* Việc sử dụng hóa chất của Formosa vẫn chưa đạt yêu cầu
Theo bà Nga, trong các tháng 5, 6.2016, ghi nhận nhiều mẫu không đạt, tất cả đều đã được thông báo đến Bộ TN-MT, Bộ NN-PTNT để làm cơ sở cho việc phân luồng khai thác, kế hoạch quan trắc môi trường nước. Các xét nghiệm mẫu cá xác định mức độ ô nhiễm vi sinh đặc biệt chú trọng nồng độ kim loại nặng như: chì, cadimi, phenol…
Tuy nhiên, số mẫu cá được xét nghiệm không đạt đã giảm trong 2 tháng gần đây. Cụ thể: tháng 7 ghi nhận 7/27 mẫu không đạt (25%), trong 2 tuần đầu tháng 8 còn 1/18 mẫu được xét nghiệm mẫu không đạt (là mẫu lấy tại cảng cá ở Hà Tĩnh). “Vừa qua, sau khi Bộ TN-MT công bố những địa điểm có thể nuôi được cá lồng bè trở lại, đó cũng là khu vực đã có thể ăn cá trở lại nhưng Bộ Y tế vẫn tiếp tục giám sát để đảm bảo có được kết quả chính xác”, theo bà Nga.
Ông Nguyễn Thanh Phong, Cục trưởng Cục ATTP, cho rằng: “Văn hoa không qua được sự thật”, sự việc này liên quan trực tiếp đến sức khỏe người dân nên hiện chưa thể khẳng định tất cả mẫu cá an toàn, đã “ăn được”, vì chỉ còn 1/2 mẫu bị ô nhiễm, chưa đạt yêu cầu thì cũng vẫn còn nguy cơ cho sức khỏe. Bộ Y tế vẫn tiếp tục lấy mẫu xét nghiệm trong tháng này, và dự kiến hết tháng 8, sang tháng 9 mới có thể công bố các mẫu cá an toàn hay không.
Mọi việc phải được thông tin chính xác nhất vì thực phẩm ô nhiễm vi sinh, đặc biệt là ô nhiễm kim loại cao vượt ngưỡng an toàn có nguy cơ lớn cho sức khỏe người dân. Để chính thức công bố, Bộ Y tế đã thành lập hội đồng khoa học để các nhà khoa học cùng xem xét, thống nhất ý kiến trên cơ sở kết quả đã xét nghiệm để đưa ra kết luận, công bố chính thức “cá ăn được”.
Về việc mỗi lúc một kết quả, hồi tháng 4 - 5 Cục ATTP từng cho biết kết quả kiểm tra một số mẫu cá an toàn, bà Nga cho rằng, mỗi lô mỗi kết quả khác nhau là bình thường, Bộ TN-MT cũng công bố có chuyện đào thải tự nhiên, từ đó cũng giảm chất độc trong cá.
Trong một diễn biến khác, ngày 23.8, lãnh đạo tỉnh Hà Tĩnh đã làm việc với Formosa Hà Tĩnh về công tác bảo vệ môi trường. Theo báo cáo của Formosa, qua kiểm tra, Bộ TN-MT phát hiện 58 hạng mục bảo vệ môi trường của Formosa có thiếu sót. Hiện doanh nghiệp này đã hoàn thành 32 hạng mục, dự kiến đến cuối tháng 12.2016 sẽ hoàn thành tiếp 22 hạng mục; đến cuối 2017 hoàn thiện 2 mục kết nối giám sát ống khói; tháng 6.2018 hoàn thành 2 hạng mục lắp đặt thêm bể xử lý sự cố nước thải của xưởng xử lý nước thải. Formosa cam kết sẽ lắp đặt thêm thiết bị quan trắc tự động chất lượng nước, 3 hạng mục cải thiện đối với xưởng xử lý nước thải...
Hiện công ty đang lên phương án thay đổi công nghệ từ dập cốc ướt sang dập cốc khô và đã được Bộ TN-MT chấp thuận với thời gian hoàn thiện là 3 năm, dự kiến tháng 3.2019, hệ thống này mới đi vào hoạt động.
Tại buổi làm việc, ông Phan Lam Sơn, Phó giám đốc Sở TN-MT Hà Tĩnh, Tổ trưởng Tổ giám sát môi trường Formosa, cho rằng qua kiểm tra nước thải, khí thải, chất thải rắn và việc sử dụng hóa chất của Formosa vẫn còn một số nội dung chưa đạt yêu cầu.
Ông Lê Đình Sơn, Bí thư Tỉnh ủy Hà Tĩnh yêu cầu Formosa phải thực hiện nghiêm túc cam kết bảo vệ môi trường, hoàn thiện công nghệ, hệ thống xả thải và không được để tái diễn sự cố như thời gian qua. Ông Sơn cũng yêu cầu Formosa phải khẩn trương xử lý công nghệ luyện cốc từ ướt sang khô, điều chỉnh đường ống xả thải phải kịp thời; báo cáo hằng ngày cho Ban Quản lý khu kinh tế và UBND tỉnh về hoạt động của nhà máy, nhất là việc xả thải.
Theo Liên Châu - N.Dũng - K.Hoan (Thanh Niên Online)