Nêu quan điểm về sự việc thầy chùa đập vỡ kính ô tô ở tình Đắk Lắk, nhiều ý kiến cho rằng nên có cái nhìn cảm thông, nhiều chiều hơn.
Vừa qua, trả lời về thông tin thầy chùa đập vỡ kính ô tô vì không cho vượt, Đại đức Thích Nguyên Huân - Trưởng ban Thông tin truyền thông Giáo hội phật giáo Việt Nam (GHPGVN) tỉnh Đắk Lắk cho biết đã yêu cầu báo cáo trường hợp thầy Lê Văn Thành (pháp danh Minh Truyền).
"Việc thầy Minh Truyền đập phá ôtô của người đi đường là sai nhưng cũng cần tìm hiểu nguyên nhân sâu xa dẫn đến sự việc. Thầy Truyền được chẩn đoán bị tâm thần phân liệt và đang trong giai đoạn điều trị. Trước đây, thầy Truyền uống thuốc điều trị đã tạm ổn nhưng thời gian gần đây bệnh tái phát. Đây có thể là nguyên nhân khiến thầy Truyền hành động không đúng", Đại đức Thích Nguyên Huân nói.
Vị này cho biết thêm, sáng nay GHPGVN tỉnh Đắk Lắk đã đưa thầy Minh Truyền đến Bệnh viện tâm thần Đắk Lắk điều trị: "Khi đưa đi, thầy Minh Truyền không tuân thủ mà còn chống đối. Về mặt chính quyền thì GHPGVN tỉnh Đắk Lắk đang chờ kết luận điều tra từ công an. Giáo hội Phật giáo tỉnh đang làm báo cáo gửi GHPGVN xin ý kiến xử lý".
Trước đó, khoảng 11h30 ngày 9/9, Lê Văn Thành (31 tuổi, đang tu tại chùa Sắc Tứ Khải Đoan ở TP Buôn Ma Thuột) mặc áo thun quần short, đeo dây chuyền và kính đen điều khiển xe máy trên đường Nguyễn Tất Thành (TP Buôn Ma Thuột, tỉnh Đắk Lắk) hướng về chùa Sắc Tứ Khải Đoan.
Khi đến ngã 3 đường Nguyễn Tất Thành - đường Ama Khê, Thành nói bật xi nhan xin vào làn đường ô tô để vượt chiếc xe phía trước. Đúng lúc đó, anh Nguyễn Quang Nhật (37 tuổi, ngụ TP Buôn Ma Thuột) điều khiển ô tô đi phía sau và bấm còi, không cho vượt.
Bực tức nên Lê Văn Thành chạy xe máy vượt lên chặn đầu, đi xuống cầm gậy đập vào ô tô và chửi bới. Ô tô của anh Nhật bị gãy 1 gương chiếu hậu, vỡ 2 tấm cửa kính, hư hỏng 1 nẹp kính cửa xe. Sau khi đập ô tô và dọa tài xế, Lê Văn Thành chạy xe máy về chùa Sắc Tứ Khải Đoan.
Tại cơ quan Công an, Thành thừa nhận về hành vi sai trái: "Do ý thức của tài xế (bấm còi inh ỏi) nên tôi bức xúc. Tôi đã đi Thái Lan. Người Thái Lan không hề bấm còi còn người dân của mình thì bấm còi inh ỏi".
Bệnh tâm thần phân liệt nguy hiểm như thế nào?
Tâm thần phân liệt là một bệnh tâm thần nặng, có các biểu hiện rối loạn chức năng não nghiêm trọng. Bệnh khởi phát có thể từ từ, âm ỉ, làm cho bệnh nhân cũng như người nhà không để ý nên việc phát hiện bệnh thường muộn. Cũng có trường hợp bệnh khởi phát một cách đột ngột với các triệu chứng biểu hiện rầm rộ trong những ngày đầu tiên. Lúc này, bệnh nhân có đầy đủ những triệu chứng khác thường trong hành vi, lời nói, cảm xúc, ảo giác, hoang tưởng. Bệnh thường khởi phát ở lứa tuổi trẻ 18-40 tuổi, tỷ lệ khoảng 0,3-1% dân số mắc bệnh.
Theo bác sĩ Bùi Lưu Hưng (khoa Lâm sàng, Bệnh viện Tâm thần ban ngày Mai Hương), tâm thần phân liệt là một bệnh có xu hướng tiến triển mạn tính, dần dần gây sa sút các mặt hoạt động tâm thần như: nhận thức, cảm xúc, hành vi tác phong, xuất hiện các triệu chứng dương tính, các triệu chứng âm tính, làm cho bệnh nhân không thể hoà nhập với cuộc sống gia đình cũng như xã hội nếu không được điều trị sớm và tích cực.
Với triệu chứng dương tính, bệnh nhân thường có biểu hiện như liên tưởng, suy nghĩ nhanh, nói nhiều, nội dung thường không đúng sự thật, câu nói vô nghĩa; có ảo tưởng (niềm tin không dựa trên thực tế và thường liên quan đến hiểu sai về nhận thức hoặc kinh nghiệm); ảo giác (nghe thấy tiếng người nói trong đầu, nhìn thấy các con vật lạ trong nhà); hoang tưởng (cho rằng có người theo dõi làm hại mình hoặc cho rằng mọi người xung quanh đang nói xấu mình, làm những việc không tốt với mình); rối loạn hành vi (hành vi thô bạo, hung hãn, đi lại không mục đích, gào thét, đập phá, đánh người, mất ngủ).
Với triệu chứng âm tính, bệnh nhân có biểu hiện mất quan tâm trong hoạt động hàng ngày, bàng quan với xung quanh; ngôn ngữ nghèo nàn, suy nghĩ chậm chạp, ngắt quãng; cảm xúc cùn mòn (nét mặt lờ đờ, bất động, vô cảm, ánh mắt vô hồn); cảm xúc không phù hợp (có tin vui thì khóc, tin buồn lại cười sung sướng); rối loạn hoạt động có ý chí (thiếu ý chí, thụ động, thiếu sáng tạo, học tập và lao động giảm sút, giảm hoặc mất hoạt động chăm sóc bản thân); thu rút khỏi xã hội…
Bệnh tâm thần phân liệt có xu hướng tiến triển mạn tính, dễ tái phát, dẫn đến giảm sút hoạt động tâm thần, ảnh hưởng đến sinh hoạt, khả năng làm việc, gây ra những tổn thiệt lớn về kinh tế và xã hội. Nếu không khám phát hiện sớm, chữa trị tích cực và đúng phương pháp, bệnh nhân có thể có những hành vi nguy hại đến bản thân (tự tử, tự gây thương tích...) hoặc cho những người xung quanh (kích động, gây hấn, đánh nhau).
Thầy Minh Truyền bị bệnh, đạp vỡ kính ô tô là không đúng: Liệu có nên cảm thông?
Sự việc đập vỡ kính ô tô của "thầy chùa" Lê Văn Thành đã nhận được nhiều ý kiến tỏ ra thông cảm. Chị Minh Anh (quận Cầu Giấy) cho rằng nếu trường hợp của Lê Văn Thành nếu thật sự bị tâm thần phân liệt, chúng ta cần có cái nhìn cảm thông, bao dung hơn đối với vị này.
Anh Minh Đức (Thanh Trì) phân tích: "Đầu tiên, chúng ta chưa cần biết nguyên nhân thế nào nhưng hành vi đập vỡ kính xe ô tô của Lê Văn Thành không xứng đáng với một sư thầy. Tôi cho rằng Thành đang làm ô uế Phật giáo. Cách Thành cư xử ở ngoài đường như vậy không khác gì một kẻ côn đồ, đòi nợ thuê như Huấn 'hoa hồng' hay Quang 'Rambo' - những giang hồ mạng vừa sa lưới pháp luật.
Phải thừa nhận một điều là văn hóa giao thông ở nước ta đang ở mức rất thấp. Những người sống ở Hà Nội và TP HCM sẽ hiểu từ 'rất thấp' mà tôi vừa miêu tả là quá lịch sự. Tôi lấy ví dụ luôn cơn mưa lớn sáng vừa rồi trên cầu Vĩnh Tuy, dù tắc đường, nhưng nhiều tài xế lấn sang làn ngược chiều. Trong giờ tan tầm, nếu không có CSGT, giao thông sẽ rơi vào hỗn loạn.
Trở lại việc của ông Thành, tôi không nghĩ ông này bị tâm thần phân liệt mà có thể điều khiển xe máy, mặc bộ đồ thời trang như thế ở ngoài đường. Cũng không tự nhiên ông này xuống và đập vỡ kính, gãy gương của chiếc xe phía sau. Tôi cho rằng, ông Thành bị ức chế vì bị bấm còi inh ỏi từ chiếc ô tô phía sau - một trong những hành vì vô văn hóa giao thông".
Theo Quý An (Kienthuc.net.vn)