Thi giấy phép lái xe máy: Chấm điểm bằng "mắt thần"

18/01/2016 11:30:29

Từ 1/7/2016, người dự thi lấy giấy phép lái xe máy trong cả nước sẽ được chấm điểm tự động bằng “mắt thần” trên hình đối với phần thi thực hành.

Từ 1/7/2016, người dự thi lấy giấy phép lái xe máy trong cả nước sẽ được chấm điểm tự động bằng “mắt thần” trên hình đối với phần thi thực hành.

Tỷ lệ đậu chỉ 50%

Theo ông Dũng, qua kiểm tra sơ bộ tỷ lệ thi đậu chỉ đạt khoảng 50% so với hiện nay thi thủ công có tỷ lệ đậu 80-85%. “Tôi rất băn khoăn và trăn trở vì tỷ lệ thi đạt sẽ thấp. Nhưng đây cũng là bước tiến bộ và nâng cao chất lượng đào tạo sát hạch giấy phép lái xe nên cần ủng hộ” - ông Dũng nhìn nhận.

Theo đó, bài thi thực hành hạng A1 và A2 vẫn như cũ trên hình vòng số 8, đường thẳng... Tuy nhiên bên dưới hình - trong nền đất đều được gắn các thiết bị cảm biến điện tử kết nối với phần điện tử lắp trên xe. Vì vậy, nhìn bằng mắt thường sẽ thấy như một cuộc thi bình thường.
 

Từ ngày 1/7, thi sát hạch lấy giấy phép lái xe máy, phần thực hành sẽ được kiểm tra bằng “mắt thần” thay vì do giám khảo chấm thủ công như hiện nay. Trong ảnh: Thi thực hành tại Trường dạy lái xe Tiến Bộ, quận Tân Phú, TP HCM.

Nhưng người dự thi nếu cán bánh xe lên mức vạch sơn trên hình ngay lập tức thiết bị điện tử sẽ phát loa (loa gắn ngay trên xe máy) thông báo lỗi người chạy xe vi phạm. Đồng thời loa trên sân thi cũng thông báo cho mọi người biết lỗi xe vi phạm. Điều này cho thấy cuộc thi hoàn toàn không có sự can thiệp của con người.

Sau khi cuộc thi kết thúc, thiết bị chấm điểm sẽ tự động thông báo bằng loa trên sân thi công bố rõ ràng kết quả đậu hoặc rớt cho thí sinh. Theo đó, thí sinh đậu khi đạt từ 80 điểm trở lên và rớt khi chỉ đạt từ 79 điểm trở xuống.

Ông Dũng cho biết nếu kết thúc đợt thi mà vẫn còn thời gian làm việc thì hội đồng thi sẽ tổ chức thi lại ngay cho người thi rớt. Còn nếu hết thời gian, thí sinh phải đăng ký chờ đợt thi tới.

Theo các chuyên gia sát hạch thi, ghi nhận thực tế tại các cuộc thi thủ công hiện nay nhiều thí sinh thi rớt ngay ở mô hình số 8 vì họ không tập dượt làm quen trước khi bước vào thi chính thức. Do đó khi thi được chấm điểm tự động, thí sinh cần ôn dượt xe thi (do trung tâm sát hạch trang bị) nhiều lần trên hình thi để làm quen với chiếc xe dự thi và hình thi.

Trung tâm sát hạch sẽ cho thuê xe với giá 30.000 đồng/giờ và có thể 2-3 thí sinh cùng hùn tiền thuê giờ chiếc xe đó để dượt.

Có quá tải?

Theo quy định mới của Bộ Giao thông vận tải (GTVT), các đô thị từ loại 3 trở lên tổ chức thi hạng giấy phép lái xe A1 và A2 tại trung tâm sát hạch có chấm điểm tự động. Đến nay đã có ba địa phương đang đầu tư trung tâm sát hạch chấm điểm tự động gồm Hà Nội, TP HCM và Khánh Hòa.

Bộ GTVT quy định vẫn giữ mức phí thi giấy phép lái môtô như cũ, không được tăng giá. Như vậy, các đơn vị phải tự bỏ vốn đầu tư thiết bị tự động nhằm nâng cao chất lượng sát hạch thi giấy phép lái xe.
 

Người dân thi phần lý thuyết trên máy tính tại Trung tâm sát hạch lái môtô thuộc Trường dạy lái xe Tiến Bộ, quận Tân Phú, TP HCM.

Ông Trần Thế Kỷ - Phó giám đốc Sở GTVT TP HCM cho biết sở đã có thông báo đến 20 trung tâm sát hạch lái xe máy yêu cầu thực hiện đúng lộ trình đến ngày 1/7, nơi nào đầu tư lắp đặt trung tâm sát hạch tự động mới cho phép tổ chức thi cấp giấy phép lái xe máy. Còn không đủ điều kiện phải chấm dứt hoạt động.

Tuy nhiên, đến nay duy nhất có Trường dạy lái xe Tiến Bộ đã đầu tư trung tâm sát hạch chấm điểm tự động theo đúng quy định của Bộ GTVT.

Theo ông Kỷ, khó khăn là hiện nay chỉ có một nhà sản xuất thiết bị chấm điểm tự động. Do độc quyền nên đơn vị này đã đẩy giá lên đến 2 tỷ đồng/thiết bị. Lãnh đạo một trung tâm sát hạch môtô cho biết vốn đầu tư thiết bị lớn, trong khi mức thu phí thi giấy phép lái xe không tăng nên đơn vị đang chần chừ quyết định có nên đầu tư hay không.

Nhằm tạo thuận lợi cho nhiều đơn vị đầu tư xây dựng trung tâm sát hạch chấm điểm tự động, Sở GTVT đang đề nghị Bộ GTVT giới thiệu thêm các nhà sản xuất để các đơn vị có thể lựa chọn với giá hợp lý, nhằm tránh tình trạng độc quyền “hét” giá cao như hiện nay.

Thực tế năm 2015 tại TP HCM đã có hơn 315.000 người dự thi giấy phép lái xe máy, tăng 52% so với năm 2014, liệu đến ngày 1/7 chỉ có vài trung tâm sát hạch đủ điều kiện hoạt động có đáp ứng được số lượng quá đông người dự thi?

Ông Trần Thế Kỷ nhìn nhận số lượng người dự thi ở TP HCM tăng cao do nhiều người từ các tỉnh và TP khác đến làm việc và học tập. Nếu đến ngày 1/7 các trung tâm sát hạch có đủ điều kiện hoạt động còn quá ít, sở sẽ yêu cầu các đơn vị này tổ chức thi tất cả ngày trong tuần để đáp ứng nhu cầu của người dân.

“Trường hợp các trung tâm sát hạch vẫn quá tải, Sở GTVT sẽ kiến nghị Bộ GTVT cho phép TP HCM thực hiện các giải pháp phù hợp để tạo điều kiện cho người dân dự thi lấy giấy phép lái xe máy, không để phải chờ đợi lâu” - ông Kỷ khẳng định.
 

Quy trình mới thi sát hạch lái xe máy

Thi lý thuyết: Sát hạch lý thuyết đối với hạng A1 (xe máy dưới 175 cm3) ở các đô thị từ loại 2 trở lên thực hiện trên máy vi tính. Các địa bàn khác thực hiện trắc nghiệm trên giấy hoặc trên máy tính. Phòng thi sát hạch lý thuyết có camera giám sát quá trình sát hạch.

Tương tự, thi sát hạch lý thuyết hạng A2 (xe máy từ 175 cm3 trở lên), A3, A4, B1, B2, C, D, E và các hạng F thực hiện trên máy vi tính, phòng sát hạch có camera giám sát và công khai kết quả sát hạch.

Thi thực hành: Sát hạch thực hành lái xe trong hình đối với hạng A1, A2 ở các đô thị loại 3 trở lên thực hiện tại các trung tâm sát hạch có thiết bị chấm điểm tự động. Người dự thi sát hạch phải điều khiển xe qua bốn bài sát hạch gồm: đi theo hình số 8, qua vạch đường thẳng, qua đường có vạch cán và qua đường gồ ghề.

 

* Ông Lâm Thiếu Quân (đại biểu HĐND TP HCM):

Góp phần giảm tiêu cực

Việc lắp đặt thiết bị chấm điểm tự động là rất tốt vì sẽ giảm được tiêu cực trong sát hạch thi giấy phép lái xe. Người thi được chấm điểm tự động sẽ gặp nhiều khó khăn hơn và tỷ lệ rớt nhiều hơn. Nhưng chuyện này là bình thường vì ở các nước, có người dự hàng chục cuộc thi lấy giấy phép lái xe vẫn bị rớt. Bởi vì họ tổ chức thi sát hạch lái xe rất gắt gao nhằm đòi hỏi người dự thi đáp ứng yêu cầu về kỹ năng và kiến thức giao thông.

Tuy nhiên, các cơ quan chức năng cần có lộ trình để các trung tâm sát hạch có điều kiện đầu tư thiết bị chấm điểm tự động.

* Ông Nguyễn Văn Quyền (nguyên Phó tổng cục trưởng Tổng cục Đường bộ VN):

Cần dành thêm thời gian tập luyện

Chấm điểm thi bằng thủ công không thể hiện tính công khai và minh bạch. Do đó chấm điểm tự động sẽ khắc phục những kẽ hở có thể bị lạm dụng dẫn đến tiêu cực.

Theo quy định mới, cuộc thi sẽ khó khăn nhiều hơn đối với những người không dành thêm thời gian tập luyện trên hình thi, tỷ lệ thi rớt sẽ nhiều hơn. Do vậy, người dự thi cần ôn luyện về kỹ năng điều khiển xe tốt hơn sẽ đạt kết quả tốt.

Chấm điểm tự động thi giấy phép lái xe đòi hỏi người dự thi cần phải nâng cao kỹ năng điều khiển phương tiện. Qua cuộc thi này cũng giúp họ nâng cao ý thức chấp hành luật giao thông, góp phần kéo giảm tai nạn giao thông ở VN.

* Tô Phạm An Nhiên (sinh viên Trường ĐH KHXH&NV TP HCM):

Nên mở lớp ôn cho người dự thi

Theo tôi, việc áp dụng bộ phận cảm biến vào kỳ thi sát hạch thực hành lấy bằng lái sẽ đảm bảo công bằng hơn trong quá trình chấm điểm, hạn chế những tiêu cực có thể có từ giám khảo. Tuy nhiên, tôi vẫn chưa an tâm về độ tin cậy của các bộ phận cảm biến. Do vậy, vẫn nên có kiểm tra để đảm bảo không có khiếu nại và những sự cố ngoài ý muốn.

Việc áp dụng công nghệ này chắc chắn gây khó khăn cho một số người còn non tay lái khi dự thi. Do đó cần mở các lớp để ôn trước khi kỳ thi bắt đầu là hợp lý.

Chi phí thuê xe 30.000 đồng/giờ cũng không quá cao, bởi việc ôn luyện cần nhu cầu sân bãi, thiết bị và người hướng dẫn.
 
Theo Ngọc Ấn (Tuổi Trẻ)