Thi THPT quốc gia 2019: Bộ GD&ĐT sẽ điều chỉnh đề thi

04/08/2018 19:42:00

Qua xác minh của Công an cho thấy, sự việc ở Hòa Bình có dấu hiệu sửa đổi trên phiếu trả lời trắc nghiệm của thí sinh. Đây là sai phạm rất nghiêm trọng, tinh vi. Trong năm tới, Bộ GD&ĐT sẽ điều chỉnh đề thi phù hợp kỳ thi THPT quốc gia, hoàn thiện phần mềm chấm thi trắc nghiệm để ngăn ngừa sai phạm.

Kỳ thi THPT quốc gia đã đi đến năm thứ 4 nhưng đến thời điểm này có tới 3 địa phương vi phạm nghiêm trọng quy chế. Thưa ông, kỳ thi đã có những lỗ hổng nào?

Lịch sử kỳ thi THPT quốc gia đi đến năm thứ 4. Mỗi năm, chúng tôi đều có tổng kết, đánh giá nêu điểm được và chưa được  của kỳ thi để hoàn thiện dần. Ví dụ  năm 2017, kỳ thi đã hoàn thiện hơn một bước về việc mỗi thí sinh trong phòng thi có một mã đề riêng. Đó là giải pháp kỹ thuật  hướng đến người dân, thí sinh nhằm công bằng, khách quan hơn.

Tuy nhiên, qua những sai phạm của kỳ thi năm nay, chúng tôi nhận thấy lỗ hổng của kỳ thi năm nay là: Đề thi chưa phù hợp với kỳ thi THPT quốc gia; Phần mềm đạt ở mức cơ bản nhưng phải tăng thêm tính bảo mật; phần giám sát, thanh tra phải thực chất, sát sao hơn.

Thi THPT quốc gia 2019: Bộ GD&ĐT sẽ điều chỉnh đề thi
Ông Mai Văn Trinh

Địa phương có trách nhiệm lớn

Thưa ông, quy trình tổ chức thi là một chuỗi các công đoạn được cho là chặt chẽ, tại sao các địa phương vẫn bỏ qua được để sai phạm?

Thứ nhất, những người sai phạm họ đã có ý đồ từ trước. Ở mức độ nào, đó có ý đồ vô hiệu hóa quy trình. Ví dụ, theo quy định, phòng chấm thi phải được khóa bằng hai chìa và muốn vào phòng đó phải có 3 thành phần. Tuy nhiên, khi con người đã có ý đồ, họ vô hiệu hóa quy trình đó. Ở đây là vấn đề con người và địa phương không làm hết trách nhiệm.

Với những sai phạm năm nay, dư luận xã hội đang rất quan tâm, liệu có xử lý triệt để được không? Có ý kiến cho rằng nên dừng kỳ thi THPT quốc gia để có giải pháp khác, ông có suy nghĩ gì?

Trước hết, quan điểm của Bộ GD&ĐT và Bộ Công an là sẽ xử lý đúng người đúng tội. Nếu vi phạm đến mức truy tố sẽ truy tố. Thông qua xác minh của Công an, sẽ soi chiếu sang quy chế để xử lý đến cùng, không có vùng cấm.

Nhìn lại kỳ thi THPT quốc gia những năm qua đã lấy học sinh làm chủ thể, người lớn cố gắng vất vả mang lại thuận lợi cho học sinh. Ngoài các địa phương sai phạm xấu xí thì  cơ bản, kỳ thi cũng đã tạo độ tin cậy cho các trường ĐH yên tâm lấy kết quả tuyển sinh.

Hơn nữa, thời điểm này vẫn trong lộ trình đổi mới. Quá trình đổi mới hoàn thiện kỳ thi xét tốt nghiệp và xét tuyển ĐH là quá trình, chúng ta đang đi đến đích. Hiện nay, trong giai đoạn chuyển tiếp này, phương thức này là phù hợp. Và trong tương lai chắc chắn việc này sẽ tổ chức theo Luật giáo dục và tăng cường phân cấp cho địa phương. 

Thời điểm này, nhằm đảm bảo sự ổn định, không gây gốc…khi 63 tỉnh thành điều kiện khác nhau, các trường ĐH cũng chênh nhau đẳng cấp, năng lực nên không thể cái rụp làm ngay điều đó. Thời điểm này, chúng tôi cho rằng kỳ thi THPT quốc gia là phù hợp và chúng ta sẽ có các giải pháp để khắc phục trong năm sau.

Cụ thể, sẽ là những giải pháp nào, thưa ông?

Đưa ra giải pháp trước hết phải xác định rõ vai trò trách nhiệm các bên liên quan đến kỳ thi. Chúng tôi khẳng định, trách nhiệm địa phương rất lớn trong việc thực hiện kỳ thi. Phía Bộ GD&ĐT có trách nhiệm nhưng phải xác định, đây là công việc địa phương phải có trách nhiệm nghiêm túc thực hiện.

Từ những sai phạm của các địa phương trong kỳ thi năm nay, năm tới, chúng tôi sẽ điều chỉnh đề thi. Cụ thể, hoàn thiện hệ thống ngân hàng câu hỏi, xây dựng được  đề thi phù hợp kỳ thi THPT quốc gia. Hoàn thiện hệ thống phần mềm chấm thi trắc nghiệm để nhăm ngừa, phát hiện nguy cơ lợi dụng sai phạm. Ngoài ra, Bộ GD&ĐT sẽ tăng cường thanh tra, giám sát.

Sai phạm ở Hòa Bình nghiêm trọng, tinh vi

Thưa ông, khi sự việc xảy ra, ông là người có mặt và xử lý trực tiếp tại các điểm nóng Hà Giang, Sơn La. Ông có thể chia sẻ suy ngẫm của mình?

Về phía mình, tôi rất bất bình, tuyệt đối không dung túng cho sa phạm vừa qua. Sai phạm  ở các địa phương, cho thấy những người can thiệp họ có ý đồ, có tổ chức và đã vô hiệu hóa quy trình vốn rất nghiêm ngặt để thay đổi kết quả thi, làm mất tính công bằng của kỳ thi. Khi nghĩ đến gần 1 triệu thí sinh đã nỗ lực cao nhất, đặc biệt các em đến phòng thi với tâm hồn trong sáng thúc giục chúng tôi phải làm tới cùng. Điều này cũng là thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng, Bộ trưởng Bộ GD&ĐT, Bộ trưởng Bộ công an đều chung ý chí chỉ đạo làm tới cùng để đảm bảo công bằng cho thí sinh.

Sau sai phạm nghiêm trọng ở Hà Giang, Sơn La, mới đây Công an lại phát hiện sai phạm nghiêm trọng về can thiệp bài thi ở Hòa Bình. Dư luận thắc mắc, tại sao trước đó có Tổ chấm thẩm định của Bộ GD&ĐT lại không phát hiện ra sự việc?

Điều này không có gì mâu thuẫn. Trước đó, Bộ GD&ĐT đã cử tổ chấm thẩm định đến Hòa Bình và hai địa phương khác để rút bài thi chấm thẩm định lại. Chức năng của hội đồng chấm thẩm định chỉ chấm lại bài thi đó, kết quả thế nào nó thể hiện ra như thế. Còn ở đây, Công an qua xác minh, phát hiện có dấu hiệu sửa đổi trên phiếu trả lời trắc nghiệm của thí sinh. Tuy nhiên, tổ chấm thẩm định của Bộ GD&ĐT trong quá trình làm việc đã nghi ngờ có dấu hiệu làm sai nên Bộ GD&ĐT mới có công văn đề nghị Công an vào cuộc.

Hiện nay tôi chưa đủ thông tin, nhưng sai phạm của hòa Bình rất nghiêm trọng, tinh vi. Với tinh thần sẽ làm đến cùng, phía công an sẽ sớm có kết quả để chúng tôi công bố cho dư luận.

Theo Nguyễn Hà (Tiền Phong)

Nổi bật