Video: Tuyến buýt sông dài hơn 10 km đi vào hoạt động
Ngày 11/1, ông Trần Chí Trung, Giám đốc Trung tâm quản lý và điều hành vận tải hành khách công cộng TP.HCM, cho biết UBND TP.HCM vừa quyết định thành lập Trung tâm Quản lý giao thông công cộng.
Theo ông Trung, Trung tâm này được tổ chức lại dựa trên cơ sở, nhân sự, phòng ban của Trung tâm Quản lý và điều hành vận tải hành khách công cộng TP.HCM, với nhiệm vụ quản lý, tham mưu cho Sở GTVT TP.HCM về tất cả các lĩnh vực giao thông công cộng, như xe buýt, tàu điện, tàu thủy, metro...
Cũng theo ông Trung, Trung tâm Quản lý giao thông công cộng TP có nhiệm vụ xây dựng các kế hoạch, đề án, đề tài phát triển vận tải hành khách công cộng hàng năm, 5 năm và dài hạn trên địa bàn TP.HCM và vận tải hành khách công cộng đến các tỉnh liền kề.
Trong đó bao gồm chiến lược quy hoạch, chương trình phát triển tích hợp (phát triển, điều chỉnh mạng lưới, kết cấu hạ tầng và ứng dụng công nghệ tiên tiến), tiêu chí kỹ thuật, đơn giá, định mức, quy chế, cơ chế quản lý, chính sách phát triển.
Hiện TP.HCM có các loại hình vận tải công cộng như xe buýt, tàu buýt sông, xe điện. Sắp tới, các hệ thống metro cũng được đưa vào hoạt động, phục vụ nhu cầu đi lại của người dân.
Phát biểu tại hội nghị triển khai công tác An toàn giao thông năm 2018, Chủ tịch UBND TP.HCM Nguyễn Thành Phong nhấn mạnh trong năm 2018, TP cần phát triển hệ thống giao thông công cộng, làm được vậy mới hạn chế được phương tiện giao thông, giảm ùn tắc…
Còn vấn đề cấm xe cá nhân không nên quản lý không được thì cấm. Chỉ khi "bó tay" mới sử dụng biện pháp cấm, hạn chế tối đa việc cấm trong quản lý.
Sắp tới TP.HCM đầu tư thêm 6 chiếc tàu buýt đường sông, thêm tuyến các xe điện đưa đón người dân kết nối các trạm, ga vận tải công cộng. Một nhà đầu tư Hàn Quốc cũng đề xuất cung ứng 1.000 xe đạp điện để giúp người dân đi lại, tiếp cận dễ dàng vận tải công cộng.
Theo Phước Tuần (Tri Thức Trực Tuyến)