Để xảy ra tình trạng tiêu cực trong thi tuyển cán bộ - công chức, đưa con cháu vào bộ máy hay “chạy việc”, “gửi gắm” là điều đáng lo ngại.
“Không tin, vì thi chỉ là hình thức”
Thiếu niềm tin vào các kỳ thi tuyển công chức lâu nay đã trở thành tâm lý phổ biến trong xã hội, mặc dù các kỳ thi vẫn diễn ra công khai, theo đúng quy trình. Công khai nhưng chưa chắc đã minh bạch. Và những sinh viên giỏi sau khi ra trường vẫn rất ít hy vọng nếu họ không có quan hệ quen biết hay “con ông cháu cha”.
Một số ý kiến PV ghi nhận:
- “Tôi thấy tình trạng thi tuyển công chức lộn xộn diễn ra nhiều năm rồi. Như bản thân tôi, ra trường có khả năng thực sự nhiều khi nản không muốn thi vào vì thi cũng biết chắc không đỗ, nên mất thời gian và chi phí".
- “Thi công chức theo tôi hiểu hơi thiển cận, đó là sự sắp đặt từ trước, kể cả những người có bằng cấp giỏi, nộp hồ sơ vào cơ quan A nhưng chắc không được gọi thi".
- “Bây giờ mỗi khi nghe tin ở đâu thi tuyển công chức, viên chức thì tôi không còn tin vào việc thi tuyển đó. Các cơ quan tổ chức thi tuyển công chức, viên chức, thực ra, đó chỉ là hình thức. Còn kết quả thì đã được ngắm sẵn rồi”.
Nhiều người không tin tưởng vào những kỳ thi công chức (Ảnh minh họa)
Để xảy ra tình trạng tiêu cực trong thi cử, đưa con cháu vào bộ máy hay “chạy việc” là điều đáng lo ngại.
Ông Lê Văn Cuông, nguyên Phó đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Thanh Hóa cho rằng, tình trạng trên sẽ khiến cho bộ máy không trong sạch, giảm đi tính hiệu quả và những người đã “chạy” khi vào bộ máy rồi rất dễ tạo nhũng nhiễu, tiêu cực, tiếp tục chạy chức, chạy quyền. Hơn thế, hiện tượng “con cháu”, hiện tượng “chạy việc”... có thể gây ra tình trạng bất bình đẳng, gây âu lo, thiệt thòi cho con em nhiều gia đình không có mối quan hệ hay dư dả tiền bạc.
GS. Tạ Ngọc Tấn, Giám đốc Học viện Chính trị - Quốc gia Hồ Chí Minh thì cho rằng: “Nếu tình trạng này cứ tiếp tục diễn ra thì hiện tượng chảy máu chất xám là tất yếu. Người giỏi sẽ chạy sang khu vực tư nhân vì ở đó cần người tài thực sự. Chúng ta nhớ một câu phát biểu gần đây được xã hội rất quan tâm của Bộ trưởng Bộ giáo dục và đào tạo là: chỉ có cơ quan nhà nước mới có sự lựa chọn nhầm về bằng cấp; còn cơ quan tư nhân không có chuyện đó. Theo tôi, đó chính là lỗi của cơ chế vận hành, ở sự không minh bạch, rõ ràng, còn có kẽ hở, để lọt lưới những chuyện lợi dụng cá nhân các mối quan hệ, đưa những người người không đủ tiêu chuẩn vào bộ máy nhà nước”.
Không ai phủ nhận về sự cần thiết của các kỳ thi tuyển công chức, viên chức nhưng làm thế nào để các kỳ thi đó thật sự công bằng, minh bạch và tạo cơ hội cho người thực tài, đó mới là vấn đề đáng quan tâm.
Nhiều giải pháp đã được đưa ra nhưng theo bà Bùi Thị An, đại biểu Quốc hội Hà Nội thì phải bắt đầu ngay từ người tuyển dụng - từ ông thủ trưởng đơn vị ấy. Người ta có cần lấy người tốt, người làm được việc không?
“Khi tôi làm quản lý, cũng có người gửi gắm. Con em các đồng chí cán bộ có thể có ưu tiên hoặc quan tâm, nhưng phải theo đúng quy định. Chỉ ưu tiên khi họ sàn sàn nhau. Đây là tuyển dụng công chức chứ không phải tuyển con em cán bộ để phục vụ bộ máy. Muốn vậy thì phải tuyển dụng hoặc bổ nhiệm, đề bạt người đứng đầu vì họ có chuẩn thì họ mới tuyển đúng. Thậm chí có hội đồng, có tiêu chuẩn mà họ không thực sự công tâm thì sẽ không đạt được người tài đâu” – bà Bùi Thị An nói.
Khó phát hiện tiêu cực trong thi tuyển công chức
Ông Đinh Xuân Thảo, Viện trưởng Viện Nghiên cứu lập pháp của Quốc hội cho rằng: Thi tuyển công chức, viên chức là tuân theo quy định của Luật cán bộ công chức và Luật viên chức. Nên nếu ở nơi nào đó không tuân thủ, không thực hiện đúng quy định đó là vi phạm pháp luật.
Ông Đinh Xuân Thảo nhớ lại câu chuyện khi giữ cương vị Vụ trưởng Vụ Tổ chức cán bộ của Bộ Thủy sản (cũ), là người trực tiếp quản lý đề thi đến phút chót kết quả thi cho thấy, những người trình độ rất bình thường nhưng lại đỗ với số điểm cao. Qua tìm hiểu, ông Thảo mới vỡ lẽ, những người ra đề đã tổ chức ôn luyện và trong quá trình ôn, cũng có “chuyện” giữa thầy và trò.
Theo ông Đinh Xuân Thảo: “Việc phát hiện tiêu cực trong thi cử là điều rất cần thiết nhưng cũng không phải dễ dàng. Có khi về mặt hình thức các khâu, các bước người ta làm đầy đủ, tuân thủ hết. Nhưng có thể có một sơ hở trong một khâu nào đó thì đúng là khó phát hiện. Sai sót trong lĩnh vực này cũng có nguyên nhân là gắn với hành vi tham nhũng. Ví dụ như tìm mọi cách để chạy điểm, đạt điểm cao thì tìm cách biết được đề, hoặc khi thi được bố trí ngồi cạnh 1 người giỏi, rồi qua được mặt giám thị, giám thị lơ đi cho họ để họ chép bài chẳng hạn. Đúng là để phát hiện được việc này là không đơn giản”.
Làm sao để thi tuyển công khai, minh bạch?
Đem câu chuyện thi tuyển cán bộ, công chức hỏi Thứ trưởng Bộ Nội vụ Trần Anh Tuấn, ông Tuấn cũng thẳng thắn thừa nhận, trong quá trình thực hiện cũng có chỗ này chỗ khác cần phải rút kinh nghiệm. Vừa qua, Bộ Nội vụ đã có Tờ trình Thủ tướng Chính phủ đề xuất các Bộ, ngành Trung ương và 5 thành phố trực thuộc Trung ương khi tổ chức tuyển dụng công chức phải thực hiện việc tổ chức thi trên máy tính. Bộ Chính trị cũng đã thông qua Đề án đổi mới cách tuyển chọn lãnh đạo, quản lý cấp vụ, cấp sở và cấp phòng do Bộ Nội vụ xây dựng với nhiều điểm mới.
Thứ trưởng Bộ Nội vụ Trần Anh Tuấn cho biết: “Các giải pháp cụ thể phải có sự hướng dẫn đầy đủ, chu đáo của các cơ quan có thẩm quyền. Trong quá trình thực hiện tuyển dụng cần có các giải pháp để đảm bảo tính công khai minh bạch, có sự giám sát của cơ quan cấp trên trong quá trình triển khai các công đoạn của khâu tuyển dụng. Khi có dư luận phản ánh về thiếu sót, sai phạm phải tiến hành ngay các hoạt động thanh tra kiểm tra để kịp thời xử lý các sai phạm, đảm bảo công tác tuyển dụng đi vào đúng quy định, bảo đảm được sự hài lòng của người dân. Đặc biệt là sự đồng tình của người tham gia dự tuyển, vì họ thấy rằng là đỗ hay trượt mọi người đều cảm thấy thoải mái vì các cơ quan đó đã làm việc một cách công tâm, khách quan”.
Thi tuyển công chức, tuyển chọn lãnh đạo là việc làm hoàn toàn đúng và nhận được sự đồng tình ủng hộ cao của dư luận xã hội. Nhưng làm thế nào để các cuộc thi được tiến hành một cách công khai, minh bạch, dân chủ, để thực sự lựa chọn được những người có tài, có năng lực thật sự phù hợp với vị trí công việc?
Chừng nào chưa khắc phục được các cuộc thi “hình thức” thì chừng ấy, niềm tin của xã hội còn bỏ ngỏ.
Theo Lê Thơm - Nguyễn Hiền (VOV.vn)