Ông Nguyễn Văn Long, Cục phó Thú y (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) cho biết, ổ dịch cúm A/H5N6 xảy ra tại hộ chăn nuôi thuộc phường Đông Hải, TP Thanh Hóa với 970 gia cầm mắc bệnh, chết và tiêu hủy.
Tại Trà Vinh, hai ổ dịch cúm gia cầm A/H5N1 xảy ra tại xã Châu Điền và xã Hào Ân thuộc huyện Cầu Kè với 1.700 con gà, vịt bị chết và tiêu hủy.
Đến cuối ngày 16/2, cả nước ghi nhận 16 ổ dịch cúm gia cầm (gồm 14 ổ dịch do H5N6 và hai ổ dịch do H5N1) chưa qua 21 ngày tại Hà Nội, Bắc Ninh, Thanh Hóa, Nghệ An và Trà Vinh. Tổng số gia cầm chết, tiêu hủy trên 55.000.
Trước đó ngày 13/2, phát biểu tại hội nghị triển khai các giải pháp phòng chống bệnh cúm gia cầm và các bệnh trên đàn gia súc, Bộ trưởng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Nguyễn Xuân Cường nêu những yếu tố làm dịch cúm dễ xảy ra ở Việt Nam, như: mầm bệnh ở nhiều nơi, mật độ chăn nuôi cao, thời tiết cực đoan, tập quán buôn bán, giết mổ lạc hậu...
Từ thực tế trên, Bộ trưởng Cường đề nghị các địa phương không chủ quan vì nếu dịch xảy ra ở một điểm nhỏ lẻ mà lơ là thì nguy cơ lây lan, bùng phát là rất lớn.
Thống kê của Cục Thú y, hiện tổng đàn gia cầm trên cả nước (gà, ngan, vịt) hơn 460 triệu con. Năm 2019, hơn 133.000 gia cầm phải tiêu hủy do mắc cúm.
Từ năm 2004 đến 2014, Việt Nam ghi nhận nhiều trường hợp cúm A/H5N1 lây truyền từ gia cầm sang người, tỷ lệ tử vong cao. Tuy nhiên, hiện chưa ghi nhận cúm A/H5N1 lây từ người sang người.
Virus cúm A/H5N6 được phát hiện tại Việt Nam từ năm 2014, hiện chưa ghi nhận người mắc bệnh do chủng virus này.
Theo Võ Hải (VnExpress.net)