Do dễ dàng kiếm tiền nên không khó hiểu khi trên nền tảng Tiktok hiện nay xuất hiện nhan nhản những trận thách đấu (PK) có nội dung phản cảm để thu hút sự hiếu kỳ của một bộ phận công chúng.
Từ 19 giờ hằng ngày là khoảng thời gian liên tục có những phiên phát sóng trực tiếp trên TikTok. Người chơi sẽ “giao kèo” với nhau về thử thách trước khi bắt đầu. Mỗi “kèo” kéo dài 5 phút, người nào thu hút lượt người xem, tương tác và tặng quà cao hơn sẽ chiến thắng.
Trong thách đấu trực tuyến, thử thách càng độc lạ càng thu hút nhiều người xem. Vì vậy, hàng loạt chiêu trò thách đấu phản cảm như khoe ngực, trét phân vào mặt,... Thậm chí, nhiều bạn trẻ ra sức “thể hiện” bằng hình thức rap battle (hay còn được gọi là rap chiến). Đây là thể loại mà người tham gia dùng ngôn từ công kích, xúc phạm đối phương, thậm chí chửi rủa nhau bằng những từ tục tĩu.
Chị Trúc Quỳnh (ngụ quận 2), một khán giả thường xuyên theo dõi các trận thách đấu trên TikTok cho biết mỗi ngày chị gặp phải trên 5 livestream thách đấu của những người trẻ.
"Họ sẵn sàng làm theo yêu cầu miễn là có quà dù cho yêu cầu đó có kỳ quặc hay phản cảm. Mạng xã hội dù là thế giới ảo nhưng rất nhiều người dùng, nếu không có quy tắc áp dụng sẽ gây ảnh hưởng tiêu cực” - chị Quỳnh nhận định.
Trao đổi với phóng viên Báo Người Lao Động, luật sư Nguyễn Văn Việt (Trưởng phòng tranh tụng, Đoàn Luật sư TP Hà Nội) cho rằng dù việc người xem donate (ủng hộ) cho người chơi thách đấu là hoàn toàn tự nguyện. Nhưng trong số đó chắc chắn có nhiều trẻ vị thành niên. Có khả năng những đứa trẻ chưa nhận thức được sự nguy hại của những kèo thách đấu này, thậm chí còn yêu thích, tôn sùng, dẫn đến các hệ lụy như trộm cắp, lừa đảo để có tiền donate cho “thần tượng”.
"Điều đáng lo là những cuộc thách đấu phản cảm đó kích động những góc tối trong tâm hồn của người xem, thật nguy hiểm bởi trong đó có rất nhiều trẻ vị thành niên, dẫn tới những hệ lụy xấu cho cả xã hội” - luật sư Việt lo ngại.
Không gian mạng ngày càng mở, là nơi để chia sẻ, học hỏi những thông tin bổ ích. Tuy nhiên chính vì những cuộc thách đấu có nội dung không lành mạnh đó đã làm vấy bẩn môi trường văn hóa trên không gian mạng, dẫn lối cho hành vi lệch chuẩn văn hóa.
Luật sư Trương Văn Tuấn (Văn phòng Luật sư Trạng Sài Gòn) nhận định việc thực hiện những hành động vượt quá giới hạn nhằm khuyến khích, thu hút người xem dù là vô tình hay cố ý đều đáng bị lên án do vi phạm nghiêm trọng đến nguyên tắc đạo đức, trái với thuần phong mỹ tục, tạo điều kiện cho những hành vi lệch chuẩn văn hóa làm độc hại môi trường mạng xã hội và len lỏi vào xã hội.
"Những hành vi kể trên nếu không được điều chỉnh, xử lý kịp thời sẽ làm lệch chuẩn xã hội, nhất là giới trẻ, ảnh hưởng xấu đến nhận thức về các chuẩn mực đạo đức, văn hóa và pháp luật của người dân" - luật sư Tuấn nói.
Cũng theo luật sư Tuấn, pháp luật hiện hành đã có quy định cụ thể về những hành vi gây phản cảm.
Cụ thể, Nghị định 14/2022/NĐ-CP có quy định về trách nhiệm sử dụng dịch vụ mạng xã hội. Theo đó, các tiktoker có những hành vi kể trên có thể bị xử phạt số tiền lên đến 20 triệu đồng.
"Ngoài ra, tùy theo mức độ vi phạm, người thực hiện những hành vi kể trên có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội “truyền bá văn hoá phẩm đồi truỵ” theo Điều 326 Bộ luật hình sự năm 2015, sửa đổi năm 2017" - luật sư Tuấn nói thêm.
Theo thống kê vào tháng 1-2023 của We Are Social, tính đến đầu năm 2023, Việt Nam có 77.93 triệu người sử dụng Internet, tương đương 79.1% so với tổng dân số. Trong đó, 5 nền tảng mạng xã hội được sử dụng nhiều nhất Việt Nam gồm: Facebook (91.6%), Zalo (90.1%), TikTok (77.5%), Facebook Messenger (77%) và Instagram (55.4%). Người dùng tại Việt Nam dành khoảng 6 giờ 23 phút để lướt Internet mỗi ngày, trong đó 55.4% thời gian sử dụng Internet thông qua các thiết bị di động.
Theo Kim Ngân (Nld.com.vn)