Ngày 8/3, Bộ Quốc phòng tổ chức Lễ công bố quyết định thành lập Văn phòng Cơ quan Thường trực Ban chỉ đạo quốc gia khắc phục hậu quả bom mìn và chất độc hóa học sau chiến tranh ở Việt Nam (gọi tắt là Văn phòng 701). Tham dự buổi lễ đại diện các tổ chức quốc tế gồm cơ quan Phát triển Quốc tế Hoa Kỳ (USAID), Cơ quan Hợp tác quốc tế Hàn Quốc (KOICA), Chương trình Phát triển Liên Hợp quốc (UNDP) tại Việt Nam.
Cảm ơn Chính phủ Mỹ, Nhật Bản, Hàn Quốc và các tổ chức quốc tế đã phối hợp chặt chẽ với Việt Nam thực hiện các hoạt động khắc phục hậu quả bom mìn, chất độc hóa học, Thượng tướng Nguyễn Chí Vịnh, Thứ trưởng Bộ Quốc phòng nhấn mạnh công việc này vẫn còn nhiều việc phải làm, cần sự giúp đỡ về nguồn lực của Chính phủ các nước và các tổ chức quốc tế.
Thượng tướng yêu cầu Văn phòng 701 chủ động phối hợp với cơ quan chức năng và các tổ chức quốc tế thực hiện kế hoạch công tác phù hợp với tình hình thực tiễn. Bên cạnh đó, Văn phòng phải phối hợp tổ chức thực hiện dự án xử lý khắc phục hậu quả bom mìn và chất độc hóa học như: Công bố kết thúc dự án xử lý dioxin tại sân bay Đà Nẵng, khởi công Dự án tẩy độc tại sân bay Biên Hòa, khởi công các dự án về khắc phục hậu quả bom mìn, thúc đẩy việc thực hiện chính sách với nạn nhân chất độc da cam/dioxin…
Văn phòng 701 được thành lập theo Quyết định số 701, ngày 24/5/2017 của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc về việc kiện toàn Ban chỉ đạo Quốc gia khắc phục hậu quả bom mìn và chất độc hóa học sau chiến tranh ở Việt Nam. Trưởng cơ quan này là Thượng tướng Nguyễn Chí Vịnh, Thứ trưởng Bộ Quốc phòng.
Nhiệm vụ chính của Văn phòng 701 là tham mưu xây dựng, tổ chức thực hiện các chương trình hành động, kế hoạch công tác của Cơ quan Thường trực Ban Chỉ đạo; tuyên truyền, hợp tác, vận động tài trợ trong nước và quốc tế; kiểm tra, đánh giá kết quả thực hiện...
Việt Nam được coi là một trong số những nước có tình trạng ô nhiễm bôm, mìn, vật nổ sau chiến tranh nặng nề nhất thế giới. Hàng chục triệu tấn bom, đạn được sử dụng trong các cuộc chiến tranh và xung đột biên giới kéo dài từ những năm 1946 đến 1989 đã để lại trong lòng đất một khối lượng bom, mìn vật nổ khổng lồ.
Ước tính có tới 800.000 tấn bom, mìn còn sót lại nằm rải rác trên cả nước, ảnh hưởng đến 6,6 triệu ha đất đai, chiếm 20% diện tích cả nước. Để làm sạch bom, mìn, vật nổ sau chiến tranh, Việt Nam cần kinh phí hơn 10 tỷ USD. Và với tốc độ rà phá như hiện nay, khoảng 300 năm nữa Việt Nam mới loại bỏ được hết các loại bom, mìn chưa nổ.
Theo Hoàng Thùy (VnExpress.net)