Thiếu nữ Hà Nội gặp nạn khi mua tinh trùng qua mạng

30/07/2018 06:37:33

Video: Cuộc ngã giá của người bán tinh trùng, "trực tiếp giá 10 triệu, gián tiếp giá 18 triệu"

Muốn có con nhưng không muốn kết hôn, chị Thùy Linh chọn phương án mua tinh trùng qua mạng. Một nam thanh niên đồng ý bán với điều kiện quan hệ tình dục trực tiếp. Tuy nhiên sau giao dịch này, chị Linh đã phải đến gặp bác sĩ...

Chị Thùy Linh (ở Hai Bà Trưng, Hà Nội) là một nạn nhân của việc mua bán tinh trùng qua mạng xã hội. Vì nhiều lý do, chị không muốn lấy chồng mà xác định xin tinh trùng làm mẹ đơn thân.

Qua một trang mạng, chị quen biết Nam, khoảng 20 tuổi. Nam thanh niên đang này rao bán tinh trùng với giá 8 triệu bằng đồng bằng cách quan hệ trực tiếp.

Theo thỏa thuận, ngoài khoản tiền mua “con giống”, chị Linh phải đưa thêm cho Nam một số tiền để ăn uống, bồi dưỡng sức khỏe.

Sau khi hai bên tiến hành xong xuôi nhưng người phụ nữ này đợi mãi cũng không có thai, chị còn phát hiện mình có các triệu chứng của bệnh phụ khoa như ngứa ngáy, tiểu buốt… Đến bệnh viện thăm khám, bác sĩ chẩn đoán chị bị viêm nhiễm phần phụ. Nhắc lại chuyện này, chị vẫn chưa hết rùng mình vì sự liều lĩnh, dại dột của mình.

Một trường hợp tương tự khác là chị Lê Hà (32 tuổi, Hải Phòng). Kết hôn nhiều năm nhưng hai vợ chồng chị Hà vẫn chưa có con. Chồng chị mắc chứng “tinh trùng yếu”. Sau nhiều phương pháp can thiệp, hai vợ chồng vẫn chưa có kết quả như mong muốn. Chồng chị chán nản bỏ cuộc, chị đành nhắm mắt chọn phương án mua tinh trùng trên mạng.

Việc này chị hoàn toàn giấu người bạn đời và hai bên gia đình. Vào trang mạng tìm các trang quảng cáo việc bán tinh trùng, chị Hà liên hệ với một nick ảo là Trần T. Người này quảng cáo có nhiều tiêu chí đáp ứng điều kiện mà chị cần như: chưa hiến tinh trùng lần nào, sức khỏe tốt, không bệnh tật và có trình độ học thức nhất định.

Anh ta nhấn mạnh: “Việc này tôi làm chủ yếu là giúp các cặp hiếm muộn. Tiền bao nhiêu tùy vào tâm của em”. Sau khi trò chuyện qua mạng, hai người trao đổi số điện thoại. Tuy nhiên từ ngày có số điện thoại, T. thường xuyên gọi điện quấy rối chị Hà. Ban đầu T. tâm sự chuyện gia đình, tình cảm.

Sau đó anh ta đề nghị chị Hà gửi hình ảnh với lý do: “Biết mặt sau gặp dễ nhận ra nhau”. Đỉnh điểm hơn, T. thường xuyên gọi điện cho chị Hà để nói chuyện “thầm thương trộm nhớ” chị rồi dùng những từ ngữ khiếm nhã để trò chuyện.

Thiếu nữ Hà Nội gặp nạn khi mua tinh trùng qua mạng
Một người bán tinh trùng (phải) ra giá cho một lần bán "con giống" là 10 đến 18 triệu đồng.

“Anh ta luôn đề nghị cho tinh trùng bằng phương pháp trực tiếp (quan hệ tình dục). Anh ta không đồng ý phương pháp gián tiếp, không can thiệp y tế.

Vì lý do này anh ta còn gọi điện ngỏ lời muốn cùng tôi vào nhà nghỉ trước để “thực hành” cho quen”, chị kể.

Cuối cùng trước sự quấy rối của người cho tinh trùng, chị Hà đành phải chặn tất cả các phương thức liên lạc.

Một trường hợp khác là vợ chồng anh Trương Minh (Hà Nam) cũng bị lừa khi tìm cách để có được đứa con. Anh Minh chia sẻ, vợ chồng anh đều vô sinh. Sau khi khám, anh nhận được kết quả tinh trùng yếu, vợ anh cơ địa khó mang thai. Vì vậy cả hai vợ chồng quyết định mua tinh trùng và tìm người mang thai hộ.

Theo lời chia sẻ của anh Minh, vợ chồng anh tìm được một phụ nữ môi giới trên mạng. Người này hứa hẹn sẽ giúp họ tìm được người bán tinh trùng và mang thai hộ nhanh chóng và kín đáo.

Cặp đôi vô cùng mừng rỡ trước thông tin này. Để tạo lòng tin, người môi giới yêu cầu anh Minh chuyển khoản trước một số tiền lớn để đặt cọc.

Sau khi nhận tiền, vợ chồng anh Minh nhiều lần thúc giục tuy nhiên “cò” liên tục tìm cách trì hoãn. Người này lấy lý do: “Tìm được người hiến nhưng người ta đã đổi ý”.

Sau thời gian dài không thấy khả quan, vợ chồng anh Minh yêu cầu cò phải hoàn trả lại tiền. Tuy nhiên ‘cò’ môi giới nhanh chóng chặn số liên lạc. Mọi thông tin anh Minh có được chỉ là tài khoản facebook và số điện thoại vì vậy số tiền trên họ đành chấp nhận mất trắng.

Thiếu nữ Hà Nội gặp nạn khi mua tinh trùng qua mạng - 1
TS Lưu Hồng Minh nhấn mạnh, có con bằng cách mua tinh trùng trên mạng thai nhi có thể gặp các vấn đề về di truyền hoặc dẫn tới tình trạng hôn nhân cận huyết sau này.

Liên quan đến tình trạng mua bán tinh trùng qua mạng, TS Lưu Hồng Minh, Trưởng khoa Khoa Xã hội học, Học viện Báo chí và Tuyên truyền, cho rằng: Hiện nay, độ tuổi trung bình kết hôn của các cặp vợ chồng trẻ tăng hơn so với trước đây.

Kéo theo đó, các cặp đôi sinh đẻ cũng ở lứa tuổi muộn hơn vì vậy khả năng thụ thai sẽ khó khăn hơn. Việc sinh con muộn cũng tiềm ẩn nhiều nguy cơ hơn so với các thế hệ trước.

Bên cạnh đó, ở các nước phát triển như Trung Quốc, Nhật Bản và một số nước Châu Âu, tỷ lệ phụ nữ làm mẹ đơn thân cũng tăng cao. Tại Việt Nam, nhiều phụ nữ cũng đã chọn con đường này khi không muốn bị phụ thuộc vào cuộc sống hôn nhân.

Đây là những yếu tố dẫn đến tình trạng mua bán tinh trùng tăng lên.

Tuy nhiên, TS Lưu Hồng Minh nhấn mạnh, việc mua bán tinh trùng từ những nguồn trôi nổi trên mạng tiềm ẩn nhiều nguy cơ. Theo đó, người bán tinh trùng trên mạng có thể cho rất nhiều người. Sau này, chính con cái của những người mua tinh trùng này vô tình kết hôn với nhau sẽ dẫn đến tình trạng cận huyết thống hoặc có chung dòng máu. Con cháu đẻ ra nó có thể bị dị tật do kết hôn cận huyết.

Tương tự, TS Hồ Sỹ Hùng (Phó Giám đốc Trung tâm Hỗ trợ sinh sản - Bệnh viện Phụ sản Trung ương) cũng khẳng định, mua tinh trùng bên ngoài một cách tràn lan như hiện nay tiềm ẩn rất nhiều nguy cơ và hậu quả khôn lường.

Theo luật sư Bùi Đình Ứng - Văn phòng luật sư Bùi Đình Ứng - Đoàn luật sư TP Hà Nội, hành vi mua bán tinh trùng là hành vi vi phạm pháp luật, tuyệt đối bị nghiêm cấm dưới mọi hình thức.

Căn cứ xử phạt là theo quy định tại điểm a, Khoản 2 Điều 33 Nghị định 176/2013/NĐ-CP Quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực y tế:

“Điều 33. Vi phạm quy định về sinh con theo phương pháp hỗ trợ sinh sản:

1. Phạt tiền từ 5.000.000 đồng đến 10.000.000 đồng đối với hành vi tiết lộ thông tin về tên, tuổi, địa chỉ và hình ảnh của người cho, nhận tinh trùng, phôi.

2. Phạt tiền từ 30.000.000 đồng đến 40.000.000 đồng đối với một trong các hành vi sau đây:

a) Thực hiện cho, nhận noãn; cho, nhận tinh trùng; cho, nhận phôi khi không được phép theo quy định của pháp luật;

b) Không bảo đảm điều kiện thực hiện kỹ thuật hỗ trợ sinh sản theo quy định của pháp luật”.

(*Tên các nhân vật trong bài đã được thay đổi)

Theo Nhóm phóng viên (VietNamNet)

Nổi bật