Trong trường hợp xe máy lao xuống chân cầu, dù có lỗi một phần của nạn nhân do thiếu quan sát thì thiệt hại xảy ra phải được chủ sở hữu công trình giao thông bồi thường.
Những cái chết đau lòng từ sự bất cẩn
Trong một thời gian ngắn nhưng trên địa bàn Thủ đô Hà Nội liên tiếp xảy ra những vụ tai nạn thương tâm liên quan đến sự “bất cẩn” của đơn vị thi công các công trình giao thông.
Đơn cử là sự việc xảy ra vào 9h30 sáng 6/11/2014, trong lúc thi công cầu đường sắt trên cao tuyến Cát Linh– Hà Đông (tại đoạn đường Trần Phú - Hà Đông đối diện Học viện Y dược học cổ truyền), một khối cốt pha bằng sắt của đội thi công Xí nghiệp cầu 17, Tổng Công ty Công trình Giao thông 1 (Cienco 1) rơi xuống do bị đứt dây cẩu khiến 1 người chết và 3 người khác bị thương.
|
Hiện trường vụ nam thanh niên lao xe máy xuống chân cầu tử vong.
|
Tiếp đó, chiều tối 10/5/2015, tại dự án đường sắt trên cao, tuyến Nhổn - ga Hà Nội (gần số nhà 256, đường Hồ Tùng Mậu, quận Nam Từ Liêm), thanh sắt lớn dài hơn 10 m từ công trường đường sắt trên cao Hà Nội đã bất ngờ rơi xuống đường, cắt ngang mặt 2 người đang đi xe máy. Chỉ có “phép màu” mới giúp người đi đường thoát khỏi lưỡi hái tử thần trong ganh tấc.
Mới đây nhất, sáng 8/10, người dân phát hiện một thi thể nằm cạnh xe máy ngay dưới đoạn đang thi công dang dở. Địa điểm xảy ra tai nạn nằm đối diện Đội CSGT số 3 (Công an Hà Nội), cách ngã tư Cầu Giấy chừng 300 mét. Nạn nhân được xác định là Nguyễn Văn Nam (28 tuổi, quê quán tỉnh Hà Nam).
Trước thời điểm xảy ra vụ việc đau lòng kể trên, nạn nhân Nam di chuyển bằng xe máy theo hướng Bưởi - Cầu Giấy. Nạn nhân đã đi vào phần đường vành đai 2 trên cao đang thi công. Nhiều khả năng, do công trình đường vành đai 2 trên cao đang thi công dở và dừng lại tại nút giao thông Láng - Cầu Giấy, nạn nhân Nam đã không để ý nên đã lao xe máy xuống đất, dẫn tới tử vong.
Sau những tai nạn thương tâm ấy, dư luận có quyền đặt dấu hỏi về trách nhiệm và biện pháp bảo đảm an toàn cho người đi đường của nhà thầu, của đơn vị thi công?
Dù có lỗi của nạn nhân thì vẫn phải bồi thường
|
Luật sư Lê Cao, Đoàn luật sư TP Đà Nẵng. |
Trao đổi với PV về các vấn đề pháp lý liên quan đến vụ việc, luật sư Lê Cao, Công ty Luật hợp danh FDVN (Đà Nẵng) cho hay: "Trường hợp công trình giao thông đang thi công được xem là nguồn nguy hiểm cao độ, theo Bộ luật dân sự 2005 thì “chủ sở hữu nguồn nguy hiểm cao độ phải tuân thủ các quy định bảo quản, trông giữ, vận chuyển, sử dụng nguồn nguy hiểm cao độ theo đúng các quy định của pháp luật.”. Trong trường hợp này, công trình giao thông đang thi công lại càng phải tuân thủ nghiêm ngặt các quy định về cảnh báo, trông giữ để phòng tránh các thiệt hại nghiêm trọng xảy ra".
Liên quan đến trách nhiệm bồi thường thiệt hại, luật sư Lê Cao phân tích: "Theo Điều 623 Bộ luật dân sự quy định rõ, chỉ trong trường hợp bất khả kháng, tính thế cấp thiết hoặc thiệt hại xảy ra hoàn toàn do lỗi cố ý của người bị thiệt hại thì chủ công trình giao thông mới không phải bồi thường.
Trong các trường hợp khác, dù có lỗi một phần của nạn nhân do thiếu quan sát thì thiệt hại xảy ra phải được chủ sở hữu công trình giao thông bồi thường. Đây là công trình đang thi công, chưa thể hiện rõ việc giao cho chủ thể khác sử dụng hợp pháp, do đó cần xác định rõ đơn vị nào là chủ sở hữu công trình để xác định trách nhiệm bồi thường thiệt hại mặc cho họ có lỗi hay không có lỗi trong việc để xảy ra tai nạn đáng tiếc này".
"Trường hợp chủ sở hữu công trình có các thỏa thuận hợp pháp giao cho người khác sử dụng, quản lý công trình thì người đó phải bồi thường. Ngoài ra, trong các hợp đồng về thi công công trình giao thông cũng có thể có các thỏa thuận về chia sẻ trách nhiệm bồi thường, nghĩa vụ của việc bồi thường, nếu phù hợp với pháp luật thì được dùng làm cơ sở để xác định chính xác chủ thể phải bồi thường thiệt hại", luật sư Cao cho biết thêm.
Về mức bồi thường, các bên có thể thỏa thuận vấn đề bồi thường, nếu có tranh chấp thì cần dựa vào các thiệt hại thực tế và áp dụng các quy định cụ thể của Bộ luật dân sự 2005, Nghị quyết 03/2006/NQ-HĐTP để xác định rõ mức bồi thường cho nạn nhân. Nếu người trách nhiệm không thực hiện việc bồi thường thì có thể khởi kiện để yêu cầu bồi thường theo thủ tục tố tụng dân sự.
Có dấu hiệu vi phạm quy định về an toàn
Trong khi đó, nhìn nhận từ góc độ Luật xây dựng 2014, luật sư Mai Xuân Hương, Đoàn luật sư TP Hà Nội cho rằng: "Nhà thầu thi công xây dựng có trách nhiệm quản lý toàn bộ công trường xây dựng theo quy định của pháp luật, trừ trường hợp chủ đầu tư tổ chức quản lý. Theo Luật xây dựng thì nhà thầu thi công phải có rào ngăn, trạm gác, biển báo dễ nhìn, dễ thấy để bảo đảm ngăn cách giữa phạm vi công trường với bên ngoài xung quang khu vực thi công..."
Như vậy trách nhiệm đặt rào ngăn, trạm gác, biển báo thuộc về nhà thầu thi công. Nhà thầu thi công nếu không thực hiện hoặc thực hiện không đúng quy định sẽ phải chịu trách nhiệm. Trường hợp gây thiệt hại cho tính mạng người khác thì có thể bị truy cứu tranh nhiệm hình sự theo điều 227 Bộ luật hình sự quy định về “vi phạm quy định về an toàn lao động, vệ sinh lao động, về an toàn ở những nơi đông người”.
Cơ quan chức năng có trách nhiệm xác định nguyên nhân dẫn đến tai nạn, thời điểm xảy ra tai nạn có rào ngăn hay không? có dễ nhìn, dễ thấy hay không ? và xác định trách nhiệm của cá nhân, tổ chức có liên quan. Thông tin từ người dân cũng là một nguồn thông tin quan trọng để xác định nguyên dân dẫn đến tai nạn trên một cách khách quan.
"Nhà thầu thi công xây dựng có trách nhiệm quản lý toàn bộ công trường xây dựng theo quy định của pháp luật, trừ trường hợp chủ đầu tư tổ chức quản lý. Nội dung quản lý công trường xây dựng bao gồm: a) Xung quanh khu vực công trường xây dựng phải có rào ngăn, trạm gác, biển báo dễ nhìn, dễ thấy để bảo đảm ngăn cách giữa phạm vi công trường với bên ngoài; b) Việc bố trí công trường trong phạm vi thi công của công trình phải phù hợp với bản vẽ thiết kế tổng mặt bằng thi công được duyệt và điều kiện cụ thể của địa điểm xây dựng; c) Vật tư, vật liệu, thiết bị chờ lắp đặt phải được sắp xếp gọn gàng theo thiết kế tổng mặt bằng thi công; d) Trong phạm vi công trường xây dựng phải có các biển báo chỉ dẫn về sơ đồ tổng mặt bằng công trình, an toàn, phòng, chống cháy, nổ và các biển báo cần thiết khác". (Theo khoản 2, điều 109 luật xây dựng 2014) Cần phải xác minh làm rõ nguyên nhân "Vụ việc cần được xác minh làm rõ nguyên nhân dẫn đến cái chết của nạn nhân trong vụ tai nạn này và cần làm rõ việc nhà thầu thi công có thực hiện đúng, đủ các biện pháp đảm bảo an toàn khi thi công hay không. Việc xác minh có ý nghĩa hết sức quan trọng khi giải quyết vụ việc tai nạn giao thông, nếu có dấu hiệu của tội phạm cần xem xét chuyển hồ sơ cho Cơ quan cảnh sát điều tra tiến hành khởi tố, điều tra vụ án. Nếu nhà thầu thi công không có biện pháp đảm bảo an toàn khi thi công, vi phạm quy định về việc “Thi công công trình trên đường bộ đang khai thác” để xảy ra tai nạn giao thông dẫn đến chết người có thể xem xét trách nhiệm theo quy định của pháp luật: Theo đó, Nhà thầu thi công sẽ bị xem xét xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ theo quy định tại khoản 3, Điều 13 Nghị định 171/2013/NĐ-CP ngày 13/11/2013. Ngoài ra, người đứng đầu đơn vị thi công hoặc người được giao nhiệm vụ thực hiện các biện pháp bảo đảm an toàn giao thông mà không thực hiện đúng, đủ các biện pháp đảm bảo an toàn giao thông thì có thể bị xem xét TNHS theo quy định tại Điều 203 Bộ luật hình sự" Luật sư Nguyễn Đắc Thực, Công ty luật TNHH Minh Thư |
>> Thanh niên tử vong khi lao lên cầu vượt: Nhà thầu khẳng định đặt biển báo đầy đủ
>> Thanh niên tử vong ở cầu vượt Cầu Giấy: "Phóng nhanh quá nên không kịp phản ứng..."
>> Hà Nội: Lao lên cầu vượt đang thi công, nam thanh niên rơi xuống đất tử vong
Theo Băng Tâm - Nguyễn Hằng (Nguoiduatin.vn)