Tháo dỡ nhà vọng cảnh 'phản cảm' ở Lý Sơn

26/09/2020 23:22:49

Hai nhà vòm vọng cảnh ở đảo Bé "mọc lên" ngay vùng lõi của công viên địa chất toàn cầu Lý Sơn - Sa Huỳnh khiến dư luận phản ứng, chính quyền huyện Lý Sơn (Quảng Ngãi) phải ra quyết định tháo dỡ công trình.

Tháo dỡ nhà vọng cảnh 'phản cảm' ở Lý Sơn
Nhà vọng cảnh được đặt ngay trên di sản địa chất “cánh đồng dung nham” hiện đã bị tháo dỡ - Ảnh: T.MAI

Đảo Bé được biết đến là vùng lõi của công viên địa chất toàn cầu Lý Sơn - Sa Huỳnh với những giá trị địa chất hiếm có. Trong đó, bãi Hang - nơi có cánh đồng dung nham tuyệt đẹp - nằm ngay bên chân sóng. Đây là khu vực bất kỳ du khách và giới nghiên cứu đều tìm đến mỗi khi đặt chân lên hòn đảo xinh đẹp này.

Xây nhà trên bãi đá triệu năm

Thời gian qua, một nhà vọng cảnh bằng bêtông cốt thép được dựng lên ngay trên nền đá. Một người dân địa phương cảm thán: "Làm nhà vọng cảnh là cần thiết nhưng không hiểu sao lại chọn vị trí bãi đá mà xây, dĩ nhiên người dân trên đảo không đồng ý, đảo cần bảo tồn nguyên trạng mới thu hút khách. Trong nhiều năm qua, người dân rất ý thức việc bảo tồn, vậy mà người ta lại phá đá dựng nhà như vậy".

Theo quan sát, việc thi công nhà vọng cảnh đã đào bới đá núi lửa để tạo mặt bằng phục vụ đổ bêtông và làm nền móng, gây biến dạng tự nhiên và ảnh hưởng vẻ đẹp hoang sơ của triền đá núi lửa này.

Ngoài xây trên bãi đá, việc "bêtông cốt thép" làm điểm dừng chân ở đảo Bé còn diễn ra tại Mom Tàu. Điểm này huyện Lý Sơn cho là vị trí ngắm được toàn cảnh bãi Mom Tàu và nhìn sang đảo Lớn, tuy nhiên chất liệu xây dựng mới là điều khiến dư luận phản ứng.

Tiến sĩ Trần Tân Văn - viện trưởng Viện Khoa học địa chất khoáng sản - nói: "Việc bêtông cốt thép ở đảo Bé là không thể chấp nhận được. Di sản địa chất một khi mất đi sẽ không làm lại được. Tôi cho rằng việc làm này sẽ phá hỏng di tích, di sản. Đảo Bé có những di sản địa chất quý giá, du khách đến vì điều đó, chẳng ai đến vì bêtông cốt thép hay những sản phẩm nhân tạo cả".

Xin một đường, xây một nẻo

Theo tìm hiểu của Tuổi Trẻ, cả Huyện ủy Lý Sơn và Sở Văn hóa - thể thao và du lịch Quảng Ngãi đều có văn bản đồng ý cho UBND huyện làm điểm dừng chân với những yêu cầu: chọn địa điểm phù hợp, chọn vật liệu xây dựng thân thiện môi trường, hạn chế xây dựng bêtông, tuyệt đối không được tổn hại đến cảnh quan và di tích trên đảo... Ông Nguyễn Minh Trí, giám đốc Sở Văn hóa - thể thao và du lịch Quảng Ngãi, nói: "Khi thực hiện, huyện Lý Sơn đã làm theo ý của mình, từ vật liệu, vị trí đều không đúng với ý kiến góp ý của sở".

Hai điểm dừng chân ở đảo Bé có tổng mức đầu tư 1,2 tỉ đồng, được trích từ nguồn ngân sách huyện, có tổng diện tích 75m2 và dự kiến hoàn thành trong năm 2020. Số vốn 1,2 tỉ đồng khiến nhiều người "choáng". Ông Nguyễn Quốc Việt - chủ tịch UBND huyện Lý Sơn - cho biết: "Ngoài xây dựng nhà vọng cảnh, còn có thêm những hạng mục trồng cây, hoa tạo cảnh quan và cả chi phí chăm sóc... nên mới có số vốn đó. Tôi đang yêu cầu Trung tâm Truyền thông văn hóa thể thao huyện Lý Sơn báo cáo cụ thể".

Trò chuyện với Tuổi Trẻ, ông Nguyễn Đăng Vũ, nguyên giám đốc Sở Văn hóa - thể thao và du lịch Quảng Ngãi, cho rằng "tại các nước có di sản địa chất tương tự, họ sẽ làm nhà vọng cảnh không nằm trong khu vực di sản, đồng thời sử dụng vật liệu gỗ, đến mùa mưa bão sẽ dọn dỡ, họ tránh tác động đến di sản. Việc làm này cũng đỡ tốn chi phí lớn".

Ông Nguyễn Quốc Việt - chủ tịch UBND huyện Lý Sơn - cho biết đã yêu cầu Trung tâm Truyền thông văn hóa thể thao huyện Lý Sơn và đơn vị thi công tháo dỡ điểm dừng chân tại "cánh đồng dung nham" và nghiên cứu, khảo sát vị trí mới phù hợp hơn để xây dựng lại. Nhà vọng cảnh ở Mom Tàu vẫn được giữ lại bởi không tác động trực tiếp lên địa chất.

Hiện tại, việc tháo dỡ nhà vọng cảnh ở "cánh đồng dung nham" (thi công đạt khoảng 40-50% khối lượng) đã hoàn thành. "Về việc xử lý sai phạm, huyện cũng sẽ thực hiện đối với những người liên quan" - ông Việt nói.

Trần Mai (Tuổi Trẻ)