Những biện pháp cách ly, truy vết đã không còn phù hợp
Số ca mắc COVID-19 tăng cao sau dịp Tết Nguyên đán, trong đó, nhiều ca mắc cộng đồng và nhiều trường hợp có triệu chứng nhưng không khai báo y tế, không xét nghiệm và vẫn sinh hoạt làm việc bình thường.
Theo PGS.TS Nguyễn Huy Nga, nguyên Cục trưởng Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế), Việt Nam đang thực hiện chiến lược “sống chung với dịch”, do đó, các biện pháp phòng, chống dịch, kiểm soát các ca mắc COVID-19 và những người tiếp xúc cần thực hiện theo đúng quy định của Bộ Y tế.
PGS.TS Nguyễn Huy Nga cho rằng, những biện pháp cách ly, truy vết đã không còn phù hợp và với những trường hợp này cần nâng ý thức phòng, chống dịch để tự bảo vệ bản thân, bảo vệ người thân trong gia đình, cùng bạn bè và đồng nghiệp: “Điều cần thiết để chống dịch hiện nay là người dân thực hiện nghiêm 5K để tự bảo vệ mình dù đã tiêm vaccine hay chưa. Nhiều trường hợp F0 không khai báo vì lo ngại ảnh hưởng tới công việc và thu nhập, nên nhiều F0 không triệu chứng vẫn đi làm. Do vậy, cần nâng cao ý thức của mỗi người dân, có biện pháp để họ thực hiện khai báo y tế hoặc các đơn vị, các cơ quan phải có biện pháp xử lý nghiêm khi nhân viên là F0 không khai báo”.
Bên cạnh đó, chuyên gia cho rằng, Bộ Y tế cần đổi mới và cập nhật khuyến cáo, đẩy mạnh truyền thông. Theo đó, hướng dẫn để các cơ quan y tế hoạt động hỗ trợ người bệnh hiệu quả trong điều kiện nhân lực mỏng và quá tải.
“Cơ bản hiện nay, người dân có thể tự test và tự theo dõi sức khỏe. Người bệnh chỉ cần nhập viện khi triệu chứng trở nặng và nguy hiểm. Số ca mắc trong cộng đồng có thể rất cao và con số công bố chính thức chỉ là phần nổi của tảng băng trôi. Do vậy, chúng ta xác định sống chung với dịch. Và tập trung chăm sóc y tế cho những người bệnh có triệu chứng hoặc diễn biến nặng. Dần dần chúng ta coi COVID-19 như bệnh đặc hữu, như cúm, sởi…”, PGS.TS Huy Nga nhấn mạnh.
Đánh giá diễn biến dịch hiện nay, cùng với các biện pháp thích ứng linh hoạt, an toàn, kiểm soát dịch hiệu quả, PGS. TS Huy Nga khuyến cáo, với các trường hợp xác định tiếp xúc gần F1 tự theo dõi là chính và không cần cách ly tập trung hay cách ly y tế nghiêm ngặt. Tuy nhiên, chính bản thân những người dân khi ở trường hợp này phải nâng cao ý thức phòng, chống dịch, thực hiện nghiêm 5K.
Với các trường hợp F0 không triệu chứng, người bệnh cũng cơ bản cách tại nhà và thông báo với y tế cơ sở để được hỗ trợ khi có dấu hiệu chuyển nặng. Các trường hợp bị nặng vẫn cần phải nhập viện điều trị.
“Sự hỗ trợ, chăm sóc và theo dõi của người nhà với các trường hợp F0 này là chính. Những hướng dẫn cho F0 điều trị tại nhà cũng được Bộ Y tế ban hành cụ thể. Trong trường hợp không liên hệ được với y tế cơ sở, người nhà cần theo dõi sát sao, thực hiện tự xét nghiệm tại nhà và liên hệ đưa vào bệnh viện nếu có triệu chứng nặng. Người nhà vẫn cần cách ly với F0, không để bệnh nhân tiếp xúc với người cao tuổi, trẻ em trong nhà, đặc biệt là người chưa tiêm vaccine”, PGS.TS Huy Nga khuyến mạnh.
Thống kê số ca mắc COVID-19 để tránh tình trạng không năm được diễn biến dịch
Cũng theo giới chuyên gia, xác định sống chung với COVID-19 và các hoạt động xã hội được nới lỏng theo định hướng thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát dịch hiệu quả được dự báo sẽ khiến số ca mắc tăng cao. Đặc biệt, sau dịp Tết Nguyên đán và các hoạt động lễ hội sắp tới, số ca mắc COVID-19 trong ngày tại Việt Nam đã tăng lên hơn mốc 30.000 ca mỗi ngày.
Hiện tại có những ý kiến cho rằng, việc thống kê số ca mắc COVID-19 hằng ngày là không còn nhiều ý nghĩa, song từ góc độ chuyên gia, PGS.TS Trần Đắc Phu, nguyên Cục trưởng Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế) khẳng định, việc thống kê là không thể thiếu. Bởi dựa trên số liệu thống kê, các cơ quan y tế, cơ quan chức năng sẽ đánh giá được diễn biến dịch đang theo xu hướng nào.
Theo ông Phu, khi số ca mắc COVID-19 tăng cao thì số ca chuyển nặng và nhập viện cũng tăng cao theo. Dựa vào những số liệu này, cơ quan chức năng sẽ có giải pháp ứng phó kịp thời.
“Việc thống kê để tránh tình không nắm bắt được diễn biến dịch, bên cạnh đó còn tính đến khả năng có chuyến biến mới hay xuất hiện biến thể mới của virus. Về khía cạnh bệnh truyền nhiễm, ngành y tế luôn luôn phải thống kê và nắm được số ca mắc cũng phải được thống kê, chỉ là có công bố số liệu trên hệ thống hay không. Không nắm được số ca mắc thì sẽ không chống được dịch”, ông Trần Đắc Phu nói.
“Các biện pháp phòng, chống dịch cơ bản nhưng hiệu quả như 5K là rất cần thiết. Dù chúng ta đã tiêm phủ vaccine ở tỷ lệ cao, nhưng vẫn không được buông xuôi, lơ là các biện pháp phòng dịch đơn giản nhất. Khi mắc COVID-19, có những trường hợp nhẹ, nhưng cũng có trường hợp nặng, đặc biệt những trường hợp không được tư vấn, hướng dẫn và điều trị kịp thời sẽ có nguy cơ tử vong”, nguyên Cục trưởng Cục Y tế Dự phòng Trần Đắc Phu cho biết.
Các chuyên gia khẳng định, người dân khi lây nhiễm bệnh cần phải được tư vấn, hỗ trợ từ cơ sở y tế để điều trị kịp thời và hiệu quả. Song hiện nay nhiều F0 phản ánh họ phải chờ đợi lâu và gần như không được hỗ trợ về chăm sóc sức khoẻ hay cấp thuốc từ y tế cơ sở. Điều này khiến nhiều người nghe theo bạn bè “mách” hay đọc trên mạng để mua thuốc tự điều trị.
“Đây là vấn đề ngành y tế cần phải sát sao và rút kinh nghiệm. Với dịch bệnh truyền nhiễm, người bệnh cần được tư vấn, hỗ trợ để khi chuyển nặng sẽ được chuyển tuyến điều trị kịp thời”, PGS.TS Trần Đắc Phu nói.
Từ đầu tháng 12/2021, Singapore đã dừng nhật thông tin hằng ngày về dịch COVID-19. Đây được coi là động thái chuyển sang giai đoạn tiếp theo trong quá trình coi COVID-19 từ đại dịch sang bệnh đặc hữu. Tuy nhiên, người dân Singapore vẫn có thể tiếp tục tiếp cận một số thông tin trên trang web của Bộ Y tế, bao gồm số ca mắc bệnh, ca tử vong và tỷ lệ điều trị trong phòng chăm sóc đặt biệt (ICU).
Trong khi đó, tại buổi họp báo của Ban Chỉ đạo phòng chống dịch COVID-19 và phục hồi kinh tế TP.HCM diễn ra chiều 14/2, Sở Y tế thành phố cho rằng: “Còn quá sớm để xem SARS-CoV-2 là bệnh đặc hữu như cúm mùa”. Bà Nguyễn Thị Huỳnh Mai, Chánh văn phòng Sở Y tế TP.HCM cho rằng, dù có nhiều tín hiệu khả quan nhưng còn quá sớm để nhận định về dịch bệnh COVID-19./.
Theo Thiên Bình (VOV.vn)