Tàu quét sonar phát hiện vật thể tại nơi CASA gặp nạn

21/06/2016 21:51:00

Ngày 20/6, chiến hạm số 888 dùng sonar quét tại địa điểm nghi là nơi chiếc CASA-212 gặp nạn đã phát hiện vật thể có kích thước 13x4m ở độ sâu 60m.

Ngày 20/6, chiến hạm số 888 dùng sonar quét tại địa điểm nghi là nơi chiếc CASA-212 gặp nạn đã phát hiện vật thể có kích thước 13x4m ở độ sâu 60m.

Tại địa điểm phát hiện vật thể trên, điều kiện đáy biển khá bằng phẳng, tàu đã tiến hành rà quét 5 sonar lần, tuy nhiên do điều kiện sóng lớn, tàu đang neo tại vị trí chờ điều kiện thuận lợi để tiếp tục xác định.

Đến ngày 21/6, thiết bị dò quét sonar tiếp tục tham gia tìm kiếm tại thực địa.

Tuy nhiên do thời tiết xấu, gió mạnh, biển động trên vịnh Bắc Bộ tiếp tục là trở ngại cho công tác tìm kiếm máy bay CASA-212 gặp nạn.

Trả lời báo Đất Việt, Trung tâm dự báo khí tượng thủy văn Trung ương cho biết ngày 21/6 tại khu vực vịnh Bắc Bộ tiếp tục có gió Nam đến Đông Nam cấp 5, có lúc cấp 6, giật cấp 7; biển động.

Bộ quốc phòng cho biết thêm, các lực lượng tìm kiếm cứu hộ, cứu nạn tiếp tục đang được tăng cường về phương tiện và tập trung cao độ để tìm kiếm trên cả hai khu vực máy bay CASA-212 và máy bay SU-30MK2 gặp nạn. Trong đó, ưu tiên người và phương tiện tìm kiếm chín quân nhân và máy bay CASA-212.

Đến nay, lực lượng đặc công nước, tàu Hải quân 888, tàu Bệnh viện 561 hiện đại nhất của Hải quân Việt Nam, 2 tàu có thiết bị quét đáy biển cùng toàn bộ người dân và các lực lượng trên đảo Bạch Long Vĩ đã sẵn sàng công tác cứu nạn và tìm kiếm.

Tau quet sonar phat hien vat the tai noi CASA gap nan
Tàu Hải quân dùng hệ thống sonar dò tìm máy bay mất tích.

Cách hệ thống sonar hoạt động

Vậy hệ thống sonar hoạt động như thế nào khi tìm kiếm mục tiêu ngầm? Để thực hiện dò tìm mục tiêu ngầm dưới nước có hai loại sonar khác nhau: Sonar chủ động thì tự phát xung sóng và nghe tiếng vọng lại và sonar thụ động chỉ nghe âm thanh do tàu bè hay nguồn khác phát ra.

Với tàu ngầm, hệ thống sonar bị động (thụ động) chính là con mắt của tàu khi lặn. Nó gồm 360 chiếc anten đặt ở mũi tàu. 360 chiếc anten này được bố trí thành 1 vòng tròn, cứ mỗi độ ứng với 1 chiếc. 0 độ là mũi tàu, 180 chiếc bên mạn phải, 180 chiếc bên mạn trái.

Khi tàu đi hoạt động hệ thống được mở 24/24 thuỷ thủ sonar luôn luôn theo dõi trên màn hình cứ 5 phút phải báo cáo cho chỉ huy về tình hình 4 phía. Trung tâm được đặt tại khoang 3 (khoang chỉ huy).

Hệ thống này thu âm thanh của chân vịt tàu đối phương, qua hệ thống phân tích và kinh nghiệm của thuỷ thủ sonar có thể biết được mục tiêu là chủng loại tàu nào, hướng đi, và tốc độ của tàu....

Đồng thời với sonar thụ động, người ta còn sử dụng hệ thống sonar chủ động sonar chủ động trong tìm kiếm mục tiêu ngầm. Theo đó, dùng đầu phát phát xung sóng, thường được gọi là một "ping", và nghe tiếng vọng lại ở đầu thu. Có nhiều cách bố trí hình học các đầu phát và thu, cho ra cách thức định vị đối tượng khác nhau:

Nếu phát và thu ở cùng một chỗ, hoạt động của nó là đơn tĩnh. Nếu phát và thu tách biệt, hoạt động của nó là song tĩnh. Nếu có nhiều đầu phát (hoặc nhiều đầu thu) ở vị trí tách biệt, hoạt động của nó là đa tĩnh.

Hầu hết sonar là đơn tĩnh, các phao âm thanh có thể được vận hành đa tĩnh. Xung âm thanh phát ra có thể được bộ phận tạo tia tập trung sóng thành một chùm mạnh.

Khi thu được tín hiệu phản xạ, sẽ tính được khoảng cách đến đối tượng dựa theo tốc độ truyền âm thanh trong nước, giá trị thô là 1500 m/s. Để có độ chính xác khoảng cách cao hơn, phải đo giá trị đó trong môi trường cụ thể, hoặc tính ra theo quan hệ tốc độ với độ mặn và nhiệt độ.

Nếu các đối tượng ở xa, tín hiệu phản xạ nhỏ, thì người ta dùng kỹ thuật đa tia và đa tần. Xử lý tín hiệu thu dựa theo khuôn mẫu của tín hiệu phát ra, và so sánh kết quả của các lần phát, sẽ cho ra giá trị tin cậy.

Khi phát xung đơn tần hoặc biến đổi tần trong dải hẹp, thì bằng hiệu ứng Doppler sẽ tính được tốc độ dịch chuyển xuyên tâm của đối tượng. Khi bố trí nhiều đầu thu và xử lý tín hiệu đồng thời, sẽ định vị được đối tượng. Cách thức bố trí đầu thu xác định vùng định vị tin cậy.

Ngoài tác dụng dò tìm, thì sonar còn dùng cho trao đổi thông tin dưới nước. Thông tin được mã hóa theo cách thức đặc biệt, và được gửi vào nước.

Máy Tiếp sóng (Transponder) là loại sonar chủ động phục vụ chuyển tiếp thông tin cũng như cho định vị. Khi nhận được tín hiệu thì tùy theo cài đặt mà Transponder sẽ thực hiện ngay hoặc có trễ, phát xung chuyển tiếp nguyên mã hoặc phát mã của riêng nó.

Như vậy, sử dụng hệ thống sonar chủ động trong việc tìm kiếm hai chiếc máy bay mất tích công việc sẽ trở nên thuận lợi hơn rất nhiều.

Clip tàu hải quân tìm máy bay CASA-212
 
Clip cách hệ thống sonar dò tìm mục tiêu
 

Theo Thùy Dung (Đất Việt)