Theo lộ trình đổi mới kỳ thi THPT quốc gia và tuyển sinh ĐH vừa được Bộ GD- ĐT công bố, trong các năm từ 2018-2020, việc tổ chức các bài thi, môn thi được giữ ổn định như năm 2017.
Học sinh tham dự chương trình tư vấn tuyển sinh- hướng nghiệp do Báo Tuổi trẻ tổ chức năm 2017- Ảnh: NAM TRẦN |
Từ năm 2021 có thể thực hiện bài thi trên máy tính
Trong công văn gửi các sở giáo dục và đào tạo; các đại học, học viện, các trường đại học; các trường cao đẳng đào tạo giáo viên; Cục Nhà trường (Bộ Quốc phòng) và Cục Đào tạo (Bộ Công an) về việc tổ chức kỳ thi THPT quốc gia và tuyển sinh ĐH, CĐ hệ chính quy từ năm 2018, Bộ GD-ĐT khẳng định việc đổi mới thi cử từ năm 2015 đã được thực hiện theo hướng giảm áp lực và tốn kém cho xã hội, đảm bảo độ tin cậy, trung thực, khách quan, đánh giá đúng năng lực học sinh, làm cơ sở cho việc tuyển sinh giáo dục đại học và giáo dục nghề nghiệp.
Sau 3 năm thực hiện đổi mới, đến nay phương thức tổ chức kỳ thi THPT quốc gia và tuyển sinh ĐH, CĐ đã đạt được những mục tiêu cơ bản, được xã hội đồng tình đánh giá cao. Do vậy, phương thức tổ chức kỳ thi THPT quốc gia trong các năm tới sẽ được giữ ổn định như năm 2017.
Trên cơ sở này, Bộ GD-ĐT xác định chủ trương đỏi mới kỳ thi sẽ thực hiện theo hướng tục xây dựng ngân hàng câu hỏi thi chuẩn hóa, nâng cao độ phân hóa của đề thi theo chương trình giáo dục phổ thông hiện hành và từng bước định hướng nội dung theo lộ trình triển khai chương trình giáo dục phổ thông mới.
Riêng về các bài thi, môn thi, trong các năm 2018, 2019 và 2020 việc tổ chức các bài thi, môn thi được giữ ổn định như năm 2017. Tuy nhiên, từ năm 2021 trở đi, các bài thi, môn thi được thiết kế phù hợp với lộ trình triển khai chương trình giáo dục phổ thông mới; nếu điều kiện cho phép có thể tổ chức cho thí sinh làm bài thi trên máy tính.
Rà soát lại chế độ ưu tiên
Bộ GD-ĐT cũng xác định sẽ tiếp tục rà soát, qui hoạch lại hệ thống các trường sư phạm. Với việc xác định chỉ tiêu tuyển sinh nhóm ngành/ngành đào tạo giáo viên cũng được đổi mới theo hướng dựa trên nhu cầu sử dụng giáo viên của các địa phương và điều kiện đảm bảo chất lượng của từng trường.
Bộ GD-ĐT cũng sẽ triển khai các giải pháp đồng bộ khác để nâng cao chất lượng đào tạo, khắc phục tình trạng thừa, thiếu giáo viên cục bộ ở các cấp bậc học.
Đặc biệt, Bộ GD-ĐT cũng công bố sẽ rà soát lại các nhóm đối tượng ưu tiên, khu vực ưu tiên để điều chỉnh mức điểm ưu tiên trong tuyển sinh cho phù hợp với điều kiện thực tế và thực hiện tốt hơn công bằng xã hội.
Bộ GD-ĐT yêu cầu các sở GD-ĐT, Cục Nhà trường (Bộ Quốc phòng) và Cục Đào tạo (Bộ Công an) thông báo nội dung công văn này đến các cơ sở giáo dục thuộc phạm vi quản lý để tổ chức dạy học, chuẩn bị thi THPT quốc gia đạt kết quả tốt.
Riêng các đại học, học viện, trường đại học, các trường cao đẳng đào tạo giáo viên cũng chủ động chuẩn bị phương án tuyển sinh phù hợp với lộ trình thực hiện kỳ thi THPT quốc gia đã được bộ công bố.
Trước đó, trong quá trình xây dựng phương án thi THPT quốc gia năm 2018, Bộ GD-ĐT đã tham khảo ý các trường ĐH, các học viện về cách tổ chức bài thi tổ hợp. Trong đó, Bộ GD-ĐT đưa ra hai phương án: Phương án 1 giữ nguyên bài thi tổ hợp với 3 đầu điểm cho từng môn thi thành phần giống như năm 2017; phương án 2 là mỗi bài thi tổ hợp gồm nội dung của 3 môn thành phần, nhưng được bố trí thành một bài thi hoàn chỉnh, chấm điểm chung với 1 đầu điểm thống nhất của toàn bài thi, không tách thành 3 đầu điểm theo từng môn thi thành phần như năm 2017. Tuy nhiên, phương án 2 đồng nghĩa với việc chấm dứt tuyển sinh theo các khối thi truyền thống (khối A, A1, B, C cũ) không được đa số các trường đại học đồng tình. Phần lớn các trường đều đề nghị giữ nguyên phương án thi như năm 2017. |
Theo Ngọc Hà (Tuổi Trẻ)