Chiều 4/11, Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn Đăk Lăk, sau khi bão số 12 quét qua, tỉnh có 1.000 ngôi nhà bị sập và tốc mái, 2.000 dân bị cô lập hoàn toàn, hàng nghìn ha cây trồng các loại bị ngập lụt, gãy đổ.
Tại huyện M'Đrăk, gần 600 ngôi nhà bị tốc mái, 3 người bị thương do cây đổ và gần 5.000 ha cây trồng bị thiệt hại. Nhiều tuyến đường ở huyện này bị tê liệt do ngập lụt.
Khoảng 2.000 người tại thôn 7 và thôn 9 xã Cư Kroá bị cô lập hoàn toàn, 100 hộ dân tại buôn Luếch (xã Krông Jin) buộc phải di dời.
Tại huyện Krông Bông, gió lốc đã làm hàng chục ngôi nhà bị sập hoàn toàn, gần 400 căn nhà và các công trình công cộng bị tốc mái, hàng trăm ha cà phê, tiêu của người dân bị hư hỏng. Đã có một người thiệt mạng và hai người bị thương do bão.
Tại Gia Lai, ông Nguyễn Văn Lương (Chi cục trưởng Chi cục thủy lợi - Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn) dự báo trong đêm nay, mực nước các sông sẽ tiếp tục dâng cao, có thể gây lũ do nước từ thường nguồn đổ về cộng dồn với mưa.
Mực nước trên các sông, suối khu vực phía Đông và Đông Nam tỉnh sẽ xuất hiện lũ với biên độ 1-3 m.
Nhiều huyện phía Đông của tỉnh như K'bang, An Khê, Kông Chro, Ayun Pa, Krông Pa chịu ảnh hưởng nặng nề do bão. Hàng trăm nhà dân bị tốc mái, hơn 600 ha cây hoa màu hư hại và nhiều đàn gia súc phải di dời.
Tại Kon Tum, mưa kèm gió lốc nhiều nhà dân ở hai huyện Đăk Glei, Kon Plông và một trường THCS ở xã Hiếu (huyện Kon Plông) bị tốc mái. Các tuyến đường lớn đi qua tỉnh như Hồ Chí Minh (qua xã Đăk Man, huyện Đăk Glei), Đông Trường Sơn, Quốc lộ 24 bị sạt lở nhiều đoạn.
Lâm Đồng có 3 người chết, hàng trăm căn nhà tốc mái
Ban chỉ huy Phòng chống lụt bão và tìm kiếm cứu nạn tỉnh Lâm Đồng cho biết 3 người đã thiệt mạng do cơn bão số 12. Hàng trăm căn nhà bị tốc mái và sập, một cây cầu dân sinh bị nước lũ cuốn trôi. Huyện Lạc Dương và TP Đà Lạt là những khu vực chịu thiệt hại nặng nề nhất.
Ở xã Đạ Chais, huyện Lạc Dương, nước lũ tràn về bất ngờ sáng nay đã cuốn trôi ngôi nhà tại thôn Long Lanh khiến bà Nguyễn Thị Tân (61 tuổi) và Nguyễn Thị Xoan (52 tuổi) tử vong tại chỗ, một người đàn ông may mắn thoát chết nhờ trèo lên ngọn cây. Huyện có ít nhất 90 ha nhà kính bị ngập sâu, nhiều nơi mất trắng.
Tại TP Đà Lạt, anh Lê Trung Minh Quý (34 tuổi) đi vớt cá tại vị trí đập tràn hồ Tuyền Lâm không may trượt chân, bị nước cuốn trôi qua tràn dẫn đến tử vong, thi thể nạn nhân được tìm ở cuối đập tràn.
Tại huyện Đam Rông, hơn 100 ha lúa, ngô, cà phê bị ngập, nhiều dự án nuôi cá nước lạnh bị trôi hoàn toàn, hàng chục ngôi nhà bị sập và tốc mái.
6h ngày 4/11, bão đổ bộ Phú Yên - Khánh Hòa, mạnh cấp 12 (135 km/h). 13h, bão tiến sâu vào Nam Tây Nguyên, giảm còn cấp 9 (90 km/h) và 15h cùng ngày thì suy yếu thành áp thấp nhiệt đới khi ở biên giới Việt Nam - Campuchia, sức gió giảm còn 60 km/h (cấp 7).
Trong 9 tiếng hoành hành, bão đã gây gió mạnh, mưa to suốt từ Thừa Thiên Huế tới Bình Thuận và các tỉnh Tây Nguyên. 20 người tử vong, 17 thuyền viên mất tích, hơn 500 nhà bị sập.
Dự báo trong 6-12 giờ tới, các tỉnh từ Quảng Trị đến Bình Định và Tây Nguyên tiếp tục có mưa to, nguy cơ ngập úng ở vùng trũng thấp và sạt lở đất ở vùng núi là rất cao.
Theo Gia Uy (Khánh Hương (VnExpress.net)