Câu chuyện đáng buồn này lại tiếp tục dấy lên hồi chuông báo động về tình trạng người dân chủ quan với việc tiêm phòng dại trên đàn vật nuôi, đặc biệt là tiêm phòng khi bị chó, mèo cắn.
Theo đó, cháu Hoàng Anh Tuấn trú tại xóm Viến Ván, xã Quang Sơn, huyện Đồng Hỷ, Thái Nguyên bị chó của gia đình nuôi cắn vào miệng cách đây khoảng 3 tháng. Đáng chú ý là người thân trong gia đình không hề biết trước đó cháu bé đã bị chó cắn nên đã không cho đi tiêm phòng.
Theo lời kể của gia đình thì cháu hay chơi đùa với chó. Chỉ đến khi có những biểu hiện lâm sàng của bệnh dại gia đình mới đưa cháu đến Trạm y tế xã Quang Sơn Nhưng đến 23h ngày 4/5, cháu Tuấn đã tử vong.
Bà Mông Thị Song, Phó trạm trưởng Trạm y tế xã Quang Sơn cho biết, khi đến trạm cháu bé có những biểu hiện của bệnh dại như lo âu, sợ sệt, sợ nước, sợ gió.
Theo thống kê của Trung tâm kiểm soát bệnh tật tỉnh Thái Nguyên (CDC Thái Nguyên )từ năm 2015 đến nay toàn tỉnh có 18 trường hợp tử vong vì bệnh dại, riêng quý 1 năm 2019 toàn tỉnh có trên 2700 người phải tiêm vắc xin, huyết thanh phòng dại do bị chó nghi dại cắn tăng so với cùng kỳ.
Cũng trong những tháng đầu năm 2019 địa phương này cũng ghi nhận 2 trường tử vong do bệnh dại, và 1 bệnh nhi bị chó lai do nhà nuôi cắn với nhiều thương tích trên người, mặc dù cháu được các bác sĩ nỗ lực cứu chữa nhưng do cháu bị đa chấn thương quá nặng nên đã không qua khỏi.
Theo Bs. Hoàng Anh, Trưởng khoa phòng chống bệnh truyền nhiễm CDC Thái Nguyên, ngay sau khi bị chó mèo nghi dại cắn lập tức chúng ta phải giữ vết thương, rửa ngay tại nhà nơi mà bị chó, mèo cắn.
Rửa vết thương dưới vòi nước chảy và rửa bằng xà phòng liên tục trong khoảng 15phút, không nặn bóp vết thương cho máu chảy ra. Đặc biệt là không băng kín vết thương.chúng ta nên đến ngay cơ sở y tế để được khám, tư vấn trong trường hợp cần thiết sẽ được tiêm vắc xin hoặc huyết thanh.
"Một lần nữa tôi xin khẳng định những điều tuyệt đối không làm đó là thuốc Nam, sát lá, không được sử dụng xăng, dầu hỏa bôi lên vết thương, không thử chữa dại bằng đông y, thuốc nam. Chỉ có cách duy nhất là tiêm vắc xin hoặc huyết thanh phòng bệnh", BS Hoàng Anh khẳng định.
Trong tháng 4, cả nước ghi nhận nhiều ca chó cắn phát dại và tử vong, cụ thể: Ngày 26/4, Trung tâm y tế dự phòng tỉnh Đăk Lăk xác nhận cháu Y Minh Hiệu Niê, 14 tuổi, huyện M’Đrăk tử vong do chó cắn. Cũng trong hoàn cảnh tương tự, cháu Y Minh bị chó nhà hàng xóm cắn vào chân nhưng cháu cũng không báo cho gia đình để đưa đi tiêm phòng.
Con chó cắn Y Minh chết sau đó không lâu. Vài ngày sau khi con chó chết bé trai xuất hiện những triệu chứng mệt mỏi, đau khắp người, sợ nước, sợ gió nên được đưa vào Bệnh viện huyện M’Đrăk cấp cứu. Sau đó được chuyển lên bệnh viện Đa khoa vùng Tây Nguyên. Bác sĩ chẩn đoán bé mắc bệnh dại, suy hô hấp tuần hoàn. Gia đình xin đưa nạn nhân về nhà.
Tiếp đó vào ngày 9/4, bé trai 11 tuổi tử vong tại Bệnh viện đa khoa tỉnh Sơn La. Ba tháng trước đó, bé đang chơi ở nhà bác họ thì bị chó cắn nhiều nhát, thương tích nặng.
Chiều 3/4, bé trai 7 tuổi đang về nhà trọ ở thị trấn Lương Bằng huyện Kim Động (Hưng Yên) thì bị đàn chó chục con lao vào cắn. Bé nhập viện trong tình trạng ngưng tim, mất nhiều máu và tử vong sau đó con trai ở tỉnh Hoà Bình tử vong do mắc bệnh dại sau hai tháng bị chó nhà nuôi cắn.
Nguyên nhân của những sự việc đau lòng trên đều bắt nguồn từ việc người dân không nhận thức được hết mức độ nguy hiểm của bệnh dại, không thông báo cho cơ quan y tế và gia đình, không đi tiêm phòng dại hoặc tự ý chữa dại bằng thuốc nam.
Theo H.Nguyên (Sức Khỏe & Đời Sống)