Tàu Greenlines DP C3 bị chìm ở Cần Giờ là do gãy chân vịt

09/04/2018 15:36:34

Video: Tàu cao tốc triệu USD chìm tại Cần Giờ, 42 hành khách thoát nạn

Tàu bị chìm Greenlines DP C3 đã được trục vớt thành công. Ban đầu cơ quan chức năng đã phát hiện vết thủng dưới thân tàu.

Đến trưa 9-4, cơ quan chức năng bước đầu xác định chiếc tàu cao tốc Greenlines DP C3 bị chìm ở bến Tắc Suất (Cấn Giờ, TP HCM) là do gãy trục chân vịt khiến chân vịt rớt ra ngoài, nước theo đường ống bao của trục chân vịt theo vào phòng máy.

Tàu Greenlines DP C3 bị chìm ở Cần Giờ là do gãy chân vịt

Tàu Greenlines DP C3 bị chìm ở Cần Giờ là do gãy chân vịt - 1
Cơ quan chức năng bước đầu xác định chiếc tàu cao tốc Greenlines DP C3 bị chìm ở bến Tắc Suất (Cấn Giờ, TP HCM) là do gãy trục chân vịt khiến chân vịt rớt ra ngoài

Trong khi đó, ông Trần Song Hải, Giám đốc Công ty Greenlines DP cho biết hiện đơn vị này đã cho dừng thêm 3 tàu khác cùng loại với tàu bị chìm ở bến Tắc Suất (Cần Giờ, TP HCM) sáng 8-4.

Theo đó, tổng cộng 9 tàu cao tốc chạy tuyến TP HCM - Vũng Tàu chỉ còn 6 chiếc. "Chiếc tàu bị chìm Greenlines DP C3 đã được trục vớt thành công. Ban đầu cơ quan chức năng đã phát hiện vết thủng dưới thân tàu. Tuy nhiên để đánh giá đúng nguyên nhân thì phải chờ kết luận của các cơ quan có thẩm quyền", ông Hải nói và thông tin thêm lỗ thủng đã được niêm phong để chờ cơ quan độc lập phân tích.

Ở một diễn biến khác, lãnh đạo huyện Cần Giờ thông tin lúc 22 giờ 10 ngày 8-4, các đơn vị cứu hộ đã hoàn thành việc trục vớt tàu Greenlines DP C3.

Tàu Greenlines DP C3 bị chìm ở Cần Giờ là do gãy chân vịt - 2

Tàu Greenlines DP C3 bị chìm ở Cần Giờ là do gãy chân vịt - 3

Tàu Greenlines DP C3 bị chìm ở Cần Giờ là do gãy chân vịt - 4
Tàu Greenlines DP C3 đã được trục vớt thành công

Trước đó, lãnh đạo Sở Giao thông Vận tải (GTVT) TP HCM đã có mặt tại hiện trường và yêu cầu các đơn vị khẩn trương xử lý sự cố. Ông Trần Quang Lâm, Phó Giám đốc Sở GTVT, lo ngại nguy cơ tràn dầu từ chiếc tàu bị sự cố và để bảo đảm an toàn cho các phương tiện qua lại bến Tắc Suất nên yêu cầu phía chủ đầu tư phải trục vớt nhanh. Đặc biệt, ông Lâm đề nghị ngưng hoạt động bến Tắc Suất cho đến khi công tác trục vớt hoàn thiện. Đồng thời, qua sự việc này, ông Lâm cũng yêu cầu các đơn vị trực thuộc Sở GTVT tăng cường kiểm tra các điều kiện kỹ thuật trước khi cho phương tiện xuất bến.

Trên địa bàn TP HCM từng xảy ra nhiều vụ tai nạn thảm khốc liên quan đến tàu chở khách hoạt động đường thủy. Điển hình như vụ chìm tàu trên biển Cần Giờ làm 9 người chết hồi năm 2013. Cơ quan điều tra kết luận tàu số hiệu BP 12-04-02 chỉ có tải trọng chở được 12 người nhưng thời điểm xảy ra tai nạn ngày 2-8-2013, phương tiện này chở tới 30 người rồi bị sóng đánh chìm. Hay trước khi bị dừng hoạt động thì hàng loạt tai nạn cháy nổ và chìm đã xảy đến với các tàu cao tốc cánh ngầm thuộc tuyến TP HCM - Vũng Tàu (tiền thân của tuyến TP HCM - Cần Giờ - Vũng Tàu hiện tại), gây lo sợ cho hành khách.

Theo Thành Đồng - Gia Minh (Nld.com.vn)