Báo điện tử Dân Việt nhận được phản ánh về việc cán bộ Thanh tra Chính phủ sắp nghỉ hưu vẫn được đơn vị này cử đi nước ngoài để thăm, làm việc và trao đổi kinh nghiệm. Các quyết định cử cán bộ có thông báo nghỉ hưu đi nước ngoài do Phó Tổng Thanh tra Chính phủ Nguyễn Văn Thanh kí.
Cụ thể, theo hồ sơ mà PV tiếp cận được, ngày 6.6.2018, Tổng thanh tra Lê Minh Khái ký thông báo cho Phó Chánh Văn phòng Thanh tra Chính phủ Lê Khả Thanh nghỉ hưu từ ngày 1.10.2018
Trước khi nghỉ hưu hai tháng, ngày 6.8.2018, Phó Tổng thanh tra Nguyễn Văn Thanh ký quyết định cử ông Lê Khả Thanh đi thăm và làm việc tại Nhật Bản 8 ngày.
Ngày 14.9.2018, ông Khái ký thông báo cho ông Vũ Huy Tác - Cục phó Cục III nghỉ hưu từ ngày 1.3.2019. Ngày 31.8 ông Nguyễn Văn Thanh ký quyết định cử ông Tác đi Hàn Quốc học tập kinh nghiệm chống tham nhũng từ ngày 11-15.9.2018.
Ngày 13.9.2018, ông Khái ký thông báo cho Cục trưởng Cục Phòng chống tham nhũng Phạm Trọng Đạt nghỉ hưu từ ngày 1.12.2018. Trước khi nghỉ hưu, ngày 7.9.2018 ông Đạt được cử đi Đan Mạch để tham dự hội nghị chống tham nhũng từ ngày 20 – 26.10.2018.
Ngày 13.9.2018, ông Khái ký thông báo cho Thanh tra viên cao cấp Nguyễn Thanh Hải nghỉ hưu từ ngày 1.12.2018, cùng ngày này, ông Thanh ký quyết định cử ông Hải đi thăm và làm việc tại Liên bang Nga 9 ngày.
Trong hồ sơ mà chúng tôi tiếp cận được, đa số các chuyến đi trên kinh phí như tiền bảo hiểm, tiền ăn, ở, vé máy bay, phương tiện đi lại… đều do Thanh tra Chính phủ chi trả bằng tiền ngân sách.
Liên quan đến vấn đề này, trao đổi với PV Dân Việt, ông Lê Hồng Lĩnh - Vụ trưởng Vụ Kế hoạch, Tài chính và Tổng hợp kiêm người phát ngôn Thanh tra Chính phủ cho biết, sẽ kiểm tra lại thông tin, khi có kết quả sẽ phản hồi lại cho Báo điện tử Dân Việt.
Ở một diễn biến liên quan, 7.2018, Thanh tra Chính phủ hoàn thiện kết luận thanh tra việc cử đoàn đi nước ngoài giai đoạn 2012 - 2016 của 4 bộ ngành, 6 địa phương và đã trình cấp có thẩm quyền xem xét.
Theo kết luận, trong giai đoạn 2012-2016 (thời gian tương đương một nhiệm kỳ), các Bộ Tài chính, Công Thương, Ngân hàng Nhà nước đã ban hành 20 kế hoạch tổ chức đoàn đi nước ngoài. Sáu tỉnh là Vĩnh Phúc, Hòa Bình, Thanh Hóa, Đắk Lắk, Đồng Nai và Tiền Giang ban hành 22 kế hoạch tổ chức đoàn đi nước ngoài.
Các đơn vị này đã cử trên 17.500 đoàn, gần 53.000 lượt cán bộ với tổng kinh phí trên 1.200 tỷ đồng. Trong đó 4 bộ ngành cử trên 14.600 đoàn, gần 42.000 lượt cán bộ và tổng kinh phí trên 1.000 tỷ đồng.
Kết luận nêu rõ, hầu hết các bộ ngành, địa phương đều có lãnh đạo đi nước ngoài quá 2 lần mỗi năm, vẫn có đoàn bố trí hai lãnh đạo chủ chốt của cùng bộ, địa phương đi chung đoàn; có đoàn số lượng trên 10 người đi, thời gian hơn 10 ngày; nhiều lãnh đạo cơ quan tham gia các đoàn do doanh nghiệp mời; nhiều đoàn có thành phần tham gia là người chuẩn bị nghỉ hưu hoặc đã nghỉ hưu (mang tính tri ân).
Theo kết quả thanh tra, các bộ, ngành, địa phương đã tổ chức nhiều đoàn đi nước ngoài không nằm trong chương trình, kế hoạch hoạt động đối ngoại được duyệt; còn nhiều đoàn đi với nội dung đi khảo sát, học tập kinh nghiệm nhưng thực chất là kết hợp đi tham quan, du lịch; nhiều đoàn thuộc ngành y tế, giáo dục đi nước ngoài theo thư mời đài thọ của doanh nghiệp.
Thanh tra Chính phủ đã đề nghị Thủ tướng yêu cầu các bộ ngành, địa phương tổ chức kiểm điểm, có hình thức xử lý tương xứng với vi phạm của tổ chức, cá nhân liên quan.
Trao đổi với PV, luật sư Trương Quốc Hòe (Đoàn luật sư TP Hà Nội) cho biết, pháp luật hiện hành hiện nay không có quy định cấm cán bộ sắp nghỉ hưu đi công tác nước ngoài. Tuy nhiên, phải đặt câu hỏi việc cán bộ sắp nghỉ hưu đi nước ngoài trước nghỉ hưu để đi giao lưu, học học tập kinh nghiệm có cần thiết không, vì Thanh tra Chính phủ là cơ quan chuyên thanh tra những việc này ở các bộ ngành, địa phương. Thực tế cũng đã có nhiều chuyến đi nước ngoài của lãnh đạo sắp nghỉ hưu bị dừng lại.
"Tôi cho rằng việc này là không cần thiết, gây lãng phí ngân sách", luật sư Hòe nhấn mạnh.
Theo Đình Việt (Dân Việt)