au cuộc ngã giá của PV với “tú ông” điều hành đường dây “trai bao” đồng tính, PV đã đặt lịch hẹn “tâm sự” với một “trai bao” theo như lời giới thiệu là “hàng” vip của đường dây này.
Đến ngày hẹn, PV có mặt tại quán cà phê trên địa bàn quận Cầu Giấy (Hà Nội) để chờ “hàng”. 15 phút sau, số điện thoại lạ gọi tới với giọng nam giới nhưng khá nhẹ nhàng và có phần ẻo lả: “em đang qua nè anh, anh ra đón em nha”.
Theo đó, PV không khỏi bất ngờ trước một nam thanh niên còn rất trẻ, dáng người mảnh khảnh cùng khuôn mặt khá ưa nhìn. Lấy lý do là người có sở thích được tâm sự trước khi “nhập cuộc”, PV đã ngồi trò chuyện cùng thanh niên này.
Clip: Đoạn trao đổi ngắn của PV và nam "trai bao" tên T.. |
Theo lời giới thiệu, nam “trai bao” tên là T. sinh năm 1999 và quê ở một tỉnh miền Tây. T. tâm sự, mình là người đồng tính, năm 16 tuổi T. phát hiện ra mình thuộc “thế giới thứ 3” và được bố mẹ chấp nhận. Một năm trước T. bắt đầu ra Hà Nội để học nghề làm tóc. Cùng lúc đó, T. tham gia hành nghề “trai bao” phục vụ người đồng tính.
“Em mới hành nghề được gần một năm thôi, mới đầu còn ngại, nhưng giờ thì quen rồi, làm riết cũng quen. Bọn em thuê một căn nhà sau đó mấy người như em ở chung với nhau, quản lý cũng ở cùng luôn. Nhóm của bọn em chủ yếu là người miền Nam, miền Bắc cũng có nhưng ít”, T. tâm sự.
Thấy T. có vẻ mở lòng, PV đặt câu hỏi hiện nam thanh niên này đang ở đâu nhưng ngay lập tức, “chàng trai” hơi chau mày tỏ ý không thích và nói sang chuyện khác. PV tiếp tục thắc mắc rằng nhìn ở ngoài T. có vẻ thấp hơn trong ảnh thì T. giải thích rằng vì làm nghề này nên khi chụp ảnh “chào hàng” phải đẹp, long lanh mới có nhiều người lựa chọn. Với điệu bộ yểu điệu, T. tiếp tục tiết lộ: “Hầu như người nào làm nghề này cũng phải thế, ảnh phải chỉnh sửa để bắt mắt hơn ngoài đời thực, lúc đó mới có nhiều khách”.
T. cho biết, số tiền đi khách sẽ ăn chia theo quy định của quản lý. Thông thường quản lý sẽ trực tiếp điều “hàng” và ăn chia theo tỉ lệ 70-30. Nghĩa là với một “cuốc tàu nhanh” thuộc loại vip như T. là 1 triệu đồng thì T. được nhận 700 nghìn đồng, còn phải nộp lại cho quản lý là 300 nghìn đồng.
“Những khách ở gần thì chi phí đi lại thấp nên bọn em còn được chút ít, nếu khách ở xa thì cũng không được bao nhiêu vì tiền taxi đi lại cũng khá tốn kém. May hôm nay em đến gặp anh cũng gần”, T. cười và nói.
Khi PV tò mò hỏi T. làm nghề này có bị chủ quản lý chặt chẽ không thì được T. tiết lộ: “Bên em chỉ cho khách đi “tàu nhanh” với qua đêm thôi, còn dịch vụ đi du lịch xa thì hạn chế lắm. Nhưng bọn em vẫn được đi khách ngoài, không nhất thiết phải do quản lý điều hành. Ví dụ như anh có số điện thoại của em rồi, nếu lần sau muốn thì gọi trực tiếp cho em. Như vậy không phải qua quản lý và em sẽ đỡ được nhiều chi phí hơn”.
T. nói thêm, nếu như đi khách riêng thì vẫn phải báo cáo với quản lý nhưng tiền ăn chia sẽ thay đổi theo tỷ lệ 80-20. Việc ăn chia này là quy định chung cho tất cả các đường dây trên cả nước.
Một lần nữa PV gặng hỏi quản lý của T. tên gì và hiện tại đang sinh sống ở đâu, T. chỉ cười và trả lời một cách chung chung: “Ở gần đây thôi anh ạ”. Sau một hồi trò chuyện, T. tỏ ra sốt ruột và giục PV đi “hành sự” nếu không sẽ hết giờ quy định và còn đi một “cuốc” khác nữa.
Lấy lý do có việc bận đột xuất nên PV hẹn khi khác sẽ gọi lại cho T., lập tức khuôn mặt, thái độ của T. bỗng nhiên trùng xuống. T. liền lấy điện thoại và thông báo cho quản lý biết. Ngay sau đó, một số điện thoại lạ gọi tới cho PV. Qua điện thoại, giọng người đàn ông đầu dây có vẻ còn trẻ tuổi tự xưng là quản lý của T. trách móc PV tại sao gọi “hàng” tới rồi lại hủy và người này yêu cầu trả tiền bo để T. đi taxi về.
Sau cuộc nói chuyện, T. ra về và không quên dặn PV: “Nếu hôm sau anh có nhu cầu thì cứ gọi thẳng cho em nhé”.
Theo Linh-Chang (Nguoiduatin.vn)