Bệnh nhân 28 tuổi, quê Lạc Sơn, Hoà Bình. Sau vụ tai nạn hôm 21/10, anh này bị thân cây nhọn dài khoảng 80cm (người đi rừng thường chặt vát ngọn cây cho thông thoáng để lấy lối đi) đâm xuyên qua người, từ mạn sườn trái đi qua ổ bụng và xuyên sang mạn sườn phải.
Ngoài ra, do rơi vào đống đá cuội lổn nhổn với lực mạnh nên khuỷu tay trái nạn nhân bị gãy lòi xương ra ngoài.
Những người đi rừng đã kéo người thanh niên này ra khỏi thân cây nhọn, chuyển xuống núi và đưa lên ôtô đi 70km về Bệnh viện Đa khoa tỉnh Hòa Bình.
Tại bệnh viện, nạn nhân được xác định bị đứt, rách nhiều đoạn ruột non, gây thoát dịch trong ruột ra ổ bụng, đứt lìa 2 đoạn tá tràng D2 và D4, rách mạch mạc treo tràng, rách nhiều khối cơ bụng và cơ lưng, gãy 4 xương sườn, khớp khuỷu và xương cẳng tay bên trái.
Bệnh nhân rơi vào tình trạng sốc do mất máu, đau, mất dịch, suy hô hấp, nhiễm trùng do có nhiều vết thương hở, suy đa tạng, tiên lượng sống rất mong manh.
Bác sĩ Hoàng Công Tình - người tham gia cấp cứu cho nạn nhân - cho hay ngay khi bệnh nhân nhập viện, các bác sĩ đã hội chẩn liên khoa để tìm phương án tốt nhất. "Dù cơ hội thành công là không cao" - BS Tình nhớ lại.
Các bác sĩ đã vừa hồi sức, vừa phẫu thuật, xử trí các vết thương, nhiều kíp bác sĩ nối tiếp nhau. Ngoài kíp cấp cứu, thì kíp gây mê phải đảm bảo cơ số máu, dịch truyền, giảm đau, hồi sức trong suốt quá trình phẫu thuật. Kíp phẫu thuật tiến hành mở ổ bụng cầm máu vết thương mạc treo tràng; cắt lọc, nối từng đoạn ruột non; cắt lọc, nối 2 đoạn tá tràng bị đứt rời; lấy các dị vật, lau rửa, đặt xông dẫn lưu ổ bụng; tạo hình, tái thông đường tiêu hoá; mở đường ăn tạm thời qua thành bụng.
Một kíp khác xử trí vết thương gẫy hở phức tạp khuỷu và cánh tay trái, cỗ định các xương sườn bị gẫy. Kíp hồi sức tích cực nhanh chóng chuẩn bị máy thở, máy lọc máu liên tục, các chế phẩm của máu, các dung dịch nuôi dưỡng, thuốc và vật tư thiết yếu để hồi sức toàn diện cho bệnh nhân.
"Những ngày tiếp theo là khoảng thời gian vô cùng khó khăn với thầy thuốc và người nhà bệnh nhân" - BS Tình nói.
Đó là khi bệnh nhân rơi vào trạng thái sốc nhiễm trùng, nhiễm độc, suy chức năng đa cơ quan phải dùng nhiều thuốc co mạch liều cao để nâng huyết áp; phải lọc máu liên tục để hỗ trợ các tạng suy; phải nuôi ăn hoàn toàn qua đường truyền tĩnh mạch do cơ quan tiêu hoá bị tổn thương và mới được phẫu thuật; phải hỗ trợ bằng máy thở nhân tạo khi bệnh nhân bị đau do vết mổ và do bị gẫy 4 xương sườn.
Sau 2 tuần điều trị tích cực, với sức chịu đựng, theo bác sĩ Tình, là phi thường của người bệnh, đến hôm nay bệnh nhân đã tự ăn uống được trở lại.
"Ca bệnh này là kết hợp của 3 yếu tố: thầy thuốc xử trí tốt, hoàn hảo, bệnh nhân có sức chịu đựng phi thường và thần may mắn khả năng là có thật trên đời này" - BS Tình chia sẻ.
Theo Võ Thu (Giadinh.net.vn)