Thầy giáo tố cáo gian lận thi cử ở THPT Đồi Ngô năm ấy: Từng bị dọa giết, phải chật vật làm công nhân, giờ có cuộc sống ra sao?

07/01/2021 21:39:29

Sau vụ tố cáo gian lận thi cử, thầy Ngọc đi làm thuê ở Hà Nội. Có dự định đi xuất khẩu lao động ở Nhật nên thầy giáo này đã đi học tiếng và vượt qua được vòng phỏng vấn, nhận được lịch đi làm.

Vụ tố cáo tiêu cực thi cử chấn động năm 2012

Trong kỳ thi tốt nghiệp năm 2012, một sự việc tiêu cực thi cử diễn ra ở trường THPT dân lập Đồi Ngô, Lục Nam, Bắc Giang gây chấn động lớn trong dư luận.

Ngay sau môn thi tốt nghiệp THPT cuối cùng kết thúc ngày 4/6/2012, trên mạng xã hội (MXH) xuất hiện một clip dài gần 10 phút quay cảnh nhốn nháo trong phòng thi tại hội đồng này. Cùng với đó là nhiều video quay lại cảnh tiêu cực ở nhiều môn thi khác như Toán, Ngoại ngữ,...

Tổng cộng đã có 12 video được quay lại, nội dung là cảnh học sinh thoải mái trao đổi tài liệu, chép bài của nhau. Trong khi đó, các giám thị trong phòng không hề can thiệp và để mặc cho học sinh gian lận. Đáp án cũng được giải sẵn và cho phép tuồn vào phòng thi.

Thầy giáo tố cáo gian lận thi cử ở THPT Đồi Ngô năm ấy: Từng bị dọa giết, phải chật vật làm công nhân, giờ có cuộc sống ra sao?

Thầy giáo tố cáo gian lận thi cử ở THPT Đồi Ngô năm ấy: Từng bị dọa giết, phải chật vật làm công nhân, giờ có cuộc sống ra sao? - 1
Hình ảnh được cắt ra từ clip gian lận thi cử ở THPT Đồi Ngô.

Được biết, các clip này được quay lại bởi camera gắn trên bút của một thí sinh tên S. Các clip được gửi đến cho thầy Nguyễn Danh Ngọc (giáo viên Thể dục, trường THPT Đồi Ngô, Bắc Giang). Thầy Ngọc đã cung cấp cho thầy giáo Đỗ Việt Khoa (người tố cáo vụ tiêu cực thi cử ở THPT Phú Xuyên A, Hà Nội) và các clip sau đó được thầy Khoa chia sẻ lên MXH.

Sự việc lập tức gây chú ý của dư luận, lãnh đạo Bộ GD-ĐT đã chỉ đạo tỉnh Bắc Giang nhanh chóng xử lý. Sau hơn hai tháng thanh tra, Sở GD-ĐT Bắc Giang đã quyết định kỷ luật 42 cán bộ, giáo viên, nhân viên liên quan đến vụ việc này. 

Thầy giáo tố cáo gian lận thi cử ở THPT Đồi Ngô năm ấy: Từng bị dọa giết, phải chật vật làm công nhân, giờ có cuộc sống ra sao? - 2
Trường THPT Đồi Ngô.

Trước khi đứng ra tố cáo vụ gian lận thi cử ở trường Đồi Ngô, thầy Nguyễn Danh Ngọc đã vướng phải một vụ lùm xùm khác. Theo chia sẻ của thầy Ngọc, thầy ký hợp đồng giảng dạy tại Trường THPT Đồi Ngô (xã Tiến Hưng) từ tháng 8/2006. 

Đầu năm 2009, nhóm học sinh nghèo người dân tộc thiểu số có hỏi ông vì sao họ không được hưởng khoản tiền hỗ trợ từ Chương trình 135 của nhà nước, trong khi các trường bạn gần đó đều được. Thầy Ngọc khi đó thông tin cặn kẽ về từng khoản tiền hỗ trợ cho học sinh. Ít ngày sau đó, nhiều học sinh cùng cha mẹ kéo lên phòng của thầy Nguyễn Ngọc Lưu (khi đó là quyền Hiệu trưởng Trường THPT Đồi Ngô) để hỏi.

Cùng năm học 2009, lãnh đạo nhà trường giao nhiệm vụ để thầy Ngọc huấn luyện đội tuyển thể thao của trường tham gia thi đấu giải do Sở GD-ĐT Bắc Giang tổ chức. “Cho tới gần sát ngày thi đấu, đột nhiên thầy Lưu nói không để các em tham dự giải nữa. Phần vì tiếc công tập luyện của học sinh, phần vì muốn mang vinh quang lại cho trường nên tôi cùng học trò quyết định viết đơn tự nguyện tham gia giải... 

Năm đó, đội tuyển Trường Đồi Ngô đoạt hơn chục giải, từ điền kinh, võ thuật, cho tới bơi lội. Nhưng không hiểu sao khi tiền giải thưởng về trường thì lại không tới được tay các trò”, thầy Ngọc chia sẻ trong một lần trả lời phóng vấn báo chí. 

Cũng theo thầy Ngọc, trong cuộc họp cuối năm của trường, thầy Lưu cho rằng mình đã có định hướng từ đầu để đội tuyển thể thao tập luyện, thi đấu đạt thành tích cao. “Lúc đó vì quá bất bình trước những lời thầy Lưu nói nên mình đứng dậy xin phát biểu. Mình nói thầy không xin lỗi, em sẽ tố cáo thầy với cấp trên. Chưa hết, mình còn yêu cầu thầy Lưu trả lại những gì mà đáng nhẽ ra các em được hưởng”, thầy Ngọc cho hay.

Thầy giáo tố cáo gian lận thi cử ở THPT Đồi Ngô năm ấy: Từng bị dọa giết, phải chật vật làm công nhân, giờ có cuộc sống ra sao? - 3

Sự việc đội thể thao đi thi đấu đạt thành tích cao còn chưa được làm sáng tỏ thì giữa giờ thể dục ngày 14/1/2010 do thầy Ngọc đứng lớp, thầy Lưu đột nhiên xuất hiện và ra lệnh thu sổ đầu bài, thu sổ điểm, rồi lớn tiếng quát tháo, đuổi thầy Ngọc ra khỏi trường. Sáng 15/1, khi đang chuẩn bị lên lớp, thầy Ngọc nhận được quyết định chấm dứt hợp đồng, cho thôi việc.

Bị cho thôi việc ở trường Đồi Ngô, thầy Ngọc từng tìm việc ở nhiều trường khác nhưng bị từ chối. Thầy giáo này từng chuyển sang làm công nhân xưởng cơ khí trong Nam nhưng sức khỏe không đáp ứng nên lại nghỉ. Sau đó, thầy Ngọc lại xin vào làm ở một xưởng xay gạo gần nhà. 

Cho đến khi phát hiện vụ gian lận thi cử ở trường Đồi Ngô, thầy Ngọc đã chủ động liên hệ, trao đổi với thầy Khoa và đưa câu chuyện ra ánh sáng. Vụ tố cáo khiến thầy Ngọc và gia đình chịu nhiều tiếng xấu, bị chê trách vì "dỗi hơi làm bậy", thậm chí còn bị nhiều người đe nạt, dọa giết.

Sau đó, thầy Ngọc đi làm thuê ở Hà Nội. Có dự định đi xuất khẩu lao động ở Nhật nên thầy giáo này đã đi học tiếng và vượt qua được vòng phỏng vấn, nhận được lịch đi làm. Tuy nhiên đến phút cuối, anh bị trả hồ sơ mà không rõ nguyên nhân. 

Cuộc sống kín tiếng sau vụ tố cáo gây chấn động

Năm 2016, thầy Nguyễn Danh Ngọc cưới vợ và có con gái nhỏ. Thầy Ngọc sau đó đỗ kỳ thi viên chức và được Sở GD&ĐT phân công về giảng dạy môn thể dục tại một trường cấp 3 ở huyện Lục Nam. 

Năm 2018, báo chí từng tìm đến thầy Ngọc. Nói đến sự việc chấn động năm xưa, thầy Ngọc chia sẻ: "Giờ thương vợ, lo cho con nên tôi không nghĩ đến việc chống tiêu cực nữa. Chỉ mong bản thân và gia đình sống yên ổn". Hai năm gần đây, thông tin về thầy Nguyễn Danh Ngọc không còn xuất hiện nhiều trên báo chí. 

Về phần nam sinh S. - người đã quay lại clip gian lận gửi cho thầy Ngọc, thầy giáo này từng chia sẻ: "Sau vụ việc, S. không đi học nữa. Có một thời gian S. làm phụ xe khách nhưng sau chuyển vào trong miền Nam sinh sống và đi làm cùng người thân".

Theo Thanh Hương (Pháp Luật và Bạn Đọc)