Thiếu xăng, người Hà Nội vừa đi đường vừa 'nín thở'

09/11/2022 14:07:18

Việc đổ xăng ở Hà Nội vẫn còn khó khăn khiến người dân vừa đi đường vừa nơm nớp. Một số cây xăng vẫn đóng cửa, tạm dừng bán hàng.

Vừa đi vừa sợ hết xăng

Tối 8/11, anh Văn Chương (phường Phú Diễn, quận Bắc Từ Liêm) vừa đi xe vừa... run khi thấy kim báo xăng nhấp nháy liên tục.

Anh Chương kể: “Tôi chạy từ đường Nguyễn Trãi, lòng vòng tìm quanh không có cây xăng nào. Đến khi phóng xe về cây xăng đối diện sân vận động Mỹ Đình thì thấy treo biển hết xăng”.

“Lúc ấy tôi định vòng lên Cầu Giấy mà sợ cạn xăng nên liều phóng về nhà ở Phú Diễn. May mà có cây xăng còn bán, dù chỉ 2/6 trụ hoạt động. Tôi đứng đợi ngót tiếng, may mà bơm được đầy bình”, anh Chương thở phào.

Câu chuyện như của anh Chương giờ không còn hiếm gặp ở Hà Nội. 

Suốt hai ngày nay, anh Hữu Chí (ở Times City, Hoàng Mai) đều hồi hộp mỗi sáng đi làm khi ngang cây xăng 48 Thanh Nhàn vì bình xăng đã về vạch đỏ. Bởi nhiều ngày nay, cây xăng này cứ giờ cao điểm sáng là đóng cửa. "Đến chiều 8/11, xe máy của tôi về đến gần hầm xe thì chết máy. Sáng nay tôi phải đi làm bằng xe đạp và mang theo chai nhựa những mong chiều về mua được xăng", anh Chí than.

Thiếu xăng, người Hà Nội vừa đi đường vừa 'nín thở'
Một cây xăng nhượng quyền thương mại tạm đóng cửa. (Ảnh chụp ngày 8/11: Lương Bằng)

Ngày 8/11, PV. VietNamNet cũng có mặt ở một cây xăng trên phố Hào Nam. Rất nhiều người chạy xe đến nhìn về phía cây xăng với ánh mắt thất thần khi cây xăng này dừng bán. Tình cảnh này cũng diễn ra ở cây xăng Thanh Nhàn sáng 9/11.

Nguyên nhân vẫn như cũ: chủ yếu là do nhập giá cao bán giá thấp, cây xăng thua lỗ ngừng nhập hàng. Với các doanh nghiệp đầu mối xăng dầu cũng vậy, nhập về là lỗ nên nhiều đơn vị không nhập hàng. Bộ Công Thương cũng điểm mặt hàng loạt doanh nghiệp "thoái thác trách nhiệm".

Đại diện một chủ doanh nghiệp xăng dầu tư nhân chia sẻ: "Xăng dầu là ngành kinh doanh có điều kiện, trong đó có quy định phải bán liên tục. Vì vậy nếu lỗ cũng phải bán là bình thường, nhưng thường trong giai đoạn ngắn thì chúng tôi sẵn sàng, còn kéo dài cả năm như thế này thì quy định đó rất không phù hợp".

Doanh nghiệp lỗ là thực tế. Ngay cả các doanh nghiệp lớn như Petrolimex, PVOil thời gian qua cũng chịu lỗ nặng trong kinh doanh xăng dầu. 

Sớm điều chỉnh chi phí sát thực tế

Chia sẻ với PV, lãnh đạo một doanh nghiệp đầu mối cho biết: Chi phí thực tế giữa công thức tính giá cơ sở và thực tế của doanh nghiệp có sự chênh lệch, nên không nhiều doanh nghiệp nhập hàng về, dẫn đến thị trường bị thiếu hụt.

“Phụ phí trong nước điều chỉnh chậm quá”, ông nói. “Bình thường, phụ phí trong nước chỉ 2-3 USD/thùng, nhưng hiện giờ lên đến 8-10 USD/thùng, cá biệt có thời điểm lên đến 13 USD/thùng. Vừa rồi Nhà nước cũng đã điều chỉnh phụ phí lên 4-4,5 USD/thùng, nhưng như thế vẫn còn xa thực tế”.

“4 USD tương đương khoảng 100.000 đồng. 1 thùng xăng chứa được 157 lít, như vậy chi phí thực tế vẫn còn chênh 700-800 đồng/lít. Mức vênh như vậy khiến doanh nghiệp nhập về sẽ bị lỗ nên không nhập hàng”, vị này phân tích.

Vì thế, việc điều chỉnh chi phí kinh doanh sát thực tế của doanh nghiệp được cho là một trong những giải pháp quan trọng để khắc phục tình trạng thiếu hụt nguồn cung hiện nay.

Văn phòng Chính phủ ngày 8/11 cũng đã có văn bản thông báo ý kiến chỉ đạo của Phó Thủ tướng Lê Minh Khái về việc rà soát, điều chỉnh các loại chi phí định mức trong giá cơ sở xăng dầu. Trong văn bản gửi Bộ Công Thương cùng ngày, Bộ Tài chính cho biết sẽ tăng chi phí đưa xăng dầu từ nước ngoài về cảng Việt Nam đối với nguồn xăng dầu nhập khẩu để tính giá cơ sở xăng dầu, dự kiến áp dụng từ 11/11, như với xăng E5RON92 là 640 đồng/lít; xăng RON95 là 1.280 đồng/lít; dầu diesel 0,05S là 730 đồng/lít...

Với phương án trên, chi phí đưa xăng dầu từ nước ngoài về Việt Nam tăng thêm 290 đồng/lít với xăng nền pha chế xăng E5 và tăng 560 đồng/lít với RON95, tăng 160 đồng/lít với dầu diesel 0,05S.

Nếu các chi phí này được tính sát với thực tế của doanh nghiệp, khắc phục tình trạng doanh nghiệp càng bán càng lỗ như từ nhiều tháng nay, nguồn cung xăng sẽ bớt căng thẳng hơn. 

Theo Lương Bằng (VietNamNet)

Nổi bật