"Việc các doanh nghiệp thuyết phục người dân để họ rút đơn là việc riêng của doanh nghiệp còn góc độ quản lý Nhà nước, như tôi đã nói, vẫn phải kiểm tra, làm rõ chất lượng của tàu. Sai phạm đến đâu thì tùy vào mức độ để xử lý, kỷ luật nghiêm minh", ông Dũng cho hay.
Bên hành lang Quốc hội, đại biểu Bùi Đặng Dũng, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính - Ngân sách của Quốc hội cho biết, những ngày qua, ông đã theo dõi khá kỹ các thông tin trên báo chí phản ánh về việc tàu vỏ thép ở Bình Định bị rỉ sét, hỏng hóc...
"Quan điểm của tôi là, cần các cơ quan chức năng điều tra, làm rõ chất lượng của tàu như thế nào. Bởi, Nghị định 67 ra đời khi tình hình Biển Đông rất căng thẳng nên Ủy ban Tài chính - Ngân sách đã báo cáo Quốc hội, Chính phủ dành ra mấy ngàn tỷ để ưu tiên cho Biển đảo trong đó, có hỗ trợ ngư dân đóng tàu. Giờ đóng xong lại có nhiều vấn đề đến như thế.
Thứ nhất việc triển khai đóng tàu rất chậm từ nghiên cứu mẫu mã, vận động thuyết phục ngư dân mất mấy năm khiến ngư dân bức xúc và cho thấy sự không kịp thời.
Thứ hai, khi đóng tàu thì không phù hợp với hoạt động ngư nghiệp trên biển từ lưới, ánh sáng... Bây giờ, chỉ một thời gian ngắn đưa vào sử dụng lại xuống cấp như thế", ông Dũng nói.
Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính - Ngân sách của Quốc hội cũng bày tỏ, ông rất buồn khi có thông tin những ngư dân - người trực tiếp chịu sản phẩm kém chất lượng lại rút đơn kiện vì được doanh nghiệp đóng tàu hỗ trợ một vài trăm triệu.
"Tôi nghĩ rằng, người dân nói chung và ngư dân nói riêng đều sống rất hiền lành, tốt, vì thế những gì động chạm đến khiếu kiện, phiền phức thì người dân đều ngại, không muốn làm. Họ chỉ mong có cái tàu tốt nhất để ra khơi, bám biển.
Việc các doanh nghiệp thuyết phục người dân để họ rút đơn là việc riêng của doanh nghiệp còn góc độ quản lý Nhà nước, như tôi đã nói, vẫn phải kiểm tra, làm rõ chất lượng của tàu. Sai phạm đến đâu thì tùy vào mức độ để xử lý, kỷ luật nghiêm minh", ông Dũng nêu rõ.
Đồng thời, ông Dũng cũng đề nghị, việc tàu vừa đưa vào sử dụng đã hỏng hóc, rỉ sét vỏ như vậy... phải được thông báo rõ ràng cho toàn dân biết và phải rút kinh nghiêm nghiêm túc.
Cùng với đó, trước mắt, các đơn vị đóng tàu này phải có trách nhiệm đảm bảo việc đóng, sửa, thay thế theo đúng hợp đồng đã cam kết với ngư dân.
Máy móc, động cơ của tàu, đèn, chất lượng vỏ thép phải đảm bảo để người dân ra khơi bám biển được an toàn.
Tàu vỏ thép gỉ sét. Ảnh: Báo Giao thông |
"Việc làm vừa rồi, tôi nghĩ là việc rất đáng tiếc, "con sâu làm rầu nồi canh", cần rút kinh nghiệm nghiêm túc để lần sau làm tốt hơn.
Đối với Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn thì trước khi triển khai phải tăng cường kiểm tra, giám sát chặt chẽ hơn, đặc biệt, mẫu mã của tàu phải phù hợp với ngư dân.
Riêng, cá nhân tôi thấy tỉnh Bình Định chỉ đạo rất quyết liệt và việc thành lập tổ kiểm tra, đảm bảo chất lượng của tàu là rất cần thiết", ông Dũng nhấn mạnh.
Trước ý kiến, vấn đề tàu đóng theo Nghị định 67 hư hỏng ở Bình Định gây bức xúc cho dư luận như vậy thì Quốc hội có nên giám sát việc này không? Ông Dũng cho hay, cần chờ vào kết luận của đoàn khảo sát UBND tỉnh Bình Định.
"Việc này trong phạm vi một tỉnh đã có thể xử lý được chứ chưa đến mức Quốc hội phải xử lý nhưng các ĐBQH của tỉnh Bình Định cũng đã lên tiếng.
Tại phiên thảo luận về phát triển kinh tế - xã hội, các ĐBQH khác cũng đã nêu vấn đề này.
Tôi cũng được biết, đơn vị đóng tàu Nam Triệu là của Bộ Công an thì chắc chắn Bộ trưởng có nắm và sẽ có chỉ đạo rút kinh nghiệm để làm cho tốt", ông chỉ rõ.
Theo Hoàng Đan (Trí Thức Trẻ)