"Tết này, hai mẹ con về quê, tôi ở lại chỉ có một mình", anh Mai Anh Tuấn tâm sự.
Anh Tuấn 43 tuổi, chạy thận 23 năm tại Bệnh viện Bạch Mai, Hà Nội. Cả nhà anh cũng về Hà Nội thuê nhà sống và kiếm việc làm, thuận tiện để anh chạy thận hàng tuần.
Đây là năm thứ 4 anh Tuấn ăn tết một mình ở thủ đô. Ngoài công việc của mình, anh còn thường xuyên thăm hỏi, giúp đỡ bệnh nhân nên được mọi người gọi là xóm trưởng xóm chạy thận.
Hàng tuần, anh chạy thận 3 lần vào thứ 2, thứ 4 và thứ 6. Mỗi lần chạy gần 4 tiếng. Lâu dần thành quen, cứ chạy thận xong là anh có thể đi tiếp tục công việc của mình.
Anh cho biết trước đây bệnh viện Bạch Mai không chạy thận những ngày Tết. Bệnh nhân sẽ chạy thận vào chiều 30 sau đó về quê đến mùng 3, mùng 4 Tết mới quay lại. Song, gần đây, lịch bệnh viện chạy thận đều hơn. Mọi người duy trì chạy thận đều 3 buổi trên tuần là 2, 4, 6 hoặc 3, 5, 7 để duy trì sự sống. Anh cho rằng chạy thận ngày Tết là cách bảo vệ an toàn cho bệnh nhân. "Nghỉ Tết dài, ăn uống không hợp lý có thể đe dọa đến tính mạng người bệnh", anh nói.
Hiện, xóm chạy thận có 129 người. Hầu hết bệnh nhân đến từ khắp các tỉnh thành phía bắc, có người đã ngoài 80 tuổi. Họ làm đủ thứ nghề từ đánh giày, rửa bát thuê, xe ôm, bốc vác, bán trà đá... để có thêm tiền trang trải chi phí hàng ngày.
"Mải mê mưu sinh, hầu như chẳng ai nghĩ nhiều về Tết", anh Tuấn chia sẻ.
Bà Vi Thị Lành, 62 tuổi, Bắc Giang bẩm sinh bị thành mạch yếu. Bà phải phẫu thuật ghép thành mạch từ chân lên cánh tay phải, rồi đến cánh tay trái. Hai cánh tay vì cắm quá nhiều kim truyền nên bị vỡ nát. Mỗi lần bà đi chạy thận về, thành mạch đều căng phồng, nổi màu xanh tím. Tuổi cao, bệnh nặng, bà phải luôn ở gần viện phòng trường hợp nguy cấp.
Bà Lành kể, năm 2015 khi bà đang chạy thận ca cuối cùng vào ngày 29 đến 1h sáng 30 Tết thì nhận được tin con bị tai nạn giao thông trên đường lên thăm mẹ. Tai nạn khiến con gái mất sức lao động, bà một mình bươn chải và mưu sinh để chữa bệnh. Khi ngày tết cận kề, nỗi mất mát trong bà lại càng lớn. "Tết hay không thì cũng chỉ còn một mình tôi đối mặt với cơm áo gạo tiền, với nỗi lo bạo bệnh", bà tâm sự.
Ở dãy nhà đối diện, chị Lê Thị Ninh 45 tuổi và anh Dương Đình Nguyên, 46 tuổi góp gạo thổi cơm chung từ ngày về ở xóm chạy thận. Hàng tháng, chị chi trả vài triệu đến chục triệu tiền thuốc, tiền nhà trọ. 13 năm chạy thận, đây là năm thứ 2 chị ăn tết xa nhà. Ngoài chạy thận, chị Ninh điều trị tại khoa thần kinh nên chẳng còn thời gian để nghĩ về Tết.
Ở căn phòng khác rộng khoảng 10 m2, chị Nguyễn Thị Tuyết 27 tuổi, Bắc Giang, đang sửa soạn sau khi đi bán nước về. Phòng chị Tuyết nằm ngay đầu xóm trọ, ẩm thấp, lụp xụp. Phát hiện suy thận từ năm 2016, chị lên Hà Nội chữa bệnh vì ở Bắc Giang chưa có máy chạy thận.
Thời gian đầu, chị tranh thủ chạy thận xong thì về với con, với chồng. Từ ngày bệnh trở nặng, chị hạn chế đi lại. Đây là năm đầu tiên chị ăn Tết ở Hà Nội. Nỗi thiếu hụt tình cảm, vật chất khiến chị chẳng còn tâm trí để nghĩ về ngày Tết.
"Chúng tôi chẳng mong sẽ khỏi bệnh bởi bệnh nó theo cả đời", chị Tuyết nói. "Tôi chỉ mong sức khỏe ổn định đã là may mắn rồi".
Mỗi người một hoàn cảnh, một xuất thân nhưng những người dân trong xóm chạy thận sống với nhau như những con người ruột thịt, sẻ chia từng miếng cơm, tấm áo. Họ bao bọc và động viên nhau trong quãng thời gian khó khăn của cuộc đời.
Bởi vậy, cứ đến đêm 30, anh Tuấn thường động viên mọi người tập trung ở đầu xóm để trò chuyện đến tận giao thừa.
"Tết không có gì ngoài câu chúc sức khỏe", anh Tuấn nói. Mọi người động viên nhau nỗ lực, kiên cường để sống chung với căn bệnh hiểm nghèo.
Theo Thùy An (VnExpress.net)