Thi công quốc lộ 1: Nguy hiểm đất đá rơi xuống đường ray

12/07/2015 10:51:26

Đường sắt vừa bị tê liệt hơn 8 giờ do tàu SE4 gặp tai nạn khi va phải tảng đá lớn mà đơn vị thi công dự án mở rộng và nâng cấp quốc lộ 1 (đoạn qua xã Phổ Thạnh, huyện Đức Phổ, Quảng Ngãi) làm rơi xuống đường ray.

Đường sắt vừa bị tê liệt hơn 8 giờ do tàu SE4 gặp tai nạn khi va phải tảng đá lớn mà đơn vị thi công dự án mở rộng và nâng cấp quốc lộ 1 (đoạn qua xã Phổ Thạnh, huyện Đức Phổ, Quảng Ngãi) làm rơi xuống đường ray.

May mà tàu không ngã đổ!

Vào khoảng 11g ngày 10-7, tàu SE4 đang chạy theo hướng Nam - Bắc, khi đến km988 bất ngờ gặp phải một tảng đá lớn do đơn vị thi công quốc lộ 1 làm rơi xuống giữa đường ray. Lái tàu SE4 khi phát hiện tảng đá thì khoảng cách đã quá gần nên không thể hãm phanh kịp khiến tàu va chạm mạnh với tảng đá, bánh trật khỏi đường ray làm hàng trăm hành khách hốt hoảng.

Theo nhiều người dân địa phương, trước khi xảy ra vụ tai nạn, đơn vị thi công cầu vượt (nằm trong dự án mở rộng và nâng cấp quốc lộ 1) đã nổ mìn phá khối đá lớn để thi công làm đất đá rơi xuống đường ray.

Tại hiện trường, tảng đá 0,8m3 đã làm đầu tàu bị hư hỏng, phá hỏng hơn 70m đường sắt, 115 thanh tà vẹt bêtông và phụ kiện liên kết thanh tà vẹt. Một tảng đá lớn mắc dưới gầm toa tàu. Tại vị trí tảng đá rơi xuống đường ray là một vách đá dựng đứng đang được đơn vị thi công tổ chức phá đá, đổ bêtông làm móng cầu vượt. Dù thi công ngay “trên đầu” đường sắt, nhưng đơn vị thi công không có rào chắn, những viên đá đủ kích cỡ rơi xuống nằm sát đường ray vẫn chưa được chuyển đi.
 

Đơn vị thi công quốc lộ 1 làm rơi tảng đá này xuống đường ray khiến đường sắt bị ngưng trệ hơn 8 giờ - Ảnh: Trần Mai

Ông Trần Xuân Hùng, trưởng tàu SE4, cho biết hơn 20 năm làm trong ngành đường sắt, ông sợ nhất gặp phải chướng ngại vật là đất đá vì chỉ cần tàu va chạm là cả trăm hành khách trên tàu sẽ nguy hiểm đến tính mạng, việc lưu thông của ngành đường sắt cũng sẽ bị đình trệ. “Sự cố quá bất ngờ, dù chúng tôi đã cố gắng hãm phanh nhưng vẫn không dừng kịp. May mà tàu không ngã đổ, quá nguy hiểm”.

Để thông tuyến, ngành đường sắt đã phải mất hơn 8 giờ, huy động hàng trăm chuyên gia, công nhân viên đến hiện trường, quần quật thi công liên tục sửa chữa đoạn đường sắt bị hư hỏng. Đồng thời lực lượng cứu hộ thuộc Trung tâm ứng phó sự cố thiên tai và cứu nạn Đà Nẵng, Xí nghiệp đầu máy cứu viện Đà Nẵng cùng các trạm cứu hộ toa xe Diêu Trì, Quảng Ngãi, Đà Nẵng đưa nhiều trang thiết bị đến xử lý toa tàu bị trật bánh khỏi đường ray.

Ông Nguyễn Văn Sang, phó giám đốc Chi nhánh khai thác đường sắt Nghĩa Bình, cho biết trên đoạn đường mà chi nhánh quản lý, đây là sự cố tai nạn khắc phục lâu nhất từ trước tới nay.

“Chỉ vì nổ mìn thi công, đơn vị không có phương án cụ thể đảm bảo an toàn cho đường sắt làm một tảng đá rơi mà việc khắc phục phải tốn một lượng thời gian lớn đến thế. Đó là chưa kể việc ách tắc này kéo theo toàn bộ hành trình của các chuyến tàu trong ngày phải đình hoãn” - ông Sang nói.

Phải có phương án bảo vệ an toàn 
cho đường sắt

Trước đây, nhiều lần đơn vị thi công quốc lộ 1 trong lúc nổ mìn phá đá và san ủi mặt bằng đã làm rơi đá xuống lòng đường sắt.

Cụ thể, tháng 5-2014 tại km994+180 (xã Phổ Châu, huyện Đức Phổ), một tảng đá có đường kính gần 3m rơi từ vị trí thi công quốc lộ 1 xuống nằm cách đường ray khoảng 30cm làm đình trệ việc lưu thông của các đoàn tàu trong 
2 giờ khiến tám chuyến tàu bị chậm. Trung tâm điều hành vận tải khu vực 2 đã phong tỏa khu vực trên, huy động lực lượng phá tảng đá chuyển ra khỏi hành lang an toàn đường sắt.

Ông Nguyễn Thái Linh, giám đốc Công ty TNHH MTV Quản lý đường sắt Nghĩa Bình, cho biết: “Chúng tôi thường xuyên kiểm tra, nhắc nhở đơn vị thi công quốc lộ 1 phải có phương án đảm bảo an toàn cho đường sắt. Chúng tôi cũng từng đình chỉ thi công nhiều đơn vị vì không đảm bảo an toàn cho đường sắt. Sau đó đơn vị thi công có phương pháp thi công bảo đảm an toàn, chúng tôi kiểm tra và để đơn vị thi công trở lại”.

Để đảm bảo an toàn cho ngành đường sắt, tránh những sự cố đáng tiếc xảy ra mà nguyên nhân chính là do đơn vị thi công làm ẩu, không có biện pháp bảo vệ thi công, ông Lương Thế Khánh, trưởng Phòng thanh tra an toàn khu vực 2 Đà Nẵng, cho biết việc thi công đường bộ ở bất kỳ vị trí nào mà có ảnh hưởng tới đường sắt thì đơn vị thi công phải có phương án cụ thể bảo vệ an toàn cho đường sắt và phải cam kết thực hiện đúng phương án, nếu không thì kiên quyết đình chỉ, không cho thi công.

Ông Đặng Văn Minh, giám đốc Sở GTVT Quảng Ngãi (chủ đầu tư dự án nâng cấp và mở rộng quốc lộ 1), cho biết sở thường xuyên kiểm tra, lưu ý nhà thầu khi thi công phải lập rào chắn, không để đất đá rơi xuống hành lang đường sắt.

“Trong thời gian tới, sở sẽ tăng cường kiểm tra, chỉ đạo các nhà thầu lập phương án và triển khai thi công, không chỉ quốc lộ 1 mà còn ở tất cả tuyến đường bộ giao với đường sắt để đảm bảo an toàn cho tuyến đường huyết mạch này” - ông Minh nói.
 
>> Quảng Ngãi: Tàu SE4 gặp nạn, đường sắt Bắc - Nam tê liệt
>> “Siêu dự án” đường sắt tốc độ cao: Ăn sáng Hà Nội, ăn trưa Sài Gòn
 
Theo Trần Mai (Tuổi Trẻ)

Nổi bật