Thầy giáo kêu gọi hãy tặng giáo viên "phong bì" nhân ngày 20/11
Nhiều ngày qua, thầy giáo Đào Tiến Đạt - lãnh đạo trường THPT Anhxtanh Hà Nội khiến nhiều người bất ngờ khi đăng tải lên trang cá nhân thông điệp: "Hãy tặng chúng tôi nhiều "phong bì" nhân ngày 20/11!". Cụ thể, thầy Đạt kêu gọi phụ huynh học sinh đừng tặng hoa, tặng quà mà hãy tặng giáo viên thật nhiều phong bì nhân ngày 20/11! Sau đó, các giáo viên của trường cũng đồng loạt phát đi thông báo này.
Thầy Đạt viết, "Chúng tôi muốn nhân dịp này, dùng toàn bộ số tiền các bạn trao tặng, cùng với số tiền chúng tôi gây quỹ được bằng cách dạy thêm, bán hàng, lau nhà, dọn cửa hàng, hát ở bờ hồ... để mua chăn tặng các thầy cô giáo và các em học sinh ở trường tiểu học xã Pù Nhi, huyện Mường Lát, tỉnh Thanh Hóa.
Món quà không lớn, nhưng là một chút ấm áp của chúng tôi gửi tới các đồng nghiệp và các em học sinh ở Pù Nhi nhân ngày nhà giáo Việt Nam. Sự sẻ chia không lớn, nhưng là chút động viên tinh thần nho nhỏ trước bao khó khăn mà các thầy cô và các em học sinh trải qua hàng ngày ở nơi miền núi xa nhất của tỉnh Thanh Hóa, nơi tiếp giáp với Lào.
Chính các thầy cô giáo, các em học sinh, các anh bộ đội biên phòng và bà con ở nơi đây ngày ngày bước chân trên những nẻo đường biên giới, ghi những bước chân son giữ chủ quyền đất nước một cách tự nhiên, không đòi hỏi, không khẩu hiệu. Bằng tất cả tấm lòng chúng ta biết ơn họ!".
Sau nhiều ngày đăng tải, học sinh, phụ huynh, giáo viên trường THPT Anhxtanh đều hưởng ứng nhiệt tình phong trào này. Giáo viên quyên góp tiền cá nhân, còn học sinh bán quà vặt để gây quỹ. Thậm chí, còn có nhóm lên bờ hồ Hoàn Kiếm hát rong kiếm tiền mua chăn ấm.
Thầy Đạt cho hay, tâm lý của nhiều người trong ngày Nhà giáo Việt Nam 20/11 thường tặng thầy cô những món quà, bó hoa để tri ân. Tuy nhiên, số tiền mua hoa, mua quà đó có thể dành làm nhiều việc ý nghĩa hơn.
"Mọi người có thể thay thế hoa bằng phong bì. Giáo viên sẽ gây quỹ cùng phụ huynh lên kế hoạch đi từ thiện. Cụ thể, mục tiêu của chúng tôi là khoảng 656 cái chăn, 85 triệu để tặng cho những đồng nghiệp của mình đang công tác ở vùng khó khăn. Tôi không những cảm phục mà còn biết ơn họ" - thầy Đạt tâm sự.
Được biết sau một tuần gây quỹ, 3h sáng 19/11, đoàn từ thiện của trường THPT Anhxtanh Hà Nội sẽ lên đường tới Mường Lát. Họ mang trên mình tình cảm của tập thể giáo viên, phụ huynh, học sinh, mạnh thường quân tới các thầy cô giáo, cán bộ công nhân viên và các em học sinh trường tiểu học Pù Nhi (xã Pù Nhi, huyện Mường Lát, tỉnh Thanh Hoá).
"Tôi cảm thấy xúc động khi học sinh của mình đếm từng đồng tiền lẻ xong xếp một cách gọn gàng để chuyển lại cho chúng tôi. Đây không phải lần đầu tôi và các đồng nghiệp kêu gọi như vậy trên mạng xã hội mà chúng tôi đã làm việc đó trong nhiều năm rồi. Tôi mong chuyến thiện nguyện ngày 19/11 sẽ thành công và để lại nhiều cảm xúc".
Lời kêu gọi gây tranh cãi trong dư luận dù là ý tưởng cao đẹp
Được biết, thầy Đào Tiến Đạt cùng các đồng nghiệp bắt đầu thực hiện các cuộc vận động từ thiện hàng năm, kể từ năm 2014. Với những người chưa quen lối "hành văn" của thầy đều tỏ ra khá bất ngờ trước lời kêu gọi tặng giáo viên phong bì.
Từ trước đến nay, vấn đề tặng phong bì nhân ngày Nhà giáo Việt Nam vẫn luôn là chuyện tế nhị và gây ít nhiều tranh cãi trong xã hội. Thầy Đạt thẳng thắn, có những món quà khi nhận thấy rất vui vẻ, nhưng cũng có món quà nhận rồi lại giống như món nợ. Thầy cho rằng, 20/11 là ngày giáo viên, chung vui với các thầy cô thì nên quan tâm đến vấn đề tinh thần nhiều hơn là những món quà vật chất.
Trước lời kêu gọi của lãnh đạo trường THPT Anhxtanh Hà Nội, không ít giáo viên cho rằng vấn đề này có thể khiến mọi người hiểu lầm, làm hạ thấp vị thế nhà giáo, nhất là kêu gọi đúng vào dịp ngày Nhà giáo Việt Nam.
"Thầy giáo đưa vấn đề này ra "thô" quá, chắc chắn có người sẽ hiểu nhầm ý khác. Thiết nghĩ hãy nói: Hãy tặng quà cho giáo viên vùng cao. Nếu vậy mọi người rất đồng tình. Dù là ý tưởng cao đẹp nhưng kêu gọi phụ huynh tặng tiền là không nên"- anh H. đưa quan điểm.
Đồng quan điểm với anh H., một phụ huynh khác ở Hà Nội góp ý, thầy Đạt nên nói chính xác là, thay vì tặng hoa, hãy góp vào quỹ để mua chăn ấm tặng giáo viên và học sinh vùng cao, như vậy sẽ đúng hơn. "Đôi khi chỉ vì một lời nói, nhưng đối với những người qua loa, họ sẽ không nhận ra được thành ý tốt của mình trong đó mà sẽ quay lại chỉ trích, "ném đá"".
Chị L. có con nhỏ học cấp 2 chia sẻ, việc tặng quà, phong bì cho thầy cô giáo nhân ngày 20/11 không có gì xấu, nếu xuất phát từ tâm. Kêu gọi tặng phòng bị cho ngày 20/11 và kêu gọi tặng chăn ấm cho giáo viên vùng cao là 2 chuyện khác nhau.
"Thầy giáo khuyên phụ huynh nên tặng phong bì không vì vụ lợi cho cá nhân, mà là để góp số tiền đó mua quần áo sách vở cho các học sinh nghèo vùng sâu vùng xa và giúp các đồng nghiệp. Lúc đầu, khi đọc lời đề nghị, tôi không vui trong lòng. Nhưng sau khi đọc lý do và động cơ của thông điệp này, tôi nhận ra đây là một việc rất ý nghĩa" - chị L. nói thêm.
"Cách đây 4 năm, thầy Đạt đã phát động phong trào "20/11 đừng tặng chúng tôi phong bì, hãy tặng chúng tôi gạo". Số gạo đó trường dùng để trao tặng cho đồng bào các tỉnh miền núi phía Bắc. Năm nay, khá ngỡ ngàng khi đọc cái title "20/11 hãy tặng chúng tôi thật nhiều phong bì". Hóa ra lại là một phong trào mới nhà trường phát động nhằm gây quỹ mua chăn ấm tặng các em nhỏ ở vùng núi cao tỉnh Thanh Hóa. Chúc cho chương trình ý nghĩa này thành công và nhận được sự ủng hộ, giúp đỡ của mọi người" - anh V.K.N. chia sẻ.
Được biết, Trường Tiểu học Pù Nhi có 7 điểm trường, học sinh chủ là dân tộc Dao, Mông, Mường, Thái. Điểm trường ít nhất có 8 học sinh, điểm trường nhiều nhất 216 em. Kỉ niệm ngày nhà giáo Việt Nam có nhiều cách khác nhau, chia sẻ phần nào khó khăn với các thầy cô và học sinh tiểu học Pù Nhi - vùng biên giới xa xôi, hẻo lánh nhất tỉnh Thanh Hoá cũng là một cách và đây là cách thầy trò trường PTTH Anhxtanh đang phát động.
Theo Minh Nhân (Trí Thức Trẻ)