“Trong khi tàu New Zealend lưu thông hàng hải qua khu vực đảo Bạch Long Vĩ đã phát hiện ra vật thể của máy bay CASA-212 và dừng lại thông báo cho Việt Nam. Qua đó ta xác định được vị trí mất tích của máy bay CASA- 212”, Thượng tướng Võ Văn Tuấn cho biết.
Chiến dịch tìm kiếm 9 thành viên phi hành đoàn hy sinh khi làm nhiệm vụ trên máy bay CASA- 212 và cuộc tìm kiếm trục vớt máy bay chiến đấu Su-30Mk2 đang dần khép lại.
Thượng tướng Võ Văn Tuấn, Phó Tổng tham mưu trưởng Quân đội nhân dân Việt Nam cho biết, trong chiến dịch tìm kiếm máy bay mất tích, Việt Nam đã nhận được nhiều sự hỗ trợ của bạn bè quốc tế… Đặc biệt một con tàu của New Zealand đã phát hiện ra một vật thể của máy bay, thông báo cho phía Việt Nam biết đến trục vớt, từ đó ta xác định được vị trí máy bay CASA rơi.
“Ở đây tôi cũng muốn nói thêm việc xác định vị trí của CASA-212 một cách kịp thời nhờ có thông báo của tàu New Zealand đi qua vùng đã phát hiện ra vật thể và có trách nhiệm dừng lại thông báo, chờ chúng ta ra trục vớt và khẳng định là của CASA-212”, Thượng tướng Võ Văn Tuấn cho biết.
Nói về chiến dịch tìm kiếm, cứu nạn 9 thành viên phi hành đoàn cùng máy bay CASA-212, Thượng tướng Võ Văn Tuấn cho biết, ngay sau khi có thông tin về vụ tai nạn, phía Trung Quốc đã lập tức chủ động đề nghị chúng ta cung cấp thông tin cụ thể và cùng đề xuất các biện pháp, giải pháp hợp tác tìm kiếm, bởi vì máy bay CASA-212 bị rơi gần đường phân định Vịnh Bắc Bộ. Việc mở rộng tìm kiếm sang khu vực phía Đông đường phân định được phía Trung Quốc tạo điều kiện, cho phép chúng ta đưa máy bay, tàu thuyền sang tìm kiếm. Đồng thời, Trung Quốc cũng cử nhiều tàu, máy bay, phương tiện giúp chúng ta tìm ở phía Đông đường phân định Vịnh Bắc Bộ.
Tiếp đó, Đại sứ Hoa Kỳ tại Việt Nam cũng đã gửi thư và thông báo Hoa Kỳ sẵn sàng chia sẻ, phối hợp giúp Việt Nam tìm kiếm cứu nạn. Một số tập đoàn có liên quan như Airbus - nhà cung cấp máy bay CASA-212, Tập đoàn E-gi-ơ của Hoa Kỳ - nhà cung cấp thiết bị tìm kiếm tín hiệu hộp đen cho Hàng không dân dụng Việt Nam - đã cử các chuyên gia cùng với chúng ta trao đổi thông tin, tạo điều kiện cho việc phối hợp tìm kiếm, phân tích kết quả hộp đen máy bay khi tìm được.
Theo Thượng tướng Võ Văn Tuấn, việc bạn bè quốc tế tích cực giúp đỡ Việt Nam trong công tác tìm kiếm máy bay mất tích là nhờ trước đây, Việt Nam đã tạo ra sự đồng thuận khi từng thực hiện nhiệm vụ này với cộng đồng quốc tế.
Ngoài ra, việc bạn bè quốc tế hợp tác giúp Việt Nam tìm kiếm 9 quân nhân mất tích cùng máy bay CASA còn thể hiện tính chất nhân đạo; đúng luật pháp quốc tế. Đặc biệt sự hỗ trợ của Trung Quốc là bởi giữa Việt Nam và Trung Quốc có quan hệ láng giềng và vị trí rơi của máy bay CASA-212 sát đường phân định Vịnh Bắc Bộ.
“Ở đây tôi muốn nêu lên góc độ tình cảm. Khi máy bay MH370 của Malaysia bị nạn và nghi là rơi trong không phận Việt Nam, thuộc FIR chúng ta quản lý, chúng ta đã cử đông đảo lực lượng, phương tiện ra tìm kiếm và trên chiếc máy bay gặp nạn đó đa số là công dân Trung Quốc”, Thượng tướng Tuấn cho biết.
Theo Thượng tướng Võ Văn Tuấn, phi công Lê Kiêm Toàn trên máy bay CASA-212 bị tai nạn lần này cũng chính là người đã thực hiện rất nhiều chuyến bay tìm kiếm chiếc MH370 trước đây. Khi nghe thông báo, phía Trung Quốc rất chia sẻ và cũng nhiệt tình ủng hộ, mong muốn hợp tác để tìm kiếm. Qua đó giúp chúng ta trong một thời gian rất ngắn với một vùng biển rộng lớn, trong điều kiện khó khăn về thời tiết, phương tiện, kinh nghiệm, thông tin mà chúng ta vẫn thực hiện được nhiều công việc…
Theo Tuấn Hợp (Dân Trí)