Techcombank khẳng định lập "tổ đặc nhiệm" là đúng luật (!?)

09/04/2016 07:31:00

Sau khi có bài phản ánh về việc “Tổ đặc nhiệm của Techcombank phá nhà dân”, ngân hàng này đã có phản hồi tới Dân Việt cho rằng các biện pháp thu hồi tài sản được triển khai cùng lực lượng bảo vệ của ngân hàng không trái với quy định pháp luật hiện hành.

Sau khi có bài phản ánh về việc “Tổ đặc nhiệm của Techcombank phá nhà dân”, ngân hàng này đã có phản hồi tới Dân Việt cho rằng các biện pháp thu hồi tài sản được triển khai cùng lực lượng bảo vệ của ngân hàng không trái với quy định pháp luật hiện hành.

“Techcombank không có hành vi nào vi phạm pháp luật, cũng như bạo động trong quá trình thu giữ. Trong khi đó, chính khách hàng đã có hành vi thóa mạ, chửi bới, đe dọa nhân viên ngân hàng, cố tính hô hoán, tranh thủ sự đồng tình của quần chúng, gây ảnh hưởng tới quá trình thu giữ tài sản của ngân hàng”, đại diện Techcombank cho biết.

Trước đó, khoảng 10h30 sáng ngày 6.4.2016, một số nhân viên ngân hàng Techcombank đã dẫn theo một nhóm người với trang phục gần giống như lực lượng cảnh sát cơ động, trang bị đầy đủ dùi cui, xịt cay, xà beng đến nhà ông Đặng Thế Minh tại 756 Quang Trung (phường Phú La, Hà Đông, Hà Nội).

Nhóm người với trang phục gần giống như lực lượng cảnh sát cơ động do Techcombank điều động đến nhà ông Minh. Ảnh: Pháp luật Việt Nam

Nguyên nhân của sự việc này là vào ngày 1.12.2010 vợ chồng ông Minh ký kết với Techcombank Hợp đồng tín dụng số 10789/HĐTD/TH-TN/TCB-SGO. Số tiền vay theo Hợp đồng là 20 tỷ đồng; thời hạn vay 250 tháng kể từ ngày giải ngân vốn vay lần đầu; lãi suất 17,5%/năm áp dụng cho đến ngày 31.3.2011.

Tuy nhiên, trong quá trình thực hiện hợp đồng, hai bên đã xảy ra tranh chấp. Sau đó, phía Techcombank đã khởi kiện anh Minh tại Tòa án nhân dân quận Hà Đông. Khi vụ việc tranh chấp đang được tòa án thụ lý thì xảy ra sự việc trên.

Lý giải về hành động của mình, Techcombank cho biết ông Minh và bà Thủy có ký kết 2 hợp đồng tín dụng với Techcombank và đảm bảo bằng 2 tài sản. Hiện tại, khoản nợ đã quá hạn gần 1.000 ngày. Khi khách hàng không đảm bảo nghĩa vụ thanh toán nợ gốc và lãi của mình, ngân hàng đã tích cực nhắc nợ, thông báo yêu cầu trả nợ, nhưng khách hàng vẫn chây ì không thực hiện nghĩa vụ trả nợ của mình.

Để đảm bảo quyền và lợi ích hợp pháp của mình, ngày 25.07.2013, Techcombank đã khởi kiện ông Minh và  bà Thủy và các bên có quyền lợi và nghĩa vụ liên quan tại Tòa án quận Hà Đông để yêu cầu thực hiện nghĩa vụ cam kết. Sau đó, Techcombank đã rút một phần yêu cầu khởi kiện đối với tài sản bảo đảm của ông Minh và bà Thủy tại quận Quang Trung, Hà Đông, Hà Nội.

Ngày 26.09.2015, Tòa án nhân dận quận Hà Đông đã chấp thuận yêu cầu của Techcombank, và gửi thông báo cho Techcombank, cũng như các bên liên quan, trong đó có ông Minh, bà Thủy cùng luật sự của ông bà. Các bên liên quan đã lập biên bản, ký đồng thuận với nội dung này.  Do đó, Techcombank cho rằng hoàn toàn có quyền thực hiện thu giữ tài sản đảm bảo của khách hàng tại Quang Trung, Hà Đông, Hà Nội.

Xung quanh ý kiến cho rằng việc Techcombank triển khai lực lượng bảo vệ  với trang phục và công cụ hỗ trợ khi giải quyết sự việc với khách hàng, ngân hàng này cho rằng: “Trang phục của đội bảo vệ Techcombank không trái với quy định pháp luật hiện hành, cũng như trang bị công cụ của bảo vệ đều được cấp phép của cơ quan chức năng. Trong quá trình thực hiện hoạt động thu giữ tài sản, nhân viên Techcombank không có bất cứ hành vi bạo lực nào”.

Techcombank còn cho biết thêm khách hàng Đặng Thế Minh là một trong nhiều trường hợp khách hàng mà Techcombank cũng như các tổ chức tín dụng khác phải đối mặt khi tiến hành xử lý tài sản đảm bảo.

“Khách hàng không những cố tình tránh né, không thực hiện nghĩa vụ trả nợ, làm ảnh hưởng tới hoạt động tín dụng lành mạnh của hệ thống ngân hàng, mà còn có nhiều hành vi cố tình bôi nhọ, gây ảnh hưởng tới uy tín, hình ảnh của ngân hàng. Đây thực sự là khó khăn của các ngân hàng khi tiến hành xử lý nợ xấu, cần được sự thấu hiểu, thông cảm và hỗ trợ từ các cơ quan chức năng, từ cơ quan truyền thông, góp phần thúc đẩy quá trình xử lý nợ xấu của toàn ngành ngân hàng”, đại diện Techcombank cho biết.

Tuy nhiên, giám đốc chi nhánh một ngân hàng cổ phần tại Hà Nội, cho biết Techcombank làm như vậy là sai.

“Khi phát sinh kiện cáo ra tòa thì hai bên phải chờ quyết định chính thức của tòa (có thể là ký biên bản hòa giải thành hay chờ kết quả xét xử của tòa). Mọi tranh chấp mang tính cưỡng chế đều vi phạm pháp luật nếu không được sự đồng ý của chủ sở hữu tài sản. Do đó hành động của Techcombank mang người đến cưỡng chế, phá khóa cửa, là sai pháp luật. Nếu gây thiệt hại nặng còn có thể bị truy cứu hình sự”, vị này cho biết.
 
>> "Tổ đặc nhiệm" ngân hàng Techcombank phá nhà dân?

Theo Trần Giang (Dân Việt)

Nổi bật