Sài Gòn không ngủ. Cho dù là ngày hay đêm thì trên mỗi nẻo đường lúc nào cũng luôn tràn ngập ánh sáng và tấp nập người lại qua. Để có được một thành phố yên bình và tươi đẹp, không thể vắng bóng những chiến sĩ công an đang ngày đêm âm thầm tuần tra canh gác, đấu tranh phòng chống các loại tội phạm. Những đêm cuối của năm 2014, chúng tôi đã có dịp theo chân lực lượng cảnh sát cơ động trên những nẻo đường tuần tra.
Đúng 22 giờ, tổ công tác gồm 4 chiến sĩ xuất phát từ trụ sở chính của Trung đoàn Cảnh sát cơ động trên đường Đinh Tiên Hoàng (quận 1). Tuyến đường tuần tra hôm nay là khu vực trung tâm thành phố. Trên hai chiếc môtô bật đèn xanh đỏ, 4 chiến sĩ trong sắc phục lướt qua các nẻo đường từ công viên bến Bạch Đằng đến các địa điểm quan trọng như Nhà hát lớn thành phố, chợ Bến Thành, Nhà thờ Đức Bà...
Đứng gác trước khu vực chợ Bến Thành |
Với người chiến sĩ đã từng nhiều năm dầm mưa dãi nắng như anh Nghĩa, những chuyến tuần tra xuyên màn đêm đã trở thành công việc thường nhật. Cách nay chưa lâu, đang tuần tra cùng đồng đội lúc 3 giờ 30 sáng một ngày tháng 8-2014, đại úy Nghĩa phát hiện một phụ nữ ngoại quốc miệng ú ớ, cố gắng chạy theo cặp thanh niên nam - nữ tại khu vực “phố Tây” ven công viên 23-9. Ngay lập tức, anh cùng tổ tuần tra tăng ga bám theo. Qua vài tuyến đường, đồng đội là thượng sĩ Hà Ngọc Dương đã bắt kịp và lao thẳng xe vào 2 đối tượng, khiến chúng ngã nhào. Chỉ trong nháy mắt, hai tên cướp giật đã bị các anh khống chế đưa về công an phường xử lý.
Nhớ đến giây phút liều mình truy đuổi cướp, anh Nghĩa cười: “Phát hiện kẻ gian là mình phải hành động ngay”. Chỉ tay lên vết thẹo còn in dấu trên khuôn mặt, đại úy Nghĩa cho biết, đó là kỷ niệm của một lần trấn áp tội phạm. Lần ấy anh đã phải nằm viện khá dài ngày và nói dối với vợ là đi công tác. Chờ đến khi vết thương đã liền da, anh mới về nhà để vợ con đỡ lo lắng.
Xen giữa những câu chuyện trên đường tuần tra, không ít lần đại úy Nghĩa và đồng đội lại dừng xe kiểm tra hành chính một vài trường hợp có dấu hiệu bất thường. Người vi phạm có thể là nam thanh niên nhậu say ngồi dặt dẹo sau xe bạn gái không chịu đội mũ bảo hiểm. Trường hợp khác là hai thanh niên “sành điệu” trên chiếc xe SHi150 phóng nhanh, không bật đèn. Kế đến là cặp thanh niên xăm trổ đầy tay đang dừng xe đứng bên góc tối công viên... Sau khi thực hiện công tác kiểm tra hành chính, các anh đều nhẹ nhàng nhắc nhở rồi cho đi. Những trường hợp này, các anh luôn nhận được những nụ cười, lời cám ơn và người dân nghiêm chỉnh chấp hành ngay.
Trấn áp đối tượng bắt cóc con tin tại Q12 |
Theo chân các chiến sĩ Tiểu đoàn 2 (Trung đoàn Cảnh sát cơ động), chiếc xe ôtô chuyên dụng chở nhóm phóng viên thứ hai dạo một vòng từ ngã tư Trung Chánh (giáp ranh quận 12 sang huyện Hóc Môn) đến cầu Tham Lương (giáp ranh quận Tân Bình, Tân Phú), rồi quay sang đoạn QL1 lên cầu vượt Quang Trung. Nếu như vào ban ngày những tuyến đường này xô bồ tấp nập bao nhiêu, thì về khuya nó thanh bình đến lạ. Những bác xe ôm vắt chân lên xe nằm ngủ ngon lành trong khi đợi khách. Những quán nước ven đường cũng chỉ lèo tèo khách lại qua.
Thấy tôi tỏ vẻ khoan khoái với sự yên bình của vùng ven thành phố, thiếu úy Trần Minh Hoàng cất giọng trầm ngâm: “Trông có vẻ như thế, nhưng chưa hẳn...”. Vừa dứt lời, chiếc máy bộ đàm trên tay anh phát tín hiệu. Chúng tôi nhanh chóng trực chỉ đường Trường Chinh vào hướng trung tâm. Vừa thấy bóng lực lượng tuần tra, những thanh niên đang dừng xe nẹt pô ầm ĩ, bỗng nháo nhào rạp mình tháo chạy. Giữa làn đường dành cho xe ôtô, hai chiếc xe máy của kẻ quá khích phóng vút trong tiếng pô hú chát tai. Công-tơ-mét trên xe tuần tra đã chỉ đến tốc độ chóng mặt, tiếng bánh xe ma sát và tiếng gió rít lên nghe lạnh người. Thế nhưng nhóm quái xế đã nhanh chóng khuất dạng. Mỉm cười sau màn rượt đuổi, thiếu úy Hoàng cho biết: “Đó mới chỉ là mấy tên choai choai đi “dượt” xe mà thôi. Thường chúng chỉ tụ tập 2-3 tên, kéo vài vòng thử xe rồi về. Thế nhưng trước khi “dượt” chúng cũng cho người đi “đề-lô” (theo dõi) để tránh công an. Những trường hợp này mình chỉ cần đẩy đuổi cho chúng khỏi quậy phá là được”.
Thiếu úy Nguyễn Minh Hoàng, người chiến sĩ có 7 năm kinh nghiệm tuần tra ở khu vực An Sương cho biết, ngã tư này vốn là nơi vô cùng phức tạp về an ninh trật tự. Nhất là vào ban ngày, các đối tượng tội phạm ma túy lợi dụng địa bàn đường hẻm thông nhau lắt léo, kéo về đây hoạt động. Tuy nhiên thời gian vừa qua, thành phố mở chiến dịch thu gom con nghiện, nên tình hình an ninh khu vực đã được cải thiện rõ rệt.
Đối diện hiểm nguy
Với những chiến sĩ cảnh sát cơ động, việc trấn áp các đối tượng, băng nhóm tội phạm là “chuyện của nghề”. Thế nên việc họ luôn đối diện với hiểm nguy đã không còn là chuyện lạ. Nhớ lại lần truy đuổi tên tội phạm ma túy ở cầu vượt An Sương, hạ sĩ Nguyễn Huỳnh An (quê Quảng Bình, công tác tại Tiểu đoàn 2) nhún vai cười: “Bắt được tên tội phạm, tôi phải điều trị chống phơi nhiễm đến 6 tháng đấy!”. Đó là dịp Tết năm vừa qua, An cùng đồng đội nhận nhiệm vụ tuần tra dọc khu vực An Sương. Khi xe vừa đổ dốc cầu theo hướng về miền Tây, phát hiện thấy một đối tượng có biểu hiện tàng trữ ma túy đứng ngay dưới chân cầu, An và đồng đội lập tức nhảy xuống xe chạy bộ đuổi theo. Bị vây bắt, gã thanh niên chạy bộ ngược chiều hòng tẩu thoát vào con hẻm gần đó, song đã bị An gạt chân té ngã.
Còng được tay đối tượng, người cảnh sát mới thấy máu bắt đầu tứa ra từ những vết xước do quá trình vật lộn. Chiếc kim chứa ma túy chưa kịp sử dụng, vẫn còn đang khư khư trong tay hắn. Khi dẫn giải kẻ đói thuốc về trụ sở công an phường, qua lời khai mới biết hắn là con nghiện và đã bị nhiễm HIV độ 2. Sau màn rượt bắt này, hạ sĩ An đã phải điều trị chống phơi nhiễm ròng rã 6 tháng. Thế nhưng khi ngồi trên xe tuần tra, “cái máu nghề” trong anh vẫn đang hừng hực cháy.
Cũng với kỷ niệm về bắt tội phạm ma túy, trung sĩ Phan Thành Trung cho biết: Bọn tội phạm ma túy giờ ranh ma lắm. Có lần vây bắt cặp thanh niên nam nữ nghi vấn trước khu vực Chợ Lớn, các anh đã suýt bị chúng “qua mặt”. Khi thấy bóng lực lượng công an, gã thanh niên mặt tỉnh bơ như không hiểu chuyện gì, trong khi cô gái ngồi sau chìa ra xấp vé số mời mua. Kiểm tra trong mấy tờ tiền lẻ xếp vào nhau, một cục hàng trắng (heroin) được chúng dán cẩn thận bằng băng keo 2 mặt, áp sát vào tờ tiền.