Nhiều loại “hàng nóng” vẫn được bày bán tràn lan từ trên các trang mạng đến những điểm giao dịch ngoài trời ở một số nơi tại TP.HCM.
Muốn có “hàng nóng” chỉ cần gọi điện
Ngày 16/8, theo hướng dẫn của một người quen chúng tôi truy cập vào trang mạng “muasung***.com” để thử liên hệ mua một số loại công cụ hỗ trợ như: súng điện và dùi cui điện…, theo quan sát của chúng tôi đây là một trang web bán đầy đủ các loại “hàng nóng” từ: súng điện, dùi cui điện, kiềm chích điện cho đến các loại súng có độ sát thương cao như: súng hơi, súng ngắn AIRSOFT, súng hơi Tiệp…, với giá trung bình cho các loại công cụ hỗ trợ từ 2 – 5 triệu đồng và các loại súng AIRSOFT, súng hơi với giá dao động từ 10 - 25 triệu đồng.
|
Một loại súng điện được rao bán trên mạng với giá 2 triệu đồng |
Theo đó cách thức mua bán tất cả các loại mặt hàng trên trang này khá đơn giản, người mua chỉ cần gọi điện vào số điện thoại có trên trang web để đặt hàng. Sau cuộc gọi thống nhất giá cả thì sẽ hẹn địa điểm giao hàng trực tiếp.
Khoảng 10g30 ngày 16/8, phóng viên chúng tôi gọi điện vào số điện thoại 0915xxx026 có ghi trên trang web trên để đặt mua roi điện TW09 được rao bán trên mạng với giá 2 triệu đồng.
Sau một lúc trò chuyện đặt mua, người bán hàng có vẻ e dè thì bên kia điện thoại một người đàn ông cho hay: “Hiện tại chủ trang web này đã bị công an bắt nên không còn bán hàng nữa, chưa biết khi nào sẽ bán lại”.
Tuy nhiên khi chúng tôi đòi cúp máy để liên hệ một trang web khác mua hàng thì người đàn ông trong điện thoại vội giới thiệu cho chúng tôi một người tên Hùng ở số điện thoại 0904xxx444 và nói: “Muốn mua hàng cứ liên hệ số điện thoại đó, giá cả đúng như trên mạng rao bán…”.
|
Súng ngắn được rao bán tràn lan trên một trang mạng |
Tiếp đó chúng tôi gọi vào số điện thoại 0904xxx444 để gặp Hùng như hướng dẫn trước đó. Biết chúng tôi cần mua roi điện TW09 thì Hùng nói: “Cần làm gì mà mua roi điện…, thôi tui biết rồi ông làm “cớm” phải không, tôi nghỉ bán lâu rồi”.
Sau đó Hùng cúp máy như để dò xét. Chúng tôi liên lạc lại với Hùng một lần nữa và cho biết mình muốn mua roi điện để phòng thân do chuẩn bị có một chuyến đi “phượt” dài ngày ở miền Tây thì Hùng có vẻ ậm ừ và cho biết khi có hàng sẽ gọi lại.
Khoảng 14 giờ chiều cùng ngày, Hùng dùng số điện thoại 0169xxxx040 gọi cho chúng tôi và ra hẹn khoảng 1 giờ sau đến khu vực cầu vượt An Sương để nhận hàng.
Theo hẹn chúng tôi đến dưới cầu vượt An Sương đợi khoảng 15 phút thì xuất hiện một thanh niên chạy xe máy biển số kiểm soát tỉnh Bình Dương đến bắt chuyện hỏi: “Có phải muốn mua đồ chơi không?”.
|
Mô hình súng điện, roi diện được ngang nhiên bày bán ngoài đường, khi khách cần xem hàng thì người bán sẽ vào trong lấy hàng thật cho xem |
Thấy chúng tôi gật đầu Hùng đảo mắt quan sát xung quanh rồi gọi điện cho một thanh niên khác tên Bình và cho biết 15 phút nữa sẽ mang hàng đến.
Hỏi về lý do phải giao hàng lôi thôi qua nhiều bước như vậy thì Hùng cho biết: “Tôi có dại đâu mà mang hàng theo người đến giao. Biết đâu mấy ông là công an bắt tôi thì sao, phải đến quan sát trước rủi đâu mấy ông là công an thì bắt tôi cũng chẳng có gì theo người. Nhiều đứa bị rồi mình phải rút kinh nghiệm vậy mới an toàn”.
Chờ đợi chưa đầy 5 phút sau thì một thanh niên khác chạy xe Wave đến có mang theo ba lô phía sau. Lúc này Hùng lấy trong ba lô ra chiếc roi điện TW09 cho chúng tôi xem qua sau đó vội cất vào vì sợ người khác nhìn thấy.
Sau đó Hùng giới thiệu roi điện TW09 là loại rất thông dụng mà nhiều người thường mua đi phượt hay phòng thân. Loại này được kết cấu theo dạng gậy 3 trắc và có thể rút vào kéo ra thành 3 khúc rất tiện lợi. Về ưu điểm nổi bật của sản phẩm này là có điện áp cao có thể làm tê liệt đối phương tại chỗ và trong trường hợp cần thiết có thể sử dụng làm đèn pin.
“Loại này là giá rẻ nhất lại dễ sử dụng nên người ta mua nhiều lắm. May mắn cho các anh là hôm nay còn một chiếc chứ không là phải đợi mấy ngày hàng mới về. Có mua thì mua lẹ để em còn “phánh” không ở đây lôi thôi là công an tóm cổ”, Hùng nói.
Chúng tôi lấy cớ là không mang theo đủ tiền nên phải sang ngân hàng phía trên đoạn đường Trường Chinh rút tiền thì Hùng tỏ vẻ nghi ngờ. Không nói thêm lời nào Hùng và Bình cùng nổ máy xe chạy mất. Chúng tôi liên lạc lại những số điện thoại trên nhiều lần nhưng đều khóa máy.
Theo khảo sát của chúng tôi chỉ cần tìm một cụm từ khóa “roi điện, súng điện” thì ngay lập tức sẽ nhận được hàng chục thậm chí hàng trăm địa chỉ trang web mua bán “hàng nóng” này trên mạng với đủ các loại công cụ hỗ trợ và súng bắn sát thương.
Tuy nhiên do thời gian gần đây lực lượng chức năng mạnh tay với các đối tượng này nên các đối tượng thường rất e dè với các cuộc gọi đặt hàng. Chỉ khi thật chắc chắn các đối tượng mới dám giao dịch, còn đối với khách quen có người giới thiệu thì chỉ cần một cuộc gọi là sẽ có hàng ngay.
|
Sơn đang bấm thử súng điện ngay bên lề đường có nhiều người thấy nhưng hầu như không phản ứng gì |
Chợ trời “vũ khí” đủ loại đồ chơi
Không chỉ được bày bán tràn lan trên mạng, thời gian gần đây tại TP.HCM còn xuất hiện nhiều điểm bán súng điện, roi điện, bình xịt hơi cay ngay tại vỉa hè, lề đường mà giới thông thạo việc mua bán này hay gọi là “chợ trời hàng nóng” hay “chợ trời vũ khí”.
Nói về những chợ trời mua bán “hàng nóng” này, Bảo - một tay anh, chị sống ở khu vực quận 5 giới thiệu với chúng tôi: “Mấy anh muốn mua mấy loại hàng như roi điện, súng điện bây giờ còn dễ hơn mua rau ở ngoài chợ nữa.
Ở các tuyến đường như: Hùng Vương (quận 5), 3 tháng 2 (quận 10), Nguyễn Kiệm (quận Gò Vấp)…, người ta bày bán tràn lan nhưng mà lạ thì hơi khó mua. Dân chơi ở Sài Gòn đến đó mua thường dùng “tiếng lóng” hoặc thuật ngữ truyền tai nhau chứ đến đó hỏi roi điện thì chẳng ai dám bán vì biết đâu gặp hình sự”.
Hướng dẫn cho chúng tôi cách mua “hàng nóng”, Bảo cho biết, khi đến các địa điểm trên người mua chỉ cần hỏi mua “đèn phượt” thì những người bán hàng ở đây sẽ biết là khách đang cần mua roi điện, đèn chích điện, súng điện…
Theo Bảo giải thích thì thông thường những người tìm mua thứ “hàng nóng” này là dân trộm cướp để hộ thân hoặc dân chơi thủ để phòng thân khi gặp đối phương.
Còn có một lượng khách khác hay mua những loại “hàng nóng” này nữa là dân đi “phượt” (du lịch bụi) để phòng thân khi gặp cướp bởi các loại “hàng nóng” này thường có kèm chức năng đèn pin soi đường và có thể phát điện với công suất cao khiến đối phương ngất xỉu tạm thời.
“Mua để đi trộm cướp hoặc đi thanh toán nhau thì chắc chắn không thể đến đó khai ra được rồi, nên cách mua là đến đó hỏi mua đèn để đi “phượt”, như vậy là người ta hiểu. Nhiều người không biết đến đó hỏi trắng ra là mua roi điện thì chẳng ai dám bán bởi dạo này công an họ làm dữ lắm” - Bảo tiết lộ.
Theo hướng dẫn của Bảo chúng tôi tìm đến khu vực đường Hùng Vương (gần chợ An Đông) để hỏi mua hàng.
Tại đây, chúng tôi khảo sát hàng chục điểm bán đồ ngoài trời không có kết quả. Chúng tôi tấp vào một điểm bán đồ cũ ngoài trời của Tiến (khoảng 30 tuổi, quê Tiền Giang).
Tại đây chúng tôi đặt vấn đề mua “đèn phượt” thì Tiến cho hay: “Trước kia ở đây bán nhiều lắm nhưng giờ do công an làm mạnh quá nên giảm đi rất nhiều, còn một số người bán nhưng họ kỹ lắm, chắc anh lạ mặt nên họ không bán đâu. Cái này em cũng chịu không giúp được”.
Nói xong quan sát thấy chúng tôi có vẻ cần hàng gấp Tiến giới thiệu chúng tôi ra đường 3 tháng 2 để mua, Tiến nói: “Ngoài đó bán nhiều lắm, đèn gì cũng có hết. Còn ở đây mua khó lắm…!”.
Không bỏ cuộc, chúng tôi tiếp tục tìm đến những điểm bán đồ cũ ở “chợ trời” đường 3 tháng 2 (gần điểm giao nhau với đường Lê Đại Hành). Tại đây chúng tôi ghé vào điểm bán hàng của Sơn (khoảng 26 tuổi, thanh niên này nói giọng miền Bắc). Trước điểm bán hàng ngay lề đường, Sơn có trưng bày một số đồ cũ, dao ngắn và vài vỏ dụng cụ kích điện.
Khi chúng tôi sờ vào các dụng cụ kích điện trên để điểm tra thì Sơn cho hay: “Cái đó chỉ là vỏ em bán chơi thôi anh, không phải roi điện đâu”.
Chúng tôi làm ra vẻ tiếc vì đang cần mua một đèn pin có thể phóng điện để phòng thân cho chuyến phượt sắp tới, thì Sơn có vẻ ậm ừ, sau đó quan sát thấy chúng tôi có vẻ cần “hàng” thật nên Sơn nói: “Anh muốn mua loại nào, loại gậy, loại đèn pin hay loại giống hộp thuốc”.
Chúng tôi đặt vấn đề mua loại đèn pin vừa có chức năng chiếu sáng, vừa có thể phóng điện được nhưng với điều kiện phải xem hàng trước thì Sơn có vẻ ngập ngừng, sau đó bảo chúng tôi đứng tại vị trí chờ đợi.
Vào khoảng 12 giờ 40 phút ngày 18/8, thấy có vẻ đã an toàn, Sơn chạy đến chiếc xe máy đang dựng ở bên trong sát vách tường của một công ty trên đường 3/2 lấy ra một bọc lớn, sau đó lấy tấm bạc phủ lên xe để che chắn và gọi chúng tôi vào xem “hàng”.
Tại đây Sơn lấy trong túi ra 3 loại dụng cụ phóng điện bao gồm: loại phóng điện đèn pin ngụy trang, dụng cụ phóng điện kết cấu theo dạng cây 3 chất và dạng hộp quẹt. Sơn ra giá: “Loại đèn pin 700 ngàn đồng, còn hai loại kia 800 nghìn đồng. Em còn nhiều loại cao cấp nữa nhưng không mang theo đâu. Muốn mua thì phải đặt hàng”.
Để chúng tôi tin hàng mình bán là chất lượng, Sơn bảo chúng tôi né qua một bên để Sơn thử hàng. Lúc này Sơn lấy một roi điện hình trụ nhỏ ra thử thì lập tức điện phóng ra tạo nên những âm thanh lớn.
Một số bảo vệ và người dân nghe thấy nhưng có vẻ đều “làm lơ” vì dường như họ đã quá quen thuộc với cảnh mua bán này. Theo lời giới thiệu của Sơn thì những mặt hàng này Sơn bán rất chạy do giá thành rẻ nhưng lại có công dụng cao.
Loại roi điện này có thể phóng điện từ 4 – 5 mét, khi đối phương trúng điện lập tức sẽ bị choáng và ngất tại chỗ. Sơn đùa: “Anh không tin để em thử một cái là biết liền, cái này mấy thằng trộm cướp hay dùng lắm bởi nó có thể khống chế và hạ gục đối phương. Nhưng anh mua đi “phượt” chứ đừng nghe em kể mà đi cướp thì to chuyện”.
|
Sơn ngả giá chiếc đèn pin điện giá 700 nghìn đồng với phóng viên
|
Hỏi về nguồn hàng Sơn cho biết: “Cái này hầu hết đều xuất xứ bên Trung Quốc, mỗi tháng hàng về một lần nhưng có khi “đứt hàng” đến mấy tháng lận. Tụi em hầu hết đều có nguồn bên cửa khẩu nhập về nên anh khỏi lo. Anh muốn mua loại nào thì cứ đặt trước bao nhiêu cũng có”.
Sau khi quan sát “lô hàng” của Sơn chúng tôi đặt vấn đề về chất lượng sản phẩm thì Sơn lớn tiếng bảo lãnh: “Cái này em bảo hàng anh 1 tháng sử dụng. Nếu hư thì đến đây đổi cái mới em không lấy thêm tiền đâu. Làm ăn uy tín, mỗi ngày em bán cả chục cây, ngày nào em cũng bán ở đường này chạy đi đâu mà anh lo”.
Sau khi nghe Sơn giới thiệu hàng, chúng tôi có ý muốn mua loại roi điện hình đèn pin ngụy trang (giá 700 nghìn đồng) nhưng ra vẻ không đủ tiền, lúc này Sơn không ngần ngại giảm 150 nghìn đồng. Chúng tôi trả giá xuống còn 400 nghìn đồng nếu được thì ngày mai sẽ đem tiền đến lấy một lần nhiều sản phẩm. Tuy nghe mua số lượng lớn nhưng Sơn tỏ vẻ không đồng ý và cho biết khi nào chịu mua với giá 550 nghìn đồng thì đến lấy.
|
Sơn và một lô “hàng nóng” được cất giấu trong xe máy chờ bán |
Rời điểm bán hàng của Sơn chúng tôi đến 3 điểm bán khác trên đường 3 tháng 2 và một số điểm bán khác ở “chợ trời” Nguyễn Kiệm (đường Nguyễn Kiệm, gần công viên Gia Định) để hỏi mua một số loại “hàng nóng” như súng điện, roi điện, bình xịt hơi cay…, thì hầu hết ở những nơi này đều có bán và phương thức giao dịch cũng khá đơn giản.
Như vậy trước thực trạng một số loại công cụ hỗ trợ đã được pháp luật cấm mua bán, tàng trữ lại được bán tràn lan ở vỉa hè như vậy thì việc những đối tượng tội phạm sử dụng các loại công cụ hỗ trợ này thực hiện vào việc trộm cướp có chiều hướng gia tăng không khó để giải đáp.
Cần ngăn chặn tận gốc
Để làm rõ vấn đề này, chúng tôi đã liên hệ với Phòng Cảnh sát Quản lý hành chính về trật tự xã hội (PC64) - Công an TP.HCM, đơn vị này cho biết hầu hết công cụ hỗ trợ bán trôi nổi trên thị trường hiện nay có xuất xứ từ Trung Quốc, được nhập lậu qua các đường biên giới.
Để ngăn chặn nạn mua bán, tàng trữ, sử dụng trái phép công cụ hỗ trợ, vũ khí thô sơ, tránh gây hậu quả nghiêm trọng, ngoài việc chủ động theo dõi, bắt và xử lý các đối tượng vi phạm, thì ngày từ đầu năm ngoái (đầu năm 2014), Công an TP.HCM đã có văn bản gửi Sở Thông tin Truyền thông TP.HCM tiến hành rà soát, gỡ bỏ các trang web có nội dung quảng cáo, rao bán các loại vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ trái phép.
Yêu cầu các nhà mạng viễn thông di động tại TP.HCM tổ chức rà soát, cắt liên lạc vĩnh viễn các đầu số sim card điện thoại khuyến mãi không đăng ký dùng làm phương tiện rao bán công cụ hỗ trợ.
Sau khi tiếp nhận văn bản đề nghị trên, Sở Thông tin Truyền thông cũng đã có văn bản gửi Trung tâm Internet Việt Nam kiến nghị các nội dung trên. Hiện nay, các đơn vị vẫn đang phối hợp chặt chẽ để theo dõi xử lý. Bên cạnh đó, PC64 cũng đang tổ chức rà soát nắm lại các vị trí, địa điểm lò rèn, hàng dao, rựa để theo dõi, xử lý việc rèn đúc mã tấu và các loại vũ khí thô sơ khác.
Ngoài ra theo công an một số quận trên địa bàn TP.HCM, cho rằng việc xử lý các trường hợp mua bán, tàng trữ, sử dụng trái phép công cụ hỗ trợ, vũ khí thô sơ hiện nay rất khó khăn vì các đối tượng mua bán thường sử dụng các sim khuyến mãi để giao dịch.
Phía công an cho rằng, để ngăn chặn hiệu quả nạn mua bán, tàng trữ, sử dụng trái phép công cụ hỗ trợ, vũ khí thô sơ, cần phải chặn đứng ngay từ đường biên giới. Đối với các trang web quảng cáo, rao bán công cụ hỗ trợ, vũ khí thô sơ, phải xử lý nghiêm.
>> Tràn ngập thuốc kích dục và vũ khí cấm nơi chợ vùng biên
>> Búp bê tình dục đối đáp như người thật sẽ được bán với giá gây "sốc"
Theo Vinh Sơn (Phụ Nữ TPHCM)