Ai rồi cũng phải đối mặt với vòng tuần hoàn sinh - lão - bệnh - tử nhưng sao có những sự mất mát to lớn đến nỗi, không một ai chịu đựng được. Với tất cả mọi người, như một mảnh ký ức in hằn trong tâm trí, hình ảnh thầy vẫn ở đó, và... mãi mãi.
Những cánh hạc tháng 3 chở phép màu đi đâu?
Hồi tháng 3/2017, thông tin thầy Cương nhập viện điều trị hơn 10 ngày đã là một cú sốc lớn. Gia đình và bản thân thầy đều bất ngờ khi hay tin, rồi ai nấy đều nhanh chóng vực dậy tinh thần, cùng đồng hành bên thầy trong cuộc chiến này. Cô Văn Thùy Dương - con gái út của thầy Cương, tâm sự khoảng thời gian đó thầy đối mặt với ung thư bằng một tâm thế thanh thản.
Cho đến khi thầy nằm trên giường bệnh, vẫn có gần 4.000 học sinh hát đồng ca cổ vũ và các em còn gấp hàng chục nghìn hạc giấy. Bởi các em luôn tin, 1000 chú hạc sẽ đổi lại được một điều ước, một điều ước sẽ làm nên điều kỳ diệu. Trên mỗi cánh hạc, bao điều ước chân thành được nắn nót viết gọn ghẽ, đơn giản chỉ là: "Chúng con yêu thầy".
Các em học sinh xếp hạc giấy nguyện ước thầy Cương sẽ khỏe lại... |
Và ngày hôm đó, phép màu đã thành hiện thực. Thầy đã xúc động tới trào nước mắt. Liều thuốc tinh thần giúp thầy mạnh mẽ sống một cách rất an nhiên. Nhưng đến tận giờ phút này, điều kỳ diệu đã không xảy đến lần thứ 2! Hàng nghìn con hạc giấy của ngày tháng đó cũng không giữ được người thầy ở lại với các em học trò...
0h27 phút sáng 9/10, thầy Văn Như Cương - vị hiệu trưởng đáng kính của trường THPT Lương Thế Vinh trút hơi thở cuối cùng tại nhà riêng. Thầy đã sống một cuộc đời vẻ vang trước khi nằm lại mãi mãi với đất Mẹ và sau khoảng thời gian 3 năm chiến đấu với ung thư. Chắc bạn cũng biết, ung thư không thể chữa khỏi, điều quan trọng là bệnh nhân giữ được tinh thần tốt. Và thầy Cương đã làm được điều đó cho đến những giây phút cuối: mãn nguyện ngắm nhìn ảnh đứa chắt vừa mới chào đời, chờ cháu gái từ Úc về, sau đó thầy mới chấp nhận ra đi...
Và khi người thầy nằm xuống, rất nhiều nước mắt đã rơi và hàng triệu trái tim đau thắt lại!
"Thầy đi rồi con à!"
Từ 1h sáng, một số người đã nhận ra có điều gì bất an xảy đến khi người thân và con cháu thầy đồng loạt đổi ảnh đại diện: một màu đen u buồn, lặng thinh, báo hiệu một sự chia ly...
"Một buổi sáng thật buồn, bác đã sống một cuộc đời không có gì phải hối tiếc và giờ bác an nghỉ được rồi".
"Vừa chiều hôm qua mình vào thăm thầy, thầy vẫn nhìn mọi người với ánh mắt rất sáng mà...".
"Biết bao là tâm huyết thầy để lại cho nền giáo dục, hy vọng những trăn trở của thầy sẽ được những người ở lại quyết tâm thực hiện! Mong thầy yên nghỉ!".
5h sáng 9/10, cô Văn Quỳnh Giao - con gái thứ 2 của thầy Cương khóc nghẹn trong điện thoại: "Thầy đi rồi con à!". Trong cuộc trò chuyện kéo dài gần 6 phút, cô Giao chỉ khóc, tiếng nói không rõ rệt hòa vào tiếng sụt sùi đầy nức nở. Cô cứ như vậy cho đến khi kết thúc, nước mắt trải dài sau gần 4 tiếng người cha qua đời. Từ màn đêm đến khi trời đất chuyển mình, một ngày sáng thứ 2, tiếng khóc của người con gái dù bình thường mạnh mẽ đến đâu cũng khiến người đối diện đầy ám ảnh và thương cảm. Trên Facebook, cô Giao để bức ảnh đen làm ảnh bìa của mình, còn hình người cha đáng kính làm bức đại diện. Với cô lúc này, không việc gì quan trọng hơn được ở bên cạnh cha, để nhớ và cũng để thương 80 năm của một đời người.
Sáng nay tại trường Lương Thế Vinh, không có buổi chào cờ đầu tuần như thường lệ. Cán bộ nhà trường đều đang tập trung lo đám tang cho thầy, còn lũ học trò nhỏ đang trốn khóc ở một nơi nào đó. Mọi người đều mang đồ đen, hoạt động giảng dạy vẫn diễn ra như bình thường nhưng... trầm hơn thường ngày. Không ai nói với nhau lời nào, cũng hạn chế nhắc đến nỗi đau quá lớn, cứ thế mỗi người một dòng cảm xúc.
Cổng trường vẫn mở, để những con người gần xa cùng về đây, cùng nhìn lại nơi đã gắn bó với người thầy, người bạn, người đồng hương. Chúng tôi đã gặp rất nhiều người, là cựu học sinh, cựu giáo viên, hay thậm chí chỉ là người đàn ông thuở bé ở đối diện nhà thầy Cương nơi vùng quê Quỳnh Lưu và lắng nghe câu chuyện của họ. Khi mà mọi thứ đọng lại ở giọt nước mắt, ánh nhìn nhiều hơn là lời nói đầu môi...
Có mặt tại trường Lương Thế Vinh từ rất sớm, thầy giáo Đoàn Ngọc Toại (76 tuổi), người từng giảng dạy tại trường Lương Thế Vinh, gắn bó với thầy Cương suốt 20 năm không giấu nổi nỗi buồn và giọt nước mắt. Nghe tin, ông như chết lặng, bởi cách đây mấy hôm ông còn vào viện thăm thầy Cương. Nay 20 năm có được người bạn chí cốt, nhìn thầy Cương ra đi, sự xót thương hằn lên khuôn mặt người giáo già. Ai rồi cũng phải đối mặt với vòng tuần hoàn sinh - lão - bệnh - tử nhưng sao có những sự mất mát to lớn đến nỗi, không một ai chịu đựng được.
Bao dung, nhân hậu, gần gũi, dí dỏm và luôn tận tâm với học trò, đau đáu vì sự nghiệp giáo dục con người… đó là lí do vì sao thầy Cương hay được ví như Dumbledore - vị hiệu trưởng vĩ đại trong truyện Harry Potter. Có người tâm sự, họ vào Lương Thế vinh chỉ là để làm học trò của thầy, được học trong môi trường học tập mà thầy đã tạo ra. Với họ, thầy Văn Như Cương là "Trường Lương Thế Vinh", và ngược lại cũng đúng.
Không ai có thể sống mãi với thời gian nhưng họ sẽ chỉ thật sự mất đi khi tất cả những hình ảnh, kí ức, tinh thần và sức ảnh hưởng của họ tiêu tán. Và có lẽ rằng với những học sinh bé nhỏ của thầy, như một mảnh ký ức in hằn trong tâm trí, hình ảnh thầy vẫn ở đó mãi mãi.
Không quản ngại đường xá xa xôi tiễn đưa người đồng hương về nơi an nghỉ cuối cùng, ông Dương Danh Tấn cùng vài người bạn ở huyện Quỳnh Lưu, Nghệ An cũng đã có mặt ở trường Lương Thế Vinh. Lớn lên từ thuở bé cùng thầy Cương, lại là học trò của bố thầy, ông Tấn mong muốn đưa tiễn người bạn dù chỉ là một quãng đường ngắn thôi cũng được.
Hôm nay sẽ là một ngày buồn với tất cả mọi người, con cháu người thân đến các thế hệ học sinh của trường THPT Lương Thế Vinh, cả những con người dù chỉ biết thầy qua báo, đài. Nếu trước đó những cánh hạc giấy không thể nhiệm màu lần nữa, thì từ giờ sẽ đeo bên mình một trọng trách mới, dìu thầy về cõi trời xa, ru giấc ngủ ngàn năm yên bình nơi thiên thu cho thầy.
"Hàng ngàn cánh hạc
Hát lời trẻ thơ
Thầy rời cõi tạm
Bay vào thiên thu..."
(Trích thơ của PGS.TS, nhà phê bình Văn Giá, Trưởng khoa Viết văn - Báo chí, Đại học Văn hóa Hà Nội).
Theo Minh Nhân - Link Phuong (Trí Thức Trẻ)