Những ai đăng trên tạp chí
Sau những chuyện rùm beng liên quan “nhà báo quốc tế” Lê Hoàng Anh Tuấn với cuộc viếng thăm trường cũ tại Nghi Lộc, Nghệ An, nhiều người tò mò muốn có thông tin về Tạp chí Chống Tham nhũng xuất bản tại Séc do “nhà báo quốc tế” này làm tổng biên tập.
Khi nhóm PV Tiền Phong gửi email hỏi Thư viện quốc gia Séc, mới đây đã được hồi âm: “Tạp chí này được ký gửi vào kho của thư viện, chứ không phải để đọc”.
Tiếp đến, ngày 17/5, Vondráková Sona - người phụ trách dịch vụ tham khảo, tra cứu liên thư viện, thư viện quốc gia Séc, email: “Lưu chiểu được thực hiện đối với các ấn phẩm in tại Séc, viết về Séc hoặc do tác giả người Séc viết ra.
Theo quy định mỗi số báo nộp vào kho lưu chiểu 1 bản và được cất giữ trong kho của thư viện”. Như vậy thư viện không duyệt mua tạp chí này, không liệt kê tạp chí trong danh mục tham khảo, không trưng bày tạp chí trong phòng mượn cũng như phòng đọc.
Sau khi xem một số bài viết của một số học giả từ trong nước đăng trên Tạp chí Chống Tham nhũng do “nhà báo quốc tế” Lê Hoàng Anh Tuấn làm tổng biên tập, giáo sư Vũ Tiến Hồng (làm việc liên quan lĩnh vực báo chí thuộc Đại học Kansas, Mỹ), nhận xét: “Thường những tạp chí uy tín thấp, lập ra chỉ với mục đích kiếm tiền.
Mỗi tuần, tôi nhận được không dưới 10 email từ những tạp chí như vậy mời đăng bài. Những tạp chí đó họ đăng bất cứ bài nào cũng được miễn là trả tiền”.
Ông Hồng cũng nói thêm: “Do không có đủ thông tin để kết luận về tờ tạp chí này, nhưng nếu hỏi có gửi bài đến đó để đăng không thì không. Vì có những dấu hiệu cho thấy chất lượng có vấn đề. Tiếng Anh lủng củng. Đọc một số bài trên đây, chất lượng thấp”.
Ngay nhiều tiến sỹ công tác trong lĩnh vực báo chí, truyền thông, tu nghiệp từ những nước nói tiếng Anh về nhận xét: Nhiều bài báo viết văn phong như tiếng Việt, thậm chí dùng từ không chuẩn.
Dùng bài báo “quốc tế” xin tài trợ khoa học
Riêng PGS.TS Đỗ Thị Thu Hằng có nhiều bài đăng trên tạp chí, thậm chí còn dùng nó để xin tài trợ khoa học từ Quỹ phát triển Khoa học và Công nghệ Quốc gia (Nafosted). Tuy nhiên, một thành viên hội đồng Nafosted cho biết, sau những lùm xùm trên, các bài báo này đã bị loại.
Chính một số thành viên (cũng là PGS.TS) thuộc Hội đồng khoa học liên ngành Văn hóa học, Nghiên cứu Nghệ thuật, Báo chí, Truyền thông (trực thuộc Quỹ Nafosted) cho hay, có nhiều lý do các bài báo trên không được công nhận.
Trước hết là tạp chí không chính thức, không có đăng ký và không được công nhận. Bên cạnh đó, trong số các bài PGS.TS Đỗ Thị Thu Hằng gửi, đã đăng trên tạp chí Hàn Quốc chung với người khác và không đúng với định hướng nghiên cứu báo chí - truyền thông, mà nói về khoa học máy tính...
“Chẳng hạn, tôi có một bài báo khoa học muốn đăng trên một tạp chí quốc tế của Nga phải qua 3 lần chỉnh sửa, ký hợp đồng bản quyền rồi mới được công bố, mất hơn 1 năm.
Việc chị Hằng gặp ông Lê Hoàng Anh Tuấn như kiểu 2 bên cùng có lợi. Ông Tuấn lại được tham gia chủ trì hội thảo khoa học, giảng dạy, ra sách... rất nhanh”, một PGS.TS nói.
Một tiến sĩ khác từng công tác tại Học viện Báo chí và Tuyên truyền (xin giấu tên) và từng được tiếp cận qua một trong các bài báo trên cho rằng, có những bài báo chưa đạt tiêu chuẩn của một bài báo khoa học.
Theo đó, kết cấu một bài báo khoa học thường có độ dài khoảng 7.000 chữ (tương đương 20 trang trở lên), chưa kể phần tài liệu tham khảo.
Trong khi, bài của PGS Hằng và nhiều người khác gửi từ Việt Nam trong tạp chí của “nhà báo quốc tế” kia chỉ có độ dài 5-7 trang, không đủ dung lượng cần thiết của một bài báo nghiên cứu theo chuẩn quốc tế.
Ngoài ra, thể thức trình bày bài báo này cũng không đúng chuẩn bài báo quốc tế...
Người này cũng chỉ ra 7 dấu hiệu nhận biết Tạp chí Chống Tham nhũng và Hợp tác quốc tế (tiếng Anh: Anti-corruption & International Cooperation Magazine) không phải là một tạp chí khoa học.
Một là tên tạp chí: Tạp chí nghiên cứu nói chung thường định danh là Journal, còn từ “Magazine” ở tạp chí của ông Tuấn chỉ dành cho đại chúng, không phải tạp chí nghiên cứu. Hai là, dấu hiệu ở phạm vi phát hành.
Các tờ tạp chí nghiên cứu nói chung thường phát hành rộng rãi, cả trên mạng. Một số tạp chí phát hành dạng mở (open access) để được nhiều người đọc và trích dẫn, làm tăng chỉ số tác động của tạp chí.
Trong khi đó, tạp chí của Lê Hoàng Anh Tuấn không phát hành trên mạng, phạm vi hẹp, giới nghiên cứu không đọc được, không trích dẫn được. Dấu hiệu thứ ba nằm ở thể thức trình bày một bài báo khoa học.
Theo đó, ở các tạp chí nghiên cứu nói chung, một bài báo nghiên cứu thường có những mục sắp xếp theo trình tự: Tóm tắt, mở đầu, tổng quan tài liệu, câu hỏi nghiên cứu, phương pháp nghiên cứu, kết quả nghiên cứu, thảo luận về kết quả nghiên cứu, kết luận, danh mục các tài liệu tham khảo.
Trong khi đó, tạp chí của ông Tuấn không có các mục như trình tự thông thường.
Chiều 18/5, xác nhận với Tiền Phong, một cán bộ thuộc Học viện Cảnh sát Nhân dân cho biết, ngày 8/5, đơn vị đã có văn bản gửi báo chí phản hồi nội dung: Học viện Cảnh sát Nhân dân không có bất kỳ liên hệ nào với ông Lê Hoàng Anh Tuấn.
Học viện không tham dự, không có chỉ đạo gửi lẵng hoa chúc mừng trong sự kiện ông Lê Hoàng Anh Tuấn tri ân trường THPT Nghi Lộc 3.
Về bức ảnh có cá nhân trao tặng lẵng hoa cho hiệu trưởng, học viện thông tin đó không phải cán bộ hay đại diện của trường.
Tuy nhiên, vị cán bộ này cho hay, đúng là Tiến sĩ Trương Thành Trung và Thạc sĩ Nguyễn Trọng Tuấn đang giảng dạy tại học viện.
Theo Nhóm PV Điều tra (Tiền Phong)