Lời kêu gọi của Bộ trưởng Đinh La Thăng về việc tẩy chay các doanh nghiệp vận tải chây ì giảm giá cước khiến người dân thấy hả lòng hả dạ nhưng để thực hiện dịp Tết này, e không dễ!
Mạnh tay với nhà xe
Kết quả kiểm tra giá cước vận tải tại TP HCM, Hà Nội, Cần Thơ, Đà Nẵng của đoàn công tác liên Bộ Tài chính - Giao thông Vận tải (GTVT) mới công bố cho thấy vẫn còn khá nhiều DN chưa thực hiện nghiêm túc kê khai, kê khai lại giá hoặc chậm kê khai giảm giá cước phù hợp với biến động giá nhiên liệu.
Thậm chí, tại Bến xe Giáp Bát, một số tuyến vận tải cố định (Hà Nội - TP HCM và Thanh Hóa - Hà Nội), nhà xe đề nghị phụ thu tăng giá cước trong dịp Tết với mức 20%-60% trong khoảng 20 ngày. Tương tự, tuyến vận tải cố định TP HCM - Hà Nội và tuyến Quảng Ngãi - Hà Nội ở Bến xe Nước Ngầm cũng đề nghị phụ thu tăng giá cước dịp Tết 40%-60%.
Hành khách chen chúc xếp hàng mua vé xe Tết tại Bến xe Miền Đông (TP HCM)Ảnh: HOÀNG TRIỀU |
Giá xăng dầu giảm nhiều nhưng một số DN vẫn “trơ gan” khiến Bộ trưởng Bộ GTVT Đinh La Thăng cũng cảm thấy nóng ruột. Ông đã phải đích thân đi kiểm tra và lên tiếng: “Cần thiết chúng ta vận động một cuộc tẩy chay những xe không giảm giá cước. Giá xăng giảm rất nhiều và một số DN cố tình chây ì không chịu giảm giá thì chúng ta phải có giải pháp”.
Ông Nguyễn Văn Thanh, Chủ tịch Hiệp hội Vận tải ô tô Việt Nam, cho biết đã từng vận động người tiêu dùng tẩy chay các DN vận tải cố tình chây ì, không chịu giảm giá cước. “Tuy nhiên, chúng ta vận động thì cứ vận động, còn tẩy chay hay không là quyền quyết định của người tiêu dùng” - ông Thanh nói.
Với góc nhìn của hành khách đi xe, anh Nguyễn Tiến Long (quận 12, TP HCM) ủng hộ lời kêu gọi của Bộ trưởng Đinh La Thăng bởi đó là cách người tiêu dùng tự bảo vệ quyền lợi của mình. Nói cách khác, khi DN bắt tay nhau không giảm giá cước thì buộc người tiêu dùng phải dùng sức mạnh số đông để gây sức ép với DN. Điều này diễn ra thường xuyên tại các nước trên thế giới và sau mỗi cuộc kêu gọi, hiệu quả thấy rõ là các DN phải giảm giá.
Ông Lê Hoàng Minh, Phó Giám đốc Sở GTVT TP HCM, cho rằng các bến xe phải công bố danh sách và mức giá cước của từng DN, tên những DN không giảm giá cước để hành khách lựa chọn sòng phẳng. Đây là cách tốt nhất để người tiêu dùng lựa chọn và DN nào không được khách hàng ủng hộ phải xem lại mình.
Người dân không có nhiều lựa chọn
Dù ủng hộ việc tẩy chay các DN vận tải chây ì giảm giá vé nhưng nhiều người cho rằng việc này khó khả thi vì dịp Tết, hành khách không có nhiều sự lựa chọn.
Theo ông Nguyễn Văn Thanh, hoạt động vận tải là do thị trường quyết định, trong khi thị trường vận tải của nước ta còn “cọc cạch”. Trong hoạt động vận tải, không phải cứ giá rẻ là thu hút được khách hàng. “Có những hãng xe bán vé giá cao nhưng vẫn thu hút được nhiều khách vì dịch vụ tiện ích của họ tốt, còn nhiều “ông” hạ giá vẫn không có khách đi” - ông Thanh dẫn chứng.
Ông Nguyễn Tất Thành, Giám đốc Bến xe Giáp Bát, nhận định người tiêu dùng không dễ tẩy chay DN chây ì giảm giá cước vì họ không có nhiều lựa chọn. Thực tế cho thấy tuyến cố định từ Hà Nội về một tỉnh chỉ có 3 DN vận tải. Nếu cả 3 DN này đều không giảm giá cước, người tiêu dùng cũng đâu thể lựa chọn xe khác để đi, lấy đâu ra xe để tăng cường, thay thế!
TS Phạm Sanh - chuyên gia giao thông: Phải sòng phẳng với khách hàng Lời kêu gọi của Bộ trưởng Đinh La Thăng thể hiện sự nhiệt tình của người làm giao thông nhưng áp vào thực tế thì khó khả thi. Tôi đi xe đò ít nhất 8 chuyến/tháng và thấy giá cả giữa các hãng chênh lệch không cao, từ 5.000-20.000 đồng/vé. Tùy chất lượng xe, chất lượng dịch vụ mà mỗi hãng có mức giá khác nhau. Thực tế người tiêu dùng cần là chất lượng dịch vụ và tính kịp thời, nếu phải thêm vài chục ngàn đồng để được phục vụ tốt thì nhiều khách vẫn chọn dù hãng xe đó nằm trong danh sách không giảm giá cước. Tuy nhiên, tất cả người tiêu dùng đều mong muốn DN sòng phẳng với khách hàng. Việc giảm giá là thể hiện sự tri ân với khách hàng đã ủng hộ DN. Đại diện hãng xe Bình Tâm (DN không giảm giá cước ở Bến xe Miền Đông): Giá vé bị chi phối nhiều yếu tố Giá vé của chúng tôi hiện đã giảm so với trước và bắt đầu giảm từ tháng 1-2015 từ 390.000 đồng/vé (giường nằm) xuống còn 370.000 đồng, riêng ghế ngồi giảm từ 340.000 đồng còn 320.000 đồng/vé tuyến TPHCM - Quảng Ngãi. Riêng đợt giá xăng dầu giảm mạnh từ ngày 27-1, hãng chúng tôi không giảm giá cước bởi mức giảm trên đã hợp lý. Các hãng xe đò có đặc thù là vào mùa thấp điểm thường giảm giá cước đến mức thấp nhất để lôi kéo khách, như giá vé xe Bình Tâm chỉ còn 300.000 đồng. Bù lại, đến đợt cao điểm, giá vé phải quay về mức cũ. Cái khó hiện nay là ngoài xăng dầu, cơ cấu giá thành cước vận tải còn chịu nhiều yếu tố khác như lương công nhân - tăng khoảng 10% năm 2015, phí bến bãi - tăng 10%, phí bảo trì đường bộ… Chưa kể, giá thành còn tùy thuộc vào quy mô và chất lượng xe được DN đầu tư. |
Doanh nghiệp có quyền quyết định giá cước Theo ông Lê Trung Tính, Chủ tịch Hiệp hội Vận tải hành khách liên tỉnh TP HCM, Bộ trưởng Đinh La Thăng kêu gọi như thế không sai nhưng nên để Hiệp hội Bảo vệ người tiêu dùng lên tiếng. Suy cho cùng, cước vận tải nhà nước không quản lý và không thuộc dạng bình ổn giá nên DN có quyền quyết định. Vào dịp Tết, cung vượt cầu thì việc giảm giá cước cũng được các DN cân nhắc nhiều. Tuy nhiên, như vậy không phải là không quản lý được. Chúng ta vẫn có công cụ hiệu quả để quản lý giá là Sở Tài chính của mỗi địa phương. Minh chứng là TP HCM đã làm rất tốt, nếu phát hiện DN tăng giá hoặc làm giá bất thường, họ sẽ tuýt còi ngay. |
Giá cước vận tải bất trị Cứ mỗi dịp Tết đến, chặng đường về quê luôn là nỗi ám ảnh khó quên của nhiều người. Mua vé mọi phương tiện vận tải đều khó khăn, có khi trắng đêm mòn mỏi vẫn không được. Còn giá vé thì năm nào cũng như năm nào, chỉ tăng chứ không giảm. Tết năm nay lại đặc biệt hơn khi giá xăng dầu liên tục giảm mạnh, như dầu diesel đã giảm hơn 30%. Theo quy luật, giá xăng dầu giảm thì giá cước vận tải sẽ giảm do chi phí xăng dầu chiếm tỉ trọng không nhỏ trong giá thành của dịch vụ vận tải. Dù người dân mong mỏi nhưng nhiều hãng xe vẫn không giảm giá cước vận tải. Trớ trêu thay, nhiều DN còn tăng giá như trêu ngươi cơ quan chức năng. Đây lại là vấn đề đáng quan tâm về quản lý nhà nước đối với hoạt động kinh doanh. Tẩy chay một sản phẩm là người tiêu dùng sử dụng sản phẩm của nhà cung cấp khác hoặc không sử dụng. Nhưng với sản phẩm dịch vụ vận tải vào dịp Tết, người tiêu dùng làm sao không sử dụng khi cầu là bắt buộc mà cung thì bé hơn nhiều, thậm chí xe bị “nhồi nhét” cũng phải đi? Nếu hành khách tẩy chay nhà xe vào dịp Tết thì chỉ còn cách... cuốc bộ về quê! Hơn nữa, kêu gọi tẩy chay DN được xem là “hành vi cản trở hoạt động kinh doanh hợp pháp của DN” nên đã vi phạm Luật Cạnh tranh năm 2014 - trong đó, điều 6 quy định các hành vi bị cấm đối với cơ quan quản lý nhà nước. Cơ quan chức năng đang dựa vào Thông tư 152/2014/TTLT-BTC-BGTVT kiểm tra việc kê khai niêm yết. Mà việc rà soát văn bản kê khai giá, thực hiện theo quy định tại điều 16 Thông tư số 56/2014/TT-BTC là: “Sau 3 lần giải trình nhưng tổ chức, cá nhân chưa đáp ứng yêu cầu, cơ quan tiếp nhận văn bản có văn bản yêu cầu tổ chức, cá nhân mua, bán hàng hóa, dịch vụ theo mức giá trước khi thực hiện kê khai giá”. Với biện pháp chế tài yếu ớt như vậy thì giá cước vận tải hành khách dịp Tết có lẽ là bất trị! Vấn đề vận tải hành khách dịp Tết không mới và cũng chỉ căng thẳng chủ yếu ở TP HCM nhưng tại sao nhiều năm rồi cứ đến hẹn lại lên chứ chưa có chiến lược căn cơ lâu dài? Cơ quan chức năng sao không xem xét để có thể quy định về giá trong điều kiện gọi là “đặc biệt”? Sao không vận động hay quy định và tạo điều kiện cho các DN trong cùng KCN có phương tiện vận tải hoặc thuê để vận chuyển công nhân như vận tải công cộng? Điều quan trọng là mọi vấn đề chỉ có thể thay đổi khi có người biết nghĩ, biết làm và làm đúng luật. Bùi Văn Trường (Giảng viên Trường ĐH Kinh tế TP HCM) |