Mấy ngày qua, dư luận phản ứng gay gắt trước đoạn video quay lại cảnh một nữ phụ huynh tát vào mặt một hiệu trưởng ngay trong nhà trường. Cụ thể, bà Nguyễn Thị Thanh Hằng - Hiệu trưởng Trung tâm dạy năng khiếu cho trẻ em Mun Art (quận Hải Châu, TP. Đà Nẵng) đã gửi đơn đến cơ quan chức năng tố cáo 1 phụ huynh có hành vi đe dọa, xúc phạm nhân phẩm của mình.
Vào ngày 18/11, Trung tâm Mun Art có tổ chức 1 buổi biểu diễn, bà Nguyễn Thị Trường Thy là mẹ của học sinh S.T đưa con đến mà không bàn giao cho lớp. Hôm sau, bà Thy xem video của trường, không thấy con trên sân khấu nên đã yêu cầu nhà trường giải thích. Ngày 12/12, tại buổi họp của trung tâm Mun Art với phụ huynh, bà Thy đã tát vào mặt bà Hằng.
Hiện tại cơ quan chức năng TP. Đà Nẵng đang làm rõ vụ việc. Tuy nhiên, đây không phải lần đầu xảy ra việc phụ huynh học sinh tới nơi con học và có hành vi xúc phạm danh dự, thân thể các thầy cô giáo. Thời gian qua, cũng xảy ra nhiều vụ việc phụ huynh, người nhà đến trường bắt ép giáo viên phải quỳ gối, đánh đập, chửi bới…
"Chưa bao giờ nghề giáo viên lại nguy hiểm đến thế!" - câu nói quen thuộc của rất nhiều nhà giáo ái ngại về nghề nghiệp của mình được chia sẻ trên các diễn đàn dành cho giáo viên. Ngoài áp lực về dạy học, giáo viên giờ thêm bất lực với thực trạng học trò ngày càng thiếu tinh thần học tập, phụ huynh ngày càng "hổ báo"…
"Tôi ngày càng sợ phụ huynh, suốt ngày họ gọi điện chất vấn, dọa nạt chỉ vì không cho con họ vào đội văn nghệ, con điểm kém, con không viết bài trong vở… Hàng ngày, đến trường từ 7h tới 19h, tối về nhà còn soạn bài, vậy mà phải tiếp nhận nhiều cuộc gọi của phụ huynh chất vấn, vặn vẹo đủ kiểu" - một giáo viên dạy tiểu học ở Hà Nội chia sẻ.
Từ những vụ việc giáo viên bị xúc phạm danh dự, thân thể trong thời gian qua, cô Nguyễn Thị Loan - giáo viên Ngữ văn trường THCS Vũ Tiến (Vũ Thư, Thái Bình) cho rằng, hàng loạt vụ việc giáo viên bị hành hung cho thấy nghề giáo không còn được tôn kính như trước. Phụ huynh không tôn trọng giáo viên, chà đạp, sỉ nhục giáo viên cũng đồng nghĩa với việc chà đạp lên truyền thống "tôn sư trọng đạo" của dân tộc ta.
"Thực tế, có những giáo viên có lỗi sơ suất nào đó, nhưng phụ huynh cũng cần có cách ứng xử văn hóa, nhân văn để tránh làm ảnh hưởng đến uy tín của nhà giáo, vô tình tạo ra suy nghĩ lệch của học sinh về truyền thống "tôn sư trọng đạo" tốt đẹp mà ông cha ta dạy dỗ ngàn đời nay" - cô Loan chia sẻ thêm.
Thạc sỹ Nguyễn Sóng Hiền - nghiên cứu sinh tại Australia chia sẻ, những đứa trẻ sống trong môi trường bạo lực ắt hẳn sẽ ảnh hưởng nhiều đến tâm lý, nhân cách của trẻ. Bố mẹ không quan tâm, yêu thương trẻ, phụ huynh bạo lực với thầy cô, với con cái; giáo viên bạo lực với học sinh thì tất yếu nó sẽ dần vô cảm với con người và với xã hội, bạo lực cứ thế mà sinh sôi.
Theo các chuyên gia giáo dục, phụ huynh xúc phạm giáo viên cũng ảnh hưởng tới chính con em mình, học sinh sẽ ra sao trong mắt bạn bè khi bố mẹ xúc phạm giáo viên? Sau một loạt vụ việc vừa qua, phụ huynh cũng nên rút kinh nghiệm và tìm hiểu để hành động có chừng mực khi tiếp xúc với thầy cô giáo.
Phụ huynh cần tìm hiểu kỹ mọi chuyện, đưa ra những ứng xử phù hợp nhất và làm tấm gương sáng cho con cái. Nếu không cảm thấy thỏa đáng, có quyền khiếu nại tới các cơ quan có thẩm quyền vào cuộc, hoặc môi trường giáo dục không phù hợp với con em mình, có thể cho con tới nơi phù hợp hơn. Không nên chỉ vì nóng giận mà làm mất đi truyền thống "tôn sư trọng đạo", trở thành "tấm gương mờ" trong mắt con cái, thậm chí vi phạm pháp luật nếu xúc phạm danh dự, thân thể người khác.
Theo Quang Anh (Giadinh.net.vn)