Thế nào là xúc phạm người khác trên mạng xã hội?

22/10/2017 12:40:00

 Mạng xã hội trở nên phổ biến và có tác động không nhỏ đến đời sống xã hội. Mỗi người có thể tự mình đăng tải nội dung thể hiện trạng thái cảm xúc, suy nghĩ trên tài khoản cá nhân của mình.

 Mạng xã hội trở nên phổ biến và có tác động không nhỏ đến đời sống xã hội. Mỗi người có thể tự mình đăng tải nội dung thể hiện trạng thái cảm xúc, suy nghĩ trên tài khoản cá nhân của mình.

Thế nào là xúc phạm người khác trên mạng xã hội? - Ảnh 1.
 

Mới đây, một bác sĩ ở Phong Điền, Thừa Thiên - Huế có đăng một nội dung, được cho là xúc phạm Bộ trưởng Bộ Y tế và bị cơ quan chức năng phạt 5 triệu đồng.

Câu chuyện đặt ra: đăng gì, viết thế nào để không vi phạm pháp luật và bị các hình thức chế tài theo quy định của pháp luật?

Chưa có định nghĩa

Tại Khoản d Điều 5 Nghị định 72/2013 của Chính phủ quy định về những việc sử dụng dịch vụ Internet, có những hành vi bị cấm: "đưa thông tin xuyên tạc, vu khống, xúc phạm uy tín của tổ chức, danh dự và nhân phẩm của cá nhân".

Tuy nhiên, thế nào là xúc phạm danh dự, uy tín, nhân phẩm? Theo PGS.TS Đỗ Văn Đại, Trưởng khoa luật dân sự Trường đại học Luật TP.HCM, hiện nay luật chưa định nghĩa thế nào là xúc phạm danh dự, nhân phẩm, uy tín. 

Do vậy, hiểu thế nào là xúc phạm nhân phẩm, uy tín hoàn toàn tùy thuộc vào cảm tính của người xử lý.

Ông Đại cũng khẳng định luật của nhiều quốc gia trên thế giới không định nghĩa cụ thể như thế nào là xúc phạm danh dự và nhân phẩm. 

Bởi vậy, cần có những án lệ để có thể xử lý được các hành vi này. Và phạm vi xem xét xử lý hành vi này cũng tùy thuộc vào bối cảnh và hoàn cảnh cụ thể.

Luật sư Nguyễn Kiều Hưng, Đoàn luật sư TP.HCM, cho rằng: Với mạng xã hội như hiện nay, quyền biểu đạt của cá nhân trên trang cá nhân của họ là rất thoải mái, như một cách để thể hiện quyền tự do ngôn luận được hiến định. 

Do đó, ranh giới giữa đúng và sai, giữa phù hợp và không phù hợp là khá mong manh. Khi một cá nhân phản biện, nhận xét một cá nhân khác theo hướng tiêu cực, rất dễ bị xem là xúc phạm đến danh dự, nhân phẩm, uy tín của đối tượng đó.

Vì lẽ đó, các nghị định dưới luật được Chính phủ ban hành điều chỉnh riêng cho các hành vi "nói xấu" trên môi trường mạng. 

Tuy nhiên, hiện chưa có một văn bản luật nào giải thích cụ thể rõ ràng về ngữ nghĩa của các khái niệm "danh dự, nhân phẩm, uy tín" là như thế nào.

Điều đó, trên thực tế gây lúng túng cho các cơ quan áp dụng pháp luật và không ít trường hợp đã xử sai, xử oan cho đối tượng bị áp dụng.

Xử sao cho đúng: không đơn giản

Luật sư Nguyễn Kiều Hưng nêu khoản 1 điều 20 Hiến pháp có quy định: "Mọi người có quyền bất khả xâm phạm về thân thể, được pháp luật bảo hộ về sức khỏe, danh dự và nhân phẩm; không bị tra tấn, bạo lực, truy bức, nhục hình hay bất kỳ hình thức đối xử nào khác xâm phạm thân thể, sức khỏe, xúc phạm danh dự, nhân phẩm".

Điều này cũng được thể chế hóa tại Bộ luật dân sự, khoản 1 điều 34 quy định: "Danh dự, nhân phẩm, uy tín của cá nhân là bất khả xâm phạm và được pháp luật bảo vệ".

Theo đó, người nào xâm phạm danh dự, nhân phẩm, uy tín của người khác đều bị xử lý. Tùy theo tính chất, mức độ và hậu quả xảy ra, hành vi đó có thể bị xử phạt hành chính, bồi thường thiệt hại hoặc bị truy cứu trách nhiệm hình sự.

Các hành vi xâm phạm danh dự, nhân phẩm, uy tín của người khác phải bị xử lý là hết sức cần thiết. Tuy nhiên xử lý như thế nào để vừa bảo vệ được quyền nhân thân vừa để đảm bảo quyền tự do ngôn luận của công dân là vấn đề không đơn giản.

Mặt khác, kiểm soát và xử lý như thế nào để không tạo ra sự bất bình đẳng giữa các đối tượng bị áp dụng cũng là vấn đề khó. Không thể chỉ xử lý nặng tay với cán bộ, công chức, đảng viên mà bỏ sót các đối tượng khác.

Nên để tòa án phân giải

Phân tích kỹ hơn về việc quy định thế nào là xúc phạm danh dự, nhân phẩm, tiến sĩ Lê Minh Hùng - khoa luật dân sự Trường đại học Luật TP.HCM - cũng cho rằng cần phải giải thích được danh dự và nhân phẩm là gì dù luật không định nghĩa. Hai hành vi này có biểu hiện khác nhau chứ không phải cùng một hành vi.

Ông Hùng nói thêm: Việc xâm phạm nhân phẩm chủ yếu tác động lên thân thể, quyền tự do, hoặc buộc làm những điều trái với quyền tự do con người. 

Việc đánh giá có xâm phạm cụ thể hay không thì phải thấy hành vi đó có vu khống, dựng chuyện, làm xấu đi sự tôn trọng cũng như hình ảnh của đối tượng xấu đi hay không.

"Trong việc sử dụng mạng xã hội cũng vậy, việc viết gì trên mạng, có xúc phạm danh dự, nhân phẩm, uy tín hay không thì còn phải xem xét kỹ. Tuy nhiên, đối với những người nổi tiếng hoặc chính khách có những việc làm giữa cộng đồng thì phải chấp nhận những nhận xét của cộng đồng về những việc mình làm. Khó có thể coi đó là có xúc phạm danh dự, nhân phẩm uy tín", ông Hùng nói.

Luật sư Nguyễn Kiều Hưng cho rằng góc độ quản lý nhà nước, đã đến lúc cần làm quen với "văn hóa phản biện", tạo khuôn khổ cho phép công dân bày tỏ quyền biểu đạt về những vấn đề tiêu cực trong xã hội. 

Tất nhiên, cần tạo ra các công cụ pháp lý định lượng được giới hạn của vi phạm hay không vi phạm pháp luật. 

Những phát ngôn được xem là xâm phạm danh dự, nhân phẩm, uy tín của người khác chỉ bị xử lý khi đối tượng bị xâm phạm chứng minh được hành vi đó gây thiệt hại cho mình như thế nào.

Nếu có tranh chấp, khiếu nại thì cơ quan quyết định cuối cùng sẽ là tòa án.

Tiến sĩ LÊ MINH HÙNG:

Nên hiểu uy tín, danh dự, nhân phẩm như thế nào?

Nhân phẩm là phẩm giá con người và chỉ con người mới có. Nhân phẩm là thứ tồn tại cùng một con người kể cả từ đứa trẻ mới sinh ra đến một người lớn tuổi và không khác biệt giữa giàu - nghèo, sang - hèn.

Xúc phạm đến nhân phẩm là hành vi thô bỉ, chà đạp tác động đến thân thể của một người khác, ví như một người bị lột quần áo trước mặt người khác, bị nhốt vào chuồng nuôi súc vật, bị bắt ăn những thứ không dành cho người, bị bắt quỳ lạy hoặc chui háng một người khác...

Tất cả những hành vi nào không mang tính chất tôn trọng một người thì có thể coi là hành vi xúc phạm nhân phẩm người khác.

Còn uy tín là do con người tạo ra, danh dự là sự đánh giá lòng tự tôn của con người.

Do đó, những lời nói, thông tin, cử chỉ, hành động mang tính chất thóa mạ, chửi rủa người khác trước đám đông như nói người khác là trộm cắp, đĩ điếm mang tính quy chụp vu khống xấu xa chính là xúc phạm đến nhân phẩm người khác.

Theo Hoàng Điệp (Tuổi Trẻ)