Sở hữu vẻ ngoài không khác gì một hotboy, lại là chuyên gia tư vấn tâm lý, thầy giáo Khắc Hiếu không ít lần gặp phải tình huống các cô học trò "cảm nắng".
|
Cái khó là làm sao để học trò không bị sốc khi bị từ chối và hiểu ra sự việc để mối quan hệ thầy trò vẫn vẹn nguyên
|
Cô học trò chọn cách tỏ tình vô cùng đặc biệt, dưới dạng một lá thư xin tư vấn.
Thầy Hiếu nhớ đại ý nội dung bức thư từ cô học trò:
“Em cũng không biết đây có phải là chút bồng bột nhất thời hay là tình yêu thật sự nhưng em cảm thấy ngưỡng mộ, thích nhìn và nghe thầy ấy giảng. Em rất nhớ thầy vào những ngày thầy không lên lớp. Em không phải thích thầy vì vẻ đẹp trai nhưng em thích nụ cười duyên với cái răng khểnh, cách dạy pha trò, không chỉ kiến thức sách vở mà còn là kiến thức trường đời. Hôm chụp ảnh kỉ niệm với lớp, đứng kế thầy ấy, cảm giác của em rất lạ, rất vui, tim đập mạnh. Có phải em đã yêu thầy ấy rồi không? Xin giải thích cho em cảm giác này là gì? Nếu yêu thầy ấy, em phải làm gì nữa để giữ được tình yêu này?”
Lá thư này kèm theo dòng tái bút: “Em nghĩ thầy biết thầy ấy là ai, vì trong lớp em, chỉ có thầy ấy là có răng khểnh trong số các thầy cô đứng lớp”.
Sau khi đọc song, thầy Hiếu thừa hiểu rằng vậy là quả bóng tình yêu đã được chuyển đến mình.
Và nếu không có hướng giải quyết kịp thời, tình cảm thầy trò sẽ đi theo một hướng khác. Suy nghĩ rất nhiều cuối cùng thầy Hiếu cũng tìm được cách xử trí.
“Cái khó là làm sao để học trò không bị sốc khi bị từ chối và hiểu ra sự việc để mối quan hệ thầy trò vẫn vẹn nguyên. Cô học trò năm nhất bày tỏ tình cảm thông qua lá thư xin tư vấn, nên tôi cũng chọn cách phản hồi bằng cách viết thư hồi đáp”, thầy Hiếu chia sẻ.
Thầy Hiếu chọn cách ứng xử khéo léo bằng cách hồi đáp:
“Những cảm xúc của em thật trong sáng và dễ thương. Có lẽ nếu thầy ấy biết được chắc thầy ấy cũng sẽ rất vui và trân trọng tình cảm đó. Thầy có hỏi các đồng nghiệp, thì mọi người đều bảo: Tình yêu là một dạng tình cảm mãnh liệt hơn là chỉ thích nhìn ai đó, thích nghe giảng và nhớ ai đó vào những ngày không được gặp. Lý do chính để thích một người là vì người ấy có nụ cười duyên và dạy rất hay cũng chưa đủ để gọi là tình yêu, mà có lẽ đúng hơn là sự ngưỡng mộ và quý mến, pha lẫn tí ti cảm xúc của một cô học trò mới lớn. Còn cảm giác rất lạ, rất vui, hồi hộp khi đứng cạnh thầy thì có phải là dấu hiệu tình yêu không nhỉ? Hãy nghĩ xem, nếu được đứng cạnh một ca sĩ/diễn viên mình thần tượng, trái tim của ta vẫn “bấn loạn” và “thình thịch” như thường phải không nào?
Thầy nghĩ thầy ấy sẽ rất trân trọng tình cảm thầy trò trong sáng và đáng quý ấy của em như bao tình cảm thầy trò khác. Em hãy luôn cố gắng là một cô học trò thật ngoan, thật giỏi của thầy ấy nhé! Bởi có thầy cô nào vui khi thấy học trò ngoan của mình học kém đâu nào! Nếu làm được như vậy, chắc chắn sau này khi ra trường, thầy ấy sẽ nhớ về em với một ấn tượng đẹp và nghĩ về em như một cô học trò chăm ngoan, đáng mến!”
Quả thật, như thầy Hiếu dự tính, lá thư không từ chối thẳng nên khi được gửi đi, cô học trò không quá ngượng ngùng. Mối quan hệ giữa thầy và cô học trò vẫn rất tốt đẹp.
“Cuối đợt thực tập, cô bé tiễn ra xe và tặng riêng tôi một lọ thủy tinh xếp đầy các ngôi sao bằng giấy nhiều màu sắc với lời chúc rất hóm hỉnh: Sau này, đám cưới của em nhất định sẽ mời thầy”, thầy Hiếu chia sẻ.
Thầy Hiếu cho rằng, học trò cũng là những con người, cũng có cảm xúc và những rung động tuổi mới lớn. Vì vậy, cần tôn trọng điều đó và cảm nhận như những tình cảm thật đáng yêu và trong sáng. Không thể cấm học trò có tình cảm và quan trọng là cách ứng xử của người thầy/cô trước những tình cảm đó.
Thầy cô không nên từ chối thẳng thừng trắng trợn, quát nạt hay phê bình. Bởi các em không sai mà chỉ sống thật với cảm xúc của mình.
Cũng không nên hắt hủi, xa lánh, lảng tránh đi mà không có lời giải thích. Bởi việc này sẽ làm tổn thương lòng tự trọng có thể làm mất đi một mối quan hệ thầy trò tốt đẹp.
Thay vào đó, hãy đối diện và thể hiện sự trân trọng đối với tình cảm trong sáng của học trò. Cùng đó chân thành chuyện trò để các em nhận ra những cảm giác “na ná” tình yêu là rất nhiều như là sự yêu quý, pha chút xuyến xao của tuổi mới lớn.
“Thông qua trò chuyện hãy thể hiện rằng: “Thầy xem em là một cô học trò dễ thương như các học trò chăm ngoan khác”. Hãy ứng xử tinh nghịch một chút để bớt sự căng thẳng. Nếu học trò là người lạc quan, thầy cô có thể khéo léo: “Người yêu hiện tại của thầy/cô cũng rất vui tính. Hay ông/bà xã sắp cưới của cô/thầy bảo tên của em rất đẹp”,… để học trò hiểu ra rằng đó đã là một lời từ chối”, thầy Hiếu đưa lời khuyên.
Theo Thanh Hùng (VietNamNet)