Lý giải nguyên nhân điểm chuẩn theo phương thức xét kết quả thi tốt nghiệp THPT năm 2024 của nhiều trường đại học tăng cao, Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Hoàng Minh Sơn cho hay, các thông tin về ngành, trường ngày càng minh bạch, rõ ràng. Do đó, các trường có chất lượng đào tạo tốt, nhu cầu nhân lực cao sẽ được nhiều thí sinh quan tâm. Một số ngành chỉ tiêu không nhiều nhưng cả nhiều thí sinh tập trung đăng ký cũng có thể đẩy điểm chuẩn lên cao.
Ngoài ra, điều này còn phụ thuộc vào việc đảm bảo công bằng giữa các phương thức tuyển sinh. Nếu các phương thức tuyển sinh đảm bảo công bằng, đề thi phân hóa rõ, việc điểm chuẩn cao không có gì bất thường. Nhưng nếu không đảm bảo công bằng, thí sinh vào đại học bằng phương thức nào đó dễ dàng hơn, về điều này Bộ GD&ĐT cần phải có sự phân tích kỹ.
Về điểm chuẩn khối C vào nhiều trường đại học năm nay cao, thí sinh đạt trên 9,5 điểm mỗi môn nhưng không trúng tuyển vào nhiều ngành, Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Hoàng Minh Sơn cho biết, Bộ GD&ĐT đã có đánh giá từ đầu khi so sánh phổ điểm của năm 2024 và 2023 và thấy có sự nhích lên nên điểm chuẩn tăng là điều đã được dự báo trước. Với các trường uy tín, chất lượng, sự cạnh tranh càng thấy rõ. Đặc biệt, điểm chuẩn vào khối các trường Sư phạm năm nay tăng cao là tín hiệu đáng mừng, cho thấy nhu cầu xã hội đối với đội ngũ nhà giáo, giáo viên phổ thông rất rõ, nhất là ở một số môn như Ngữ văn, Lịch sử, Địa lý.
Trước đó, ngay sau khi Trường ĐH Sư phạm Hà Nội công bố điểm chuẩn trúng tuyển theo phương thức xét tuyển điểm thi tốt nghiệp THPT năm 2024 với điểm chuẩn 29,30 đối với ngành Sư phạm Ngữ văn và Sư phạm Lịch sử, mức điểm chuẩn cao nhất của năm 2024, nhiều phụ huynh cho rằng, điều này là khá bất thường.
"Dù biết điểm chuẩn năm nay sẽ cao song gia đình chúng tôi vẫn cảm thấy sốc. Điểm chuẩn cao ở mức này thì đúng là "lạm phát" quá và thiệt thòi cho các thí sinh xét tuyển bằng điểm thi tốt nghiệp THPT. Nên chăng, các trường ĐH cần điều chỉnh lại tỷ lệ giữa các phương thức xét tuyển, đặc biệt là xét tuyển sớm để đảm bảo bảo công bằng cho thí sinh tham gia các phương thức xét tuyển khác nhau. Có như vậy thì việc xét tuyển bằng điểm thi tốt nghiệp THPT mới thật sự có ý nghĩa"- một phụ huynh chia sẻ.
Nhiều ý kiến cho rằng, do hiện nay có quá nhiều các phương thức xét tuyển cùng với các chỉ tiêu đi kèm mà các trường đại học tự đặt ra dẫn đến mất công bằng cho thí sinh không thể tham gia hết các phương án xét tuyển được. Chừng nào việc tuyển sinh không thể quy chiếu về một chuẩn chung để đánh giá một cách công bằng thì bất cập xảy ra sẽ là điều hiển nhiên. Do vậy, trong quy chế tuyển sinh đại học sắp tới, Bộ GD&ĐT cần có sự điều chỉnh để các trường tạo sự công bằng cho thí sinh khi tham gia vào các phương thức xét tuyển khác nhau.
Theo Phương - Huyền (CAND Online)