Hôm nay 10/3, Nghị định số 04/2021/NĐ-CP về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giáo dục chính thức có hiệu lực.
Theo Nghị định này, hình thức xử phạt chính gồm có cảnh cáo và phạt tiền. Hình thức xử phạt bổ sung gồm tịch thu tang vật, phương tiện vi phạm hành chính, trục xuất và đình chỉ hoạt động có thời hạn.
Lưu ý, trường hợp cán bộ, công chức, viên chức thực hiện hành vi vi phạm hành chính trong lĩnh vực giáo dục khi đang thi hành công vụ, nhiệm vụ và hành vi vi phạm đó thuộc công vụ, nhiệm vụ được giao theo văn bản quy phạm pháp luật hoặc văn bản hành chính do cơ quan, người có thẩm quyền ban hành, thì không bị xử phạt theo quy định của Nghị định này mà bị xử lý theo quy định của pháp luật về cán bộ, công chức, viên chức.
Cơ quan nhà nước thực hiện hành vi vi phạm thuộc nhiệm vụ quản lý nhà nước được giao trong lĩnh vực giáo dục, thì không bị xử phạt theo quy định của nghị định này mà bị xử lý theo quy định của pháp luật có liên quan.
Mức phạt tiền tối đa đối với cá nhân là 50 triệu đồng, đối với tổ chức là 100 triệu đồng.
Thông tin sai sự thật về kỳ thi bị phạt đến 12 triệu đồng
Theo đó, điểm e khoản 3 Điều 14 nghị định này nêu rõ, nếu thi thay hoặc thi kèm người khác hoặc nhờ người khác làm bài hộ hoặc thi thay, thi kèm thì sẽ bị phạt tiền từ 14 đến 16 triệu đồng.
Người làm bài hộ thí sinh hoặc trợ giúp thí sinh làm bài thì bị phạt tiền từ 2 đến 6 triệu đồng.
Các vi phạm về thi khác nêu tại Điều 14 nghị định này như sau:
Phạt tiền từ 1 đến 2 triệu đồng đối với hành vi vào khu vực tổ chức thi, chấm thi khi không được phép; mang tài liệu, thông tin, vật dụng không được phép vào phòng thi, khu vực chấm thi.
Phạt tiền từ 6 đến 8 triệu đồng đối với hành vi viết thêm hoặc sửa chữa nội dung bài thi hoặc sửa điểm bài thi trái quy định nhưng chưa đến mức truy cứu trách nhiệm hình sự.
Phạt tiền từ 8 đến 12 triệu đồng đối với hành vi đánh tráo bài thi nhưng chưa đến mức truy cứu trách nhiệm hình sự. Mức phạt này cũng áp dụng cho hành vi thông tin sai sự thật về kỳ thi.
Phạt tiền từ 12 đến 14 triệu đồng đối với hành vi tổ chức chấm thi sai quy định nhưng chưa đến mức truy cứu trách nhiệm hình sự.
Phạt tiền từ 14 đến 16 triệu đồng đối với hành vi thi thay hoặc thi kèm người khác hoặc nhờ người khác làm bài hộ hoặc thi thay, thi kèm.
Phạt tiền từ 13 đến 15 triệu đồng đối với hành vi làm mất bài thi của thí sinh.
Cho người khác mượn chứng chỉ sẽ bị phạt nặng
Ngoài ra, nghị định này cũng nêu rõ mức phạt đối với các hành vi vi phạm quy định về quản lý, cấp và sử dụng văn bằng, chứng chỉ.
Cụ thể, phạt tiền từ 5 đến 10 triệu đồng với một trong các hành vi: Sử dụng văn bằng, chứng chỉ của người khác; Cho người khác sử dụng văn bằng, chứng chỉ của mình; Sử dụng văn bằng, chứng chỉ bị tẩy xóa, sửa chữa làm sai lệch nội dung.
Hành vi gian lận để được cấp văn bằng, chứng chỉ hoặc bản sao văn bằng, chứng chỉ bị phạt từ 30 đến 40 triệu đồng.
Bên cạnh đó, nghị định còn tăng mức phạt đối với việc dùng giáo viên không đạt chuẩn, không đủ điều kiện, tiêu chuẩn.
Theo Điều 24 Nghị định này, khi sử dụng nhà giáo không đủ điều kiện, tiêu chuẩn thì tổ chức vi phạm sẽ bị phạt tiền theo các mức:
Từ 5 đến 10 triệu đồng nếu vi phạm ở cơ sở giáo dục mầm non, phổ thông, giáo dục thường xuyên.
Từ 10 đến 20 triệu đồng: Vi phạm ở trường trung cấp, trường cao đẳng có đào tạo nhóm ngành giáo viên;
Từ 30 đến 40 triệu đồng nếu vi phạm ở cơ sở giáo dục đại học, viện hàn lâm, viện được phép đào tạo trình độ tiến sĩ.
Từ 40 đến 50 triệu đồng nếu dùng nhà giáo không đúng quy định về trình độ chuyên môn hoặc trình độ ngoại ngữ trong giảng dạy chương trình giáo dục, đào tạo liên kết với nước ngoài hoặc tại cơ sở giáo dục có vốn đầu tư nước ngoài; trong thực hiện liên kết tổ chức thi cấp chứng chỉ ngoại ngữ của nước ngoài.
Theo Hoàng Mai (Nguoiduatin.vn)