Tháo dỡ toàn bộ trước tháng 8
Theo Chủ tịch UBND thành phố Huỳnh Đức Thơ, sau phiên họp Thường vụ Thành ủy, cũng có nhiều ý kiến đồng chí thảo luận, nhiều ý kiến cho giữ lại vì số tài sản quá lớn, tháo dỡ, đập bỏ sẽ gây lãng phí xã hội. Tuy nhiên, cuối cùng lãnh đạo Đà Nẵng đã quyết định là dỡ. Ông Thơ cho hay, sau khi nhà ông Phan Như Thạch chấp hành tự tháo dỡ biệt thự, còn ông Quang cũng chấp hành tháo dỡ một phần rồi có đơn kiến nghị lên thành phố, thậm chí kiến nghị ra tận Bộ TNMT xin chấp nhận nộp phạt, cho tồn tại.
Toàn bộ khu biệt phủ ông Ngô Văn Quang sẽ bị tháo dỡ trước tháng 8. Ảnh: Nam Cường |
100% ĐB có mặt tại nghị trường đồng ý với kết luận của Bí thư Trần Thọ: Không đồng ý với kiến nghị của ông Ngô Văn Quang, xin phạt cho tồn tại. Buộc tháo dỡ toàn bộ trước tháng 8. Địa phương vận động chủ nhà chấp hành, nếu không sẽ cưỡng chế theo luật.
“Đá” trách nhiệm, nể, sợ, ém văn bản
Trước câu hỏi trách nhiệm của chính quyền ông Trần Văn Lương – Chi cục trưởng Chi cục Kiểm lâm thành phố “đá” trách nhiệm qua quận Liên Chiểu: Chúng tôi chỉ quản lý rừng, còn thẩm quyền xử lý là của phường, quận.
Khi ông Trần Thọ chất vấn, ông Lương thừa nhận: Kiểm lâm chưa kiên quyết, có phần cả nể, sợ. Từ 2010 – 2014, có 4 công trình sai phạm, xử lý đến 3 cái, riêng biệt phủ “đại gia” Quang và nhà ông Thạch không thể đụng đến. Ông Lương cho hay, đã chỉ đạo kiểm điểm, khiển trách 4 cá nhân.
Ông Đàm Quang Hưng – Phó Chủ tịch quận Liên Chiểu cho hay, đã liên lạc được với ông Ngô Văn Quang, thứ 6 này ông Quang tới nhận cam kết tự tháo dỡ. “Kiểm lâm là chủ rừng, phải có trách nhiệm xử lý”. Ông Hưng cũng thừa nhận lãnh đạo buông lỏng quản lý, nhận thiếu sót không báo cáo kịp thời.
Tuy nhiên, GĐ Sở TN&MT Nguyễn Điểu khiến cả nghị trường “lặng ngắt” khi thông báo: Sau khi thành phố giao kiểm tra, đã báo cáo lại là không có cơ sở, không thể chuyển đổi mục đích sử dụng đất như yêu cầu của ông Phan Như Thạch. Tuy nhiên, phòng chuyên môn chỉ… báo cáo miệng, cất văn bản này, không gửi đến các ngành chức năng. Như vậy, với những “nể, sợ, không cương quyết xử phạt, ém nhẹm văn bản…”, việc xây dựng hai biệt phủ trái phép diễn ra nhiều năm trời trước khi báo chí phanh phui.
“Công bộc của dân mà thế à. Kỷ cương phép nước không nghiêm. Chỗ thì nể sợ, nơi lại ém văn bản. Bây giờ bắt họ (tức ông Ngô Văn Quang -PV) tháo dỡ thì họ phải chấp hành nhưng tâm không phục” – ông Trần Thọ khẳng định.
Trên thực tế, nhiều lần “đại gia” Ngô Văn Quang cho hay, sẽ tháo dỡ nếu bắt buộc, nhưng chính quyền cũng nên nhìn lại cách xử lý lâu nay. “Họ không cương quyết, cứ kiểm tra qua loa, đến khi xảy ra sự việc lại bắt tháo dỡ, đổ mọi sai phạm lên đầu dân” – ông Quang cho biết.
Đề nghị lập tách 2 phường, nhập cho huyện Hoàng Sa
ĐB Nguyễn Đăng Hải nói: “Đà Nẵng lâu nay có một nhiệm vụ thiêng liêng là bảo vệ chủ quyền lãnh hải Hoàng Sa và nghiên cứu, tìm chứng cứ pháp lý để từng bước đòi lại quần đảo Hoàng Sa vốn đang bị Trung Quốc cưỡng chiếm. Kỳ họp Quốc hội vừa qua đã ban hành Luật tổ chức chính quyền địa phương và có hiệu lực từ ngày 1/1/2016. Với Luật này, UBND thành phố nên cho tách 2 phường Thọ Quang và Mân Thái (quận Sơn Trà) để nhập vào huyện đảo Hoàng Sa”. Hai phường trên cũng là nơi có đông ngư dân đánh bắt xa bờ ở ngư trường Hoàng Sa.
Cấp đầu thu truyền hình số cho người nghèo, cận nghèo Nhiều ĐB cho hay, dân rất bức xúc vì bỗng nhiên bị cắt hai kênh DRT1 và VTV6 theo lộ trình số hóa truyền hình mà Đà Nẵng là địa phương thí điểm. Các ĐB nhất trí với chỉ đạo của Bí thư Trần Thọ: Bỏ ngân sách, mua toàn bộ đầu thu kỹ thuật số cho dân nghèo, cận nghèo trước tháng 8. Kiến nghị với cấp trung ương nhanh chóng phục hồi 2 kênh DRT1 và VTV6 cho dân trước khi cắt lại vào tháng 9. |