Làm rõ thiếu sót ở đâu và do ai
Số cây gỗ bị chặt hạ đang được tập kết bãi của cơ quan chức năng. Ảnh: TRỌNG PHÚ |
Cùng ngày, Sở Xây dựng TP Hà Nội đã có văn bản trả lời “21 câu hỏi bị bỏ ngỏ” tại cuộc họp báo của UBND TP Hà Nội liên quan đến sự vụ này ngày 20-3.
Theo đó, trả lời câu hỏi: “Ai là người thẩm định, quyết định những cây cần chặt?”, Sở Xây dựng cho hay chính sở này là đơn vị cấp phép chặt hạ, cắt tỉa, đánh chuyển cây xanh. “Trước khi tiến hành cấp phép chặt hạ, dịch chuyển, tổ công tác bao gồm Sở Xây dựng, Ban Duy tu các công trình hạ tầng kỹ thuật đô thị, Công ty TNHH MTV Công viên Cây xanh và UBND phường sở tại kiểm tra và có biên bản và ảnh chụp lưu xác định tình trạng cây xanh, đóng dấu của UBND phường sở tại làm cơ sở cấp phép” - văn bản này cho hay.
|
|
Quyết định phê duyệt đề án cải tạo, thay thế cây xanh đô thị hai bên đường Hà Nội giai đoạn 2014-2015 do Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Văn Khôi ký ngày 11-11-2013. Ảnh: HOÀNG VÂN |
Ai đã ký phê duyệt?
Trước câu hỏi “Quy trình lập đề án này, căn cứ để chặt cây là gì? Tại sao chặt số lượng nhiều như vậy?”, Sở Xây dựng TP Hà Nội trả lời: “Việc cải tạo, thay thế cây xanh căn cứ trên cơ sở quy hoạch hệ thống cây xanh, công viên, vườn hoa, hồ trên địa bàn thành phố đến năm 2030, tầm nhìn 2050 đã được HĐND thành phố quyết nghị thông qua, UBND thành phố phê duyệt tại Quyết định 1495/QĐ-UBND ngày 18-3-2014; Kế hoạch đầu tư phát triển hệ thống cây xanh, công viên, vườn hoa, hồ nước thành phố đến năm 2015 số 134/KH-UBND ngày 16-8-2013 và Quyết định số 19/2010/QĐ-UBND ngày 14-5-2010 của UBND thành phố ban hành quy định về quản lý hệ thống cây xanh đô thị, công viên, vườn hoa, vườn thú trên địa bàn thành phố”.
Theo thông tin chúng tôi có được, đề án cải tạo, thay thế cây xanh đô thị hai bên đường Hà Nội giai đoạn 2014-2015 do Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Văn Khôi ký quyết định phê duyệt ngày 11-11-2013.
Theo đó, UBND TP Hà Nội giao Sở Xây dựng phối hợp cùng các sở, ngành liên quan tổ chức triển khai thực hiện đề án này đảm bảo an toàn, chất lượng, độ chính xác về khối lượng và hiệu quả.
Sở Xây dựng thành lập tổ liên ngành. Tham gia tổ liên ngành thành phố khảo sát và thống nhất cây cần chặt hạ, thay thế có Sở Xây dựng, Sở Quy hoạch và Kiến trúc, Sở NN&PTNT, UBND các quận, phường.
Sở Xây dựng phối hợp với Sở Kế hoạch và Đầu tư, Sở Tài chính kiểm tra, rà soát về hồ sơ dự toán; thống nhất khối lượng, kinh phí thực hiện đề án trình UBND thành phố phê duyệt.
Ai tài trợ trồng cây vàng tâm trên đường Nguyễn Chí Thanh? Liên quan đến loại cây trồng mới trên phố Nguyễn Chí Thanh, theo thông tin chúng tôi có được là do Công an TP Hà Nội và Ngân hàng Việt Nam Thịnh Vượng (VPBank) tài trợ. Cụ thể, vào ngày 14-2-2015, Công an TP Hà Nội đã có văn bản gửi UBND TP Hà Nội đề nghị cùng VPBank được cải tạo, di chuyển toàn bộ số cây xanh hai bên đường Nguyễn Chí Thanh để trồng thay thế bằng cây vàng tâm. Thời gian trồng vào đầu năm Ất Mùi, bắt đầu từ ngày 15-1 âm lịch, hoàn thành trong 40 ngày và sẽ bàn giao cho thành phố sau khi chăm sóc cây sống. Sau đó, ngày 3-3-2015, Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Quốc Hùng đã có văn bản chấp thuận về chủ trương đề nghị của Công an TP Hà Nội. Đồng thời yêu cầu Công an TP cùng với VPBank phối hợp với Sở Xây dựng, Công ty TNHH MTV Cây xanh Hà Nội thực hiện việc thay thế cây xanh trên tuyến đường Nguyễn Chí Thanh bằng cây vàng tâm đồng nhất toàn tuyến đảm bảo tiêu chuẩn kích cỡ theo quy định, hình dáng đẹp, kinh phí thực hiện theo phương thức xã hội hóa, không sử dụng vốn ngân sách, bàn giao lại cho thành phố quản lý sau khi hoàn thành trồng và chăm sóc bảo đảm theo yêu cầu. Về loại cây vàng tâm, trước các ý kiến chuyên gia cho rằng một số cây trồng trên phố Nguyễn Chí Thanh là cây gỗ mỡ, không phải cây vàng tâm, trả lời trên TTO (ngày 25-3) , ông Trần Tuấn Việt - Giám đốc Trung tâm Truyền thông và tiếp thị Ngân hàng VPBank khẳng định ngân hàng chỉ là nhà tài trợ chứ không biết gì về việc trồng cây. Trong khi đó ông Đỗ Ngọc Hoàng, Tổng Giám đốc Công ty TNHH một thành viên Công viên Cây xanh Hà Nội, cho hay công ty chỉ được giao nhiệm vụ chặt hạ và di chuyển cây xanh trên tuyến phố Nguyễn Chí Thanh, còn lại việc trồng và mua cây là nhà tài trợ làm. Trong văn bản trả lời báo chí ngày 25-3, Sở Xây dựng TP Hà Nội lại khẳng định tuyến đường Nguyễn Chí Thanh được trồng bằng cây vàng tâm, đây là cây có giá trị, nằm trong sách đỏ, cần phải bảo tồn và phát triển. Văn bản này còn mô tả rất chi tiết: Cây cao trung bình 25-30 m, đường kính thân cây 70-80 cm. Vỏ cây có màu xám trắng, thịt vàng nhạt, dày khoảng 1 cm. Cành non, lá non có lông tơ màu nâu. Lá chất da, dày, hình mác bầu dục dài, dày 5-17 cm, rộng 1,5 - 6,5 cm, đầu nhọn, gốc hình nêm, mép lá nguyên, cuống lá 1,4 cm, màu nâu đỏ. Hoa lưỡng tính, mọc đơn độc ở đầu cành. Cuống hoa dài 1-2 cm, bao hoa màu trắng. Trên thực tế cây vàng tâm đã được trồng xanh tươi ở một vài nơi trên đường phố Hà Nội. |