Thâm nhập đường dây mang thai hộ: Vào 'lò' nuôi bà bầu

19/04/2019 09:03:26

Ngoài tuyển người sang Trung Quốc mang thai hộ (MTH), nhiều “cò mồi” còn tuyển người MTH sang Campuchia cấy phôi, trở về dưỡng thai ở Việt Nam. Những “lò” nuôi bà bầu vẫn hoạt động nhộn nhịp ở Hà Nội.

Mịt mù ngày về

Trong đội quân môi giới hoạt động nhộn nhịp trên mạng xã hội vẫn truyền tai nhau về việc lừa đảo, không trả tiền người MTH. Sau nhiều cách tìm hiểu, chúng tôi thuyết phục được chị K (xin giấu tên) - một người sang Trung Quốc MTH và bị lừa kể về hoàn cảnh của mình.

Thâm nhập đường dây mang thai hộ: Vào 'lò' nuôi bà bầu
Ngôi nhà nằm sâu trong ngõ tại khu Mỹ Đình - nơi môi giới nuôi bà bầu chờ sinh

Theo lời chị K, năm 2017 do hoàn cảnh khó khăn, chị được môi giới thuyết phục đi Quảng Châu MTH với lời hứa sẽ trả 250 triệu đồng. Sau khi đặt phôi thành công, chị nhận được 10 triệu đồng và gửi về Việt Nam cho người nhà. Nhưng những lần sau đó, chị không nhận được tiền công mà hứa hẹn đến khi gần sinh con sẽ được trả đủ.

“Khi mang bầu được 8 tháng, tôi hỏi tiền môi giới để gửi về Việt Nam cho người nhà trang trải nợ nần. Nhưng lúc này môi giới bên Trung Quốc trở mặt. Họ nói: Nếu tôi ngoan chờ đến ngày sinh sẽ được trả đủ tiền, còn cứ đòi tiền thêm, sẽ báo công an Trung Quốc bắt giam vào tù”, chị K kể lại.

Tiếp tục chờ đợi, khi mẹ tròn con vuông, giao con cho gia đình thuê MTH, môi giới cho chị K 20 triệu đồng tiền bồi dưỡng và đi xe trở về Việt Nam.

“Tôi không nhận tiền mà làm ầm lên do môi giới lừa đảo, nhưng chúng nó dọa, nếu không im mồm, sẽ bán tôi vào các nhà chứa làm gái mại dâm, hoặc bán về vùng nông thôn làm vợ”, giọng chị K uất ức nhớ lại.

Dù bị lừa đảo, nhưng những người phụ nữ MTH bị lừa như chị K không biết bấu víu vào đâu, bởi đi MTH không cam kết, chỉ tin theo lời quảng cáo trên mạng xã hội. Chị cũng không dám lên tiếng cảnh báo cho những phụ nữ có ý định MTH vì sợ người thân, bạn bè biết được.

Mua bán trẻ sơ sinh trá hình

Với từ khoá cho và nhận con nuôi trên mạng xã hội, hàng loạt nhóm cho và nhận con nuôi hiện lên. Chúng tôi lập tài khoản facebook và tham gia nhóm Hội những người cho và nhận con nuôi trên mạng xã hội facebook với gần 10.000 thành viên tham gia. Các topic trong nhóm xoay quanh câu chuyện những người phụ nữ nhỡ mang thai, không có khả năng nuôi con và người hiếm muộn muốn tìm nhận con nuôi. Mỗi ngày, có cả chục trường hợp bà bầu muốn cho con đăng trên nhóm.

Sau một thời gian tìm hiểu, PV đã liên hệ với phụ nữ tên Hạnh, với tài khoản facebook tên “Tôm Tôm”. Người phụ nữ này vừa đăng tải thông tin cho và nhận con và nói thẳng: “Tôi làm dịch vụ, phải mất phí, tôi có nuôi bà bầu tại nhà”.

Thâm nhập đường dây mang thai hộ: Vào 'lò' nuôi bà bầu - 1
Những phụ nữ mang thai hộ trong lò nuôi bà bầu ở Hà Nội

Nhiều topic được chị Hạnh tuyển bà bầu ngày 10/8/2018 như: “Bên mình có gia đình cần nhận bé gái dự sinh khoảng tháng 8, tháng 9 dương lịch. Bạn nào có hoàn cảnh khó khăn cơ nhỡ inbox mình, thiện chí cho qua nhà mình ở. Mình lo ăn ở đến khi sinh để thuận tiện cho việc thăm khám sức khoẻ mẹ, còn bé sinh ra khỏe mạnh các mẹ nuôi đỡ vất. Làm việc nghiêm túc, nhí nhố tránh xa nhé, mình là dịch vụ ở tại Hà Nội”.

Topic tuyển người nhận con đăng ngày 13/8/2018, chị Hạnh viết: “Mình có mẹ bầu mang thai hiện tại được 26 tuần bé trai. Gia đình hiếm muộn nào muốn nhận inbox mình, hiện tại mình đang nuôi mẹ bầu tại nhà, cần gia đình nhận bé chắc chắn”.

Trên đây chỉ là một trong rất nhiều cách “săn” bà bầu trên các mạng xã hội của môi giới. Ngoài chị Hạnh, có rất nhiều người môi giới chờ sẵn trên các trang mạng để tìm bà bầu. Trong quá trình ăn ở nhà chị Hạnh, tôi chứng kiến chị đưa bà bầu đi siêu âm, kiểm tra định kỳ. Các hình ảnh siêu âm, ảnh bà bầu sinh hoạt được đưa lên trang cá nhân trên mạng xã hội facebook để tạo sự tin tưởng.

Đại tá Ninh Văn Bình, Đồn trưởng biên phòng Bảo Lâm (Cao Lộc, Lạng Sơn) cho biết, vẫn tồn tại một số đường dây nhỏ lẻ, đưa người vượt biên trái phép sang Trung Quốc. Trong quá trình tuần tra, lực lượng biên phòng phát hiện đối tượng định vượt biên, lập biên bản phạt hành chính từ 5-7 triệu đồng/người. Nhưng đa số người vượt biên đều không có tiền, nên gần như khó phạt, đồn biên phòng gửi thông báo về địa phương nơi cư trú.

“Nhiều người nhẹ dạ cả tin bị xúi giục sang Trung Quốc mang thai hộ với số tiền công vài trăm triệu nhưng không lường hết được hiểm nguy của hành vi này. Việc mang thai hộ trái phép bên kia biên giới không chỉ không đảm bảo tính mạng mà khi sinh nở xong, chưa chắc được trả tiền. Thậm chí, có trường hợp sinh nở xong còn bị bán làm vợ hoặc bán vào nhà chứa mại dâm”, ông Bình cảnh báo.

Theo ông Bình, với chức năng phụ trách an ninh tại địa bàn Bảo Lâm, đồn biên phòng thường xuyên tuần tra và xử lý nếu phát hiện người xuất cảnh trái phép. Đồng thời tuyên truyền cho người dân về nguy hiểm của hành vi vượt biên, nhất là vượt biên để mang thai hộ.

Một cán bộ thuộc Vụ Pháp chế (Bộ Y tế) cho biết, hình thức mang thai hộ ở Việt Nam thực hiện theo Nghị định 10/2015/NĐ-CP quy định về sinh con bằng kỹ thuật thụ tinh trong ống nghiệm và điều kiện mang thai hộ vì mục đích nhân đạo. Theo đó, trên cả nước, mang thai hộ chỉ được thực hiện ở 4 bệnh viện: Bệnh viện Phụ sản Trung ương (Hà Nội), Bệnh viện Từ Dũ, Bệnh viện Mỹ Đức (thành phố Hồ Chí Minh), Bệnh viện Đa khoa Trung ương Huế. Các đường dây môi giới và đưa phụ nữ ra nước ngoài mang thai hộ chủ yếu hoạt động trái phép, tiềm ẩn nhiều rủi ro cho người tham gia.

Đại diện Vụ Pháp chế đánh giá, đường dây môi giới phụ nữ ở Việt Nam và sang Trung Quốc mang thai hộ sai quy định của pháp luật, tiềm ẩn nhiều rủi ro. Đối với những người mang thai hộ, việc này rủi ro về mặt sức khoẻ rất lớn, thậm chí liên quan đến tính mạng. Việc thực hiện mang thai hộ chỉ nên thực hiện ở các cơ sở được Bộ Y tế cấp phép mới đảm bảo an toàn. Việc sang Trung Quốc mang thai hộ, không có cơ quan nào đảm bảo về chất lượng của các cơ sở y tế thực hiện, rủi ro khi dùng các loại thuốc kích thích để đặt phôi không rõ nguồn gốc. Thậm chí ảnh hưởng tính mạng người mang thai hộ.

“Phụ nữ đừng dại vì chút lợi trước mắt mà quyết định liều lĩnh vượt biên mang thai hộ vì ảnh hưởng đến sức khoẻ, tương lai. Thậm chí, vướng vòng lao lý bởi phạm tội vượt biên, cư trú bất hơp pháp”, đại diện Vụ Pháp chế cho biết.

Theo quy định Điều 151 Bộ luật Hình sự năm 2015 về tội mua bán người dưới 16 tuổi, người chuyển giao hoặc tiếp nhận người dưới 16 tuổi để giao, nhận tiền, tài sản hoặc lợi ích vật chất khác trừ trường hợp vì mục đích nhân đạo; Chuyển giao hoặc tiếp nhận người dưới 16 tuổi để bóc lột tình dục, cưỡng bức lao động, lấy bộ phận cơ thể hoặc vì mục đích vô nhân đạo khác; Tuyển mộ, vận chuyển, chứa chấp người dưới 16 tuổi để thực hiện hành vi quy định trên sẽ bị phạt từ từ 7 - 12 năm.

Theo Ngọc Linh (Tiền Phong)