Vụ việc gây hậu quả nghiêm trọng và ảnh hưởng đến ý nghĩa của chương trình đóng tàu, cơ quan công an cần vào cuộc điều tra, Phó chủ tịch UBND huyện Phù Mỹ nhận định.
Ngư dân Lê Văn Thãi (thôn An Quang Tây, xã Cát Khánh, huyện Phù Mỹ), chủ tàu BĐ 99016-TS sáng qua cho biết, công ty đóng tàu Nam Triệu đã cử người xuống sửa chữa trục bô, hộp số, đèn, bộ đề máy.
Tàu vỏ thép BĐ 99179 TS được đóng tại công ty TNHH Đại Nguyên Dương của ngư dân Mai Văn Chương đưa vào sử dụng tháng 8/2016 nay xuống cấp trầm trọng. |
"Việc khắc phục cơ bản đã xong. Nhưng tôi chưa biết tàu có hoạt động bình thường không. Tôi mới cho tàu chạy khoảng 6 tiếng thấy cũng ổn. Tuy nhiên, tàu chỉ chạy chay, chưa có hàng hóa. Mai mốt ra biển, chở đá, sản phẩm mới biết là tàu có hoạt động êm xuôi không", ông Thãi bày tỏ.
Cơ sở đóng tàu tự thay đổi thép Hàn Quốc/Nhật Bản như hợp đồng bằng thép Trung Quốc. |
Theo ông Thãi, ngư dân muốn công an vào cuộc điều tra để làm rõ ai đúng, ai sai. Nếu sai thì phải khắc phục triệt để cho ngư dân, chứ tàu nằm bờ thì không có tiền trả nợ ngân hàng.
"Tôi đang yêu cầu thay bộ số để phù hợp với máy giống trong hợp đồng nhưng công ty chưa thực hiện. Sửa chữa sau này hư thì ai chịu trách nhiệm. Nếu không được, tôi đành trả lại tàu vì tiền sửa chữa còn không có thì tiền đâu mà kiện ra tòa?", ông Thãi lo lắng.
Đề nghị công an vào cuộc
Trước đó, tại cuộc họp ngày 10/5 do UBND tỉnh Bình Định tổ chức với các bên liên quan, các công ty đóng tàu đã đổ lỗi cho ngư dân không biết sử dụng và vỏ tàu rỉ sét là do nước biển… quá mặn.
Công ty đóng tàu Đại Nguyên Dương cho rằng, dù thay thế bằng thép Trung Quốc nhưng chất lượng tương đương thép Nhật Bản, Hàn Quốc.
Theo ông Hà Ngọc Tân, Phó chủ tịch UBND huyện Phù Mỹ, ngư dân huyện hạ thủy 9 tàu vỏ thép theo NĐ 67, trong đó 8/9 tàu làm ăn thua lỗ, 4/9 tàu bị hư hỏng.
Trong số tàu bị hư hỏng có 3 tàu do công ty TNHH Đại Nguyên Dương (Xuân Trường, Nam Định) đóng, 1 tàu do công ty TNHH MTV Nam Triệu (Thủy Nguyên, Hải Phòng) đóng.
"Vụ việc lần này đã gây hậu quả nghiêm trọng và ảnh hưởng đến ý nghĩa của chương trình đóng tàu nên tôi đề nghị cơ quan công an vào cuộc điều tra và đưa ra tòa án để làm rõ. Trước mắt, tôi yêu cầu công ty đóng tàu phải làm theo đúng hợp đồng, nếu không thực hiện ngư dân sẽ kiện", ông Tân nói.
Tàu vỏ thép rỉ sét được các công ty đóng tàu cho biết nguyên do là "nước biển quá mặn" |
Ông Nguyễn Chí Công, Phó chủ tịch UBND huyện Hoài Nhơn cũng cho biết: "7 tàu đóng tại công ty Nam Triệu, khi sử dụng thì 1 chiếc chìm, 6 chiếc bị trục trặc, máy thì ngư dân nói máy cũ...
Theo ông, UBND tỉnh phải thuê đơn vị giám sát, đánh giá toàn bộ các tàu do 2 đơn vị trên đóng. Tuy nhiên, ông Công mong mỏi cơ quan công an cùng vào cuộc điều tra, làm rõ đúng sai. Nếu sai, phải chịu trách nhiệm trước pháp luật.
Giám đốc Sở NN&PTNT tỉnh Bình Định Phan Trọng Hổ cho biết thêm, hầu như toàn bộ các tàu vỏ thép của ngư dân ở địa phương này qua kiểm tra đều không có tư vấn giám sát quá trình thi công. Đây là “lỗ hổng” lớn nhất trong thực hiện NĐ 67.
Ngân hàng hỗ trợ ngư dân Ông Nguyễn Trà Dương, Phó giám đốc Ngân hàng Nhà nước tỉnh Bình Định cho biết, vừa có văn bản gửi Ngân hàng Nhà nước và UBND tỉnh kiến nghị xem xét một số chính sách cho tàu cá trong chương trình NĐ 67. Theo đó, đề nghị Ngân hàng Nhà nước chỉ đạo các ngân hàng thương mại điều chỉnh thời hạn cho vay được hưởng lãi suất ưu đãi cho toàn bộ các chủ tàu tham gia chương trình lên 16 năm, vì một số chủ tàu tham gia giai đoạn đầu chỉ được thời hạn 11 năm. Đề nghị Bộ Tài chính xem xét có hướng dẫn cấp bù lãi suất trong trường hợp ngư dân đã đến hạn trả nợ nhưng chưa có nguồn thu để trả vì các lý do: tàu được giao kém chất lượng phải sửa chữa dài ngày; do diễn biến bất thường về thời tiết, khí hậu, ngư trường. Cho phép ngư dân được đề nghị ngân hàng điều chỉnh lịch trả nợ như tăng và giảm số tiền trả nợ ở một số kỳ trong năm phù hợp với thực tế... |
Theo Huyền Trang (VietNamNet)