Điều 50 Luật trẻ emvà áp dụng biện pháp chăm sóc thay thế theo quy định tại khoản 3 Điều 52 Luật trẻ em trong vòng 12 giờ tính từ thời điểm tiếp nhận thông tin.
3. Thời hạn tạm thời cách ly được quyết định căn cứ vào đánh giá nhu cầu và môi trường an toàn của trẻ em, được gia hạn, nhưng thời hạn cách ly tối đa không quá 15 ngày trừ trường hợp phải tiếp tục cách ly theo yêu cầu của cơ quan có thẩm quyền. Khi cha, mẹ, người chăm sóc trẻ em được đánh giá bảo đảm điều kiện an toàn cho trẻ em theo Mẫu số 03 tại Phụ lục ban hành kèm theo Nghị định này thì Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp xã hủy bỏ quyết định tạm thời cách ly.
4. Trẻ em được tạm thời cách ly khẩn cấp khỏi cha, mẹ, người chăm sóc trẻ em cần được thực hiện ngay việc giao chăm sóc thay thế trước khi thực hiện các thủ tục nhận chăm sóc thay thế.
Theo Hoàng Việt (Nguoiduatin.vn)