Tính đến 23h30 ngày 29.5, đã có tới 7 người ra đi một cách đột ngột sau sự cố y khoa được đánh giá là nghiêm trọng nhất từ trước tới nay xảy ra tại Bệnh viện đa khoa tỉnh Hòa Bình. Nhìn những chiếc giường phủ ga trắng nơi nhà quản thi thể của BV cùng ánh mắt thất thần của người thân các nạn nhân, không ai có thể cầm lòng. Cả xứ Mường đang bị bao phủ bởi một màu buồn tang tóc.
Ông Đinh Văn Tính, bố của nạn nhân Đinh Thị Thu Hằng 36 tuổi, ngồi trong bóng tối trước cửa nhà xác bệnh viện. Ông gần như bất động, để mặc những con muỗi vo ve chung quanh.
Sự ra đi của cô con gái dường như với ông vẫn không phải là sự thật. Rất lâu sau khi được động viên, an ủi, ông mới ngập ngừng rồi kể lại câu chuyện buồn của mình.
Ông Tính ngồi chết lặng khi đợi nhận xác con về. |
Cuộc đời con gái ông đầy rẫy những nỗi buồn. 20 tuổi, Hằng là một cô gái xinh xắn nổi tiếng của xóm. Rồi Hằng lấy chồng. Sau khi mang thai cô con gái đầu lòng, Hằng thấy sức khỏe giảm sút nghiêm trọng. Đi khám tại bệnh viện Bạch Mai, Hằng được các bác sỹ thông báo bị viêm thận cấp. Kể từ ngày đó, cuộc đời cô phải gắn liền với cỗ máy chạy thận nhân tạo. Tuần 3 lần, Hằng lại phải tới BV để lọc máu.
Cuộc sống đã không mấy dễ chịu, khi vợ lâm trọng bệnh, cuộc sống khó khăn, chồng Hằng lại bỏ vào Nam không một dòng tin tức. Đau đớn ôm con về nhà bố mẹ đẻ nương nhờ, Hằng vừa chữa bệnh vừa chăm sóc cho con gái.
Ông Tính kể tiếp: Trước kia, mỗi tuần Hằng phải đi xe xuống bệnh viện Bạch Mai 3 lần để chạy thận lọc máu, xong lại tự bắt xe về. 7 năm trước, khi ở bệnh viện đa khoa tỉnh Hòa Bình có khoa chạy thận nhân tạo, Hằng bắt đầu trở thành gương mặt quen thuộc tại nơi đây.
Như mọi ngày, sáng 29.5, Hằng một mình vào viện. Khoảng 10h30, Hằng gọi điện cho mẹ, nói bị chóng mặt, huyết áp lên xuống bất thường, đau bụng buồn nôn. Bà Thu mẹ cô tất tả bỏ hàng nước chạy vào với con gái trong bệnh viện.
Sau một hồi sơ cứu, Hằng đã tỉnh, nói chuyện được bình thường, huyết áp đã ổn định. Cô ăn được 10 thìa cháo. Theo ông Tính, các bác sỹ đều đánh giá sức khỏe của Hằng như vậy là ổn, không có biến chứng.
Nhưng chỉ chưa đầy một phút sau, Hằng lên cơn co giật, người tím tái rồi đột ngột tắt thở. Các bác sỹ và người thân đều sững sờ nhìn thần chết cướp đi cuộc sống của Hằng ngay trước mắt.
“Gia đình tôi chỉ mong các cơ quan chức năng sớm tìm ra nguyên nhân, để con tôi ra đi thanh thản”, ông Tính gạt nước mắt mà nói.
Cũng với ánh mắt thất thần, chị Nguyễn Thị Ánh Tuyết, con gái của bà Nguyễn Thị Minh (64 tuổi tổ 13 phường Đồng Tiến thành phố Hòa Bình), một trong 7 nạn nhân tử vong nghẹn ngào: Bố tôi vừa mất năm ngoái mới giỗ đầu thì giờ chúng tôi mất mẹ, đau xót quá các anh ơi.
Chị Tuyết không tin vào sự thật mẹ mình đã mất. |
Bà Minh cũng đã phải chạy thận 6 năm nay. Vì nhà ngay cổng viện, nên bà Minh vẫn thường đi một mình. Sáng 29.5, theo lời kể của nhân chứng, bà Minh cũng có cùng biểu hiện như 17 người khác. Sau khi cắm máy lọc máu được 30 phút bà thấy buồn nôn, đau bụng, huyết áp tăng bất thường.
Sau khi được sơ cứu, bà tỉnh táo trở lại. Bà được đưa lên khoa Hồi sức tích cực để theo dõi. Nhưng đến 11h45, khi các con đang chăm sóc, bà Minh lên cơn co giật và đến 16h cùng ngày, bà đã qua đời.
Chị Tuyết mếu máo vừa nói vừa khóc: Giá như lúc mẹ tôi hấp hối, các bác sỹ cho chị em chúng tôi vào nhìn mẹ lần cuối thì chúng tôi thấy được an ủi phần nào. Đằng này, chúng tôi chỉ được nhìn bà, chạm vào bà khi mẹ đã ra đi.
Vừa đi làm thuê vừa chữa bệnh
Trong số những người nhà nạn nhân đang lầm lũi giấu mình vào bóng tối nơi nhà xác, chìm trong nỗi buồn tưởng chừng vô tận, có bà Bùi Thị Nga, 47 tuổi, vợ nạn nhân Bùi Đức Chính, 50 tuổi, trú tại xã Bình An huyện Lạc Thủy, tỉnh Hòa Bình.
Bà Bùi Thị Nga, vợ nạn nhân Bùi Đức Chính. |
Bà Nga dường như vẫn không tin vào sự thật là chồng mình đã không còn. “Giờ này tối qua chúng tôi vẫn gọi điện, chồng tôi vẫn còn nói: Nếu ra thăm thì phải ở hết tuần rồi cuối tuần hai vợ chồng đèo nhau bằng xe máy về quê. Vì anh thương tôi đi lại vất vả. Từ nhà chúng tôi ở xã 135 Bình An lên thành phố cũng ngót nghét 130km đường núi chứ ít gì đâu”, bà Nga sụt sùi.
7 năm nay, bà Nga đã quen thuộc với quãng đường này từ khi ông Chính bị mắc bệnh, phải chạy thận nhân tạo. Ở quê khó khăn, ông Chính rời xóm núi lên thành phố trông rửa xe thuê ở Khu tập thể chuyên gia thành phố Hòa Bình để kiếm tiền chữa bệnh.
“Anh Chính chồng tôi hiền lành lắm, chịu khó làm ăn thương vợ con. Sao người tốt phải ra đi sớm vậy. Trước kia nhà có 8 sào ruộng, cấy lúa trồng khoai, chăn nuôi nhà tôi cũng đủ ăn. Nhưng từ khi anh ý mắc trọng bệnh, chúng tôi thành hộ nghèo. Anh vừa phải đi làm thuê vừa lo chữa bệnh mà không than vãn một lời”, bà Nga tâm sự.
Vợ chồng tuy khó khăn nhưng thương nhau, tối nào hai ông bà cũng gọi điện tâm sự động viên nhau mỗi người cố lên một tí. Nhưng ai ngờ được, sáng nay, khi bà Nga vừa bước chân tới cổng bệnh viện thì đã nhận được tin dữ. Chạy hớt hải đến chỗ chồng nằm, bà thấy người chồng vẫn còn hơi ấm nhưng chẳng thể trả lời lấy một câu.
“Số anh ấy khổ đến ngay cả lúc ra đi cũng không kịp nói một lời với vợ, với con. Thương anh ấy quá”, bà Nga nấc lên.
Đến lúc này, nạn nhân thứ 9 của sự cố y khoa nghiêm trọng đã qua đời, cả xứ Mường như buồn đau hơn, chìm trong không khí tang tóc. Chúng tôi cùng nhiều đồng nghiệp chỉ biết cầu nguyện cho tin dữ sẽ chấm dứt, những bệnh nhân còn lại được bình an vô sự.
Theo Nhóm PV (Dân Việt)